Từ trái qua: Các nhân vật Long Thần Tướng khi "điện ảnh hóa": Trần Nhân Tông, Trần Thủ Độ và Trần Ích Tắc - Ảnh: Vietnam Centre
Một năm cho 6 tấm ảnh - đó là thời gian ê kíp Vietnam Centre thực hiện "điện ảnh hóa" truyện tranh Long Thần Tướng qua những nhân vật nổi bật nhất trong truyện: vua Trần Nhân Tông, thái sư Trần Thủ Độ, hoàng thân Trần Ích Tắc, sứ giả Sài Thung, Lê Nhật Lan và Long.
Giới thiệu về bộ ảnh được coi là phiên bản cosplay điện ảnh hóa từ truyện, nhóm Vietnam Centre cho biết: "Truyện tranh Long Thần Tướng của nhóm tác giả Phong Dương Comics là một trong những bộ truyện dã sử đầu tiên của Việt Nam. Không chỉ kịch tính về kịch bản, truyện còn khéo léo lồng ghép rất nhiều các yếu tố văn hóa cổ của Việt Nam như trang phục, lời ăn tiếng nói, trò chơi, món ăn...
Đến tận ngày nay, chỉ có một số ít tác phẩm truyện tranh làm được điều này. Những yếu tố đó đã khiến Vietnam Centre muốn thử sức với việc tìm một hình tượng điện ảnh hóa cho bộ truyện".
Một năm cho 6 tấm ảnh
Hoàng đế Trần Nhân Tông (diễn viên Phạm Thanh Hải đóng) tướng mạo khôi ngô, mặc áo giao lĩnh đỏ bên trong, bên ngoài là áo bào viên lĩnh trắng thêu họa tiết đoàn long vàng, đeo đai đỏ đính bạch ngọc, đầu tóc búi cao, đội Phù Dung quan cố định bằng trâm.
Thái sư Trần Thủ Độ (nghệ sĩ Mạnh Dung) mặc trong giao lĩnh trắng, bên ngoài khoác giao lĩnh xanh tay thụng, tóc cũng búi cao với bộ râu trắng tỉa tót, uy nghi. Nhân vật được nhận xét là có thần thái tốt nhất trong bộ ảnh.
Với Trần Ích Tắc, một nhân vật thú vị trong truyện tranh, trang phục khi "điện ảnh hóa" cũng khá thú vị. Nhân vật (Iris Châu hóa thân) mặc giao lĩnh xanh tay chẽn, áo đối khâm xanh cốm, tay thụng, hai vạt trước buộc lại, đi hia đen, để tóc dài buộc túm lại phía sau.
Riêng với Sài Thung, sứ giả nhà Nguyên và là nhân vật phản diện, nhóm thực hiện để diễn viên Anh Khoa mặc một dạng áo giao lĩnh phỏng theo áo của Nguyên Mông, đội mũ chóp nhọn. Tạo hình không thực sự giống với nhân vật trong truyện, nhưng cũng ra dáng phản diện.
Riêng 2 nhân vật Lê Nhật Lan và Long (không có thật trong lịch sử, do Diệu Vân và Tăng Hữu Nghĩa đóng) là dân thường nên trang phục đơn giản so với những nhân vật trên.
Nhân vật Long - Ảnh: Vietnam Centre
Nhân vật Lê Nhật Lan - Ảnh: Vietnam Centre
Nhân vật Sài Thung - Ảnh: Vietnam Centre
Vì tình yêu văn hóa, cổ phục Việt
Để thực hiện trang phục cho các nhân vật, Vietnam Centre hợp tác với nghệ nhân Trần Lê Trung Hiếu và thương hiệu Great Vietnam. Đây đều là những tên tuổi có uy tín trong thị trường Việt phục.
Mất một năm thực hiện dù chỉ là ảnh chụp chứ không phải phim ngắn hay phim thời trang, Vietnam Centre cho biết họ phải cân nhắc nhiều yếu tố. Họ lọc vài trăm tấm ảnh RAW, thử qua nhiều phiên bản chỉnh sửa khác nhau, sau đó mới chọn ra 6 bức ưng ý để công bố.
Việc tuyển chọn diễn viên, dù để chụp một bức ảnh, cũng cho thấy sự tâm huyết của ê kíp vì họ có ngoại hình hợp vai, có diễn xuất.
Giữa dàn diễn viên trẻ, ê kíp mời được một tên tuổi đóng vai Trần Thủ Độ, đó là nghệ sĩ Mạnh Dung. Bên cạnh đó là những người mẫu trẻ, có người chưa bao giờ diễn xuất nhưng đăng ký dự tuyển chỉ vì yêu thích văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh dự án này, lâu nay Vietnam Centre vẫn nỗ lực đưa Việt phục vào đời sống. Mới đây nhóm đưa các bộ Việt phục trong cuốn sách Dệt nên triều đại trưng bày tại sảnh đường Đại học Sydney (Úc). Phần trưng bày này thuộc khuôn khổ sự kiện Explore Vietnam do Lãnh sự quán Việt Nam tại Úc tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận