23/10/2019 09:14 GMT+7

Tốc độ vay đã giảm, thu hút được nhiều nguồn lực hơn

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Thông tin về khoản vay năm 2020, ông Đinh Tiến Dũng - bộ trưởng Bộ Tài chính - xác nhận với Tuổi Trẻ rằng khoản vay này đã có kế hoạch nên tới đây sẽ triển khai huy động.

Tốc độ vay đã giảm, thu hút được nhiều nguồn lực hơn - Ảnh 1.

Một công trình thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 2 có vốn giải ngân chỉ đạt tỉ lệ 43,8%, phát sinh phí cam kết 7,9 tỉ đồng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong luật cũng cho phép hằng năm sẽ có 2 khoản vay, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ. Trong khi đó, thực tế thời gian vừa qua việc vay dùng để trả nợ được làm tốt hơn nhiều, kỳ hạn dài ra và lãi suất giảm đi, góp phần cơ cấu chất lượng nợ công nên sẽ thực hiện theo kế hoạch.

Ông Dũng cũng chia sẻ: thực hiện theo các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Luật quản lý nợ công thời gian qua đã có hiệu quả, nên nợ công được cơ cấu lại ngày càng lành mạnh hơn. Dẫn chứng là để quản lý nợ công tốt hơn, Chính phủ đã hạn chế tối đa cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp, tăng việc vay về cho vay lại, rà soát các hiệp định đảm bảo đúng pháp luật của VN trong thực hiện.

"Với ngân sách hiện nay yêu cầu cho đầu tư phát triển rất lớn nên vẫn còn bội chi. Chúng ta vay nhưng tốc độ vay giai đoạn 2016-2019 chỉ còn trên 8% so với giai đoạn 2011-2015 là 18,6%. Với tốc độ được hạn chế lại nên tỉ lệ nợ công/GDP những năm vừa qua đều đạt kế hoạch, tỉ lệ nợ công/GDP giảm sâu, năm 2016 là 63,7%, năm 2019 giảm còn 56,1% và năm 2020 dự kiến là trên 54%" - ông Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh giai đoạn vừa qua, nợ công đã được cơ cấu lại bền vững hơn. Dẫn chứng so với giai đoạn trước vay nước ngoài chiếm tới 60%, giai đoạn này chỉ còn 39% và huy động trái phiếu chính phủ trong nước tăng lên 61%. Kỳ hạn vay của giai đoạn 2012-2013 có mức vay bình quân là trên 3 năm, giai đoạn này hằng năm là trên 13 năm.

Đặc biệt là danh mục nợ trái phiếu chính phủ, với thời hạn vay trước đây là 2 năm, giờ là gần 7 năm, nên áp lực đảo nợ cũng giảm. Lãi suất vay giảm sâu, giai đoạn 2011-2013 có khoản vay lãi suất lên tới 12-13%/năm mà kỳ hạn vay chỉ có 3 năm, hiện giai đoạn 2017-2019 có kỳ hạn vay lên tới 10 năm, lãi suất vay chỉ 4,6-4,7%/năm.

Ngoài ra, các nguồn huy động cũng có sự thay đổi khi trước đây các khoản vay chủ yếu là từ ngân hàng thương mại, trái phiếu chính phủ chiếm tới 78-80%, đến nay còn trên 40%. Các khoản vay hiện nay được huy động chủ yếu từ các nguồn như bảo hiểm, quỹ đầu tư, tức là thu hút được nhiều nguồn lực hơn, với nhiều nhà đầu tư tham gia, kỳ hạn dài hơn cạnh tranh trực tiếp với trái phiếu chính phủ giúp hạ lãi suất, ổn định thị trường trái phiếu chính phủ nói chung và thị trường cho vay dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại.

Tốc độ vay đã giảm, thu hút được nhiều nguồn lực hơn - Ảnh 2.

Dự án cầu Vĩnh Thịnh thanh toán bằng đồng won làm tăng giá trị vay thêm 13,4 tỉ đồng - Ảnh: T.PHÙNG

Vay 459.000 tỉ đồng có đáng lo?

"Khi cơ thể to lớn, mình phải chi nhiều hơn, đó là bình thường" - ông Trần Hoàng Ngân, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đã ví von như thế khi chia sẻ với Tuổi Trẻ về khoản vay năm 2020.

Theo ông Ngân, chúng ta không nên nhìn vào con số tuyệt đối mà nên nhìn trên tổng con số tương đối, tức là nợ chênh bao nhiêu phần trăm GDP. Quy mô nền kinh tế và số nợ phải có sự tương thích, do đó con số nợ 500.000 tỉ hay 400.000 tỉ đồng là chuyện bình thường. Vấn đề mấu chốt là vay để làm gì? Chuyển dịch cơ cấu ngân sách nhà nước của chúng ta trong thời gian qua theo hướng tích cực.

Trước đây chi đầu tư phát triển chiếm 22% trên tổng chi, bây giờ chiếm 26-27%. Chi tiêu dùng trước đây trên 65% trên tổng chi, hiện nay xuống còn 60-61%. "Tôi cho rằng vay nợ để bù đắp cho bội chi và trả nợ gốc hiện nay ở mức bình thường, nó nằm trong tổng mức nợ phải trả trên tổng chi ngân sách chiếm tỉ lệ thấp dù con số cụ thể nó cao" - ông Ngân nói.

* Về nguồn vốn vay, theo ông, nên chú trọng vay các nguồn bên ngoài hay các nguồn vốn từ các ngân hàng trong nước?

- Khi đi vay, người vay rất thận trọng để xem xét ở đâu có lãi suất thấp. Vay nước ngoài là nhận ngoại tệ, nhưng ngoại tệ tiềm ẩn rủi ro về mặt tỉ giá. Còn nếu vay trong nước, lãi suất sẽ có xu hướng cao hơn vay ngoại tệ, nhưng ổn định bởi vay bằng đồng VN.

Hiện nay, Chính phủ nâng dần vay nội địa, giảm vay nước ngoài, do đó xu hướng nợ nước ngoài sẽ giảm. Tôi cho rằng chúng ta cứ tiếp tục giữ cơ cấu như vậy, trừ trường hợp chúng ta phải vay để đảo nợ.

* Nếu đẩy mạnh xu hướng vay trong nước để cân đối ngân sách, liệu có gây áp lực về lãi suất, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước?

- Đó là một điều mà chúng ta thấy rằng Chính phủ cần tiếp tục kiểm soát chi ngân sách, làm sao để giảm, kiểm soát chi một cách chặt chẽ. Mục đích để tiếp tục giảm bội chi ngân sách, Chính phủ đang làm và Quốc hội cũng giám sát điều này. Khi nhu cầu vay của Chính phủ giảm đi, tổng cầu vốn ít đi thì lãi suất sẽ đi theo xu hướng giảm.

Cũng vì điều này mà lãi suất trong thời gian vừa qua không có sự đột biến, trừ những tháng do có nhu cầu về cung - cầu vốn. Tôi cho rằng thời gian tới dù đã làm được nhiều việc, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục giữ lãi suất theo hướng giảm, không để tăng.

NGỌC HIỂN thực hiện

* Đại biểu HOÀNG VĂN CƯỜNG (ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội): Cần tính toán lộ trình vay nợ

Chúng ta đang đặt ra mục tiêu giảm dần thâm hụt ngân sách chứ chưa đạt được mức bội thu. Việc bội chi ngân sách là do tăng chi cho đầu tư. Trong điều kiện đất nước đang phát triển, ngân sách thu không đủ đầu tư thì việc vay để đầu tư là cần thiết.

Hơn nữa hiện có rất nhiều hạng mục rất cần phải đầu tư. Nếu không đầu tư hạ tầng, không tạo ra công trình trọng điểm thì rất khó để tạo ra đột phá. Không chỉ ở VN mà ngay cả những nước phát triển cũng phải vay để đầu tư.

Vấn đề quan trọng là làm sao để tiền vay đó được về đưa vào đầu tư, mang lại hiệu quả. Vốn vay không phải đầu tư vào những lĩnh vực không có khả năng thu hồi vốn hoặc không có khả năng lan tỏa đến việc phát triển các lĩnh vực khác. Thời gian qua có tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Vốn vay về không giải ngân được nhưng chúng ta phải trả lãi vay dẫn đến vốn vay không mang lại hiệu quả ngay. Rõ ràng cần phải tính toán lại để khắc phục tình trạng trên. Chính phủ phải tính toán rõ lộ trình sử dụng để vốn vay về không ứ đọng mà đưa ngay vào đầu tư phát triển.

TIẾN LONG ghi

Chính phủ tính vay thêm gần 460.000 tỉ đồng trong năm 2020 Chính phủ tính vay thêm gần 460.000 tỉ đồng trong năm 2020

TTO - Thông tin được đưa ra trong báo cáo tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020 của Chính phủ gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên