12/04/2014 06:15 GMT+7

Toán học như là cuộc sống

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TT - Trong khuôn khổ kỳ thi Olympic toán sinh viên toàn quốc lần thứ 12, tối 10-4 đã diễn ra buổi giao lưu của hơn 700 sinh viên thuộc 85 trường ĐH, CĐ và học viện với các nhà toán học tại Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi).

Vm4GK4wB.jpg
Các bạn sinh viên bày tỏ thắc mắc đến các nhà nghiên cứu toán học - Ảnh: T.Mai

Giáo sư - tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Dư - viện trưởng Viện Toán học VN, giám đốc Viện Nghiên cứu về toán học - chia sẻ: “Nếu bạn có đam mê, thật sự yêu thích toán học, hãy đến với toán để toán sống trong cuộc sống của bạn. Hành trình đó phải đi theo cả cuộc đời. Làm khoa học bất cứ ngành nào cũng là sự thách thức lớn, trong toán học thử thách lớn hơn nhưng hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ đến với bạn”.

Một sinh viên hỏi: nhiều sinh viên ngồi đây đều say mê nghiên cứu toán học, nhưng có thực tế là rất nhiều bạn đi thi toán học, nhận rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, vậy mà khi vào đại học lại chọn kinh tế, y dược, ngân hàng... “Làm thế nào để hài hòa giữa đam mê và cuộc sống?”.

Giáo sư - tiến sĩ khoa học Phạm Thế Long - giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự, phó chủ tịch Hội Toán học VN - cho rằng đây là một thực tế. Rất nhiều sinh viên được kỳ vọng sẽ theo con đường nghiên cứu nhưng lại chọn con đường khác. Hiện Chính phủ đã phê duyệt chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020 với kinh phí dành cho đội ngũ nghiên cứu toán học 651 tỉ đồng. Điều này cho thấy Nhà nước đang rất quan tâm đến cuộc sống của đội ngũ làm công tác nghiên cứu toán học. “Các bạn có thể yên tâm cống hiến nếu như thật sự đam mê” - ông nói.

Giáo sư cho biết cuối năm 1990, một giáo sư có bài báo đặt vấn đề: “Liệu rằng đến năm 2010 có còn ai nghiên cứu toán học?”. Nhưng với sự kiện giáo sư Ngô Bảo Châu xuất hiện, người ta thấy người nghiên cứu toán học trong nước không thiếu, vấn đề là cần một chiến lược lâu dài để phát triển nền toán học nước nhà.

Giáo sư Long phân tích một trong những lý do chính dẫn đến các khó khăn của sinh viên tham gia nghiên cứu toán học là tính chủ động của bản thân trong học tập chưa cao, còn tư tưởng thụ động. Sinh viên chưa chủ động nghiên cứu, tìm tòi cơ hội, nâng cao kiến thức thực tiễn. Một bộ phận sinh viên thiếu đam mê trong nghiên cứu toán, chưa có mục tiêu phấn đấu rõ ràng và không có kế hoạch cụ thể. “Làm khoa học như leo dốc, niềm vui khi leo hết con dốc này sẽ tàn đi và bạn tiếp tục leo những con dốc khác đang chờ. Hãy để toán học như một người bạn trong cuộc sống” - giáo sư Long nói.

Là một thế hệ mới của toán học nước nhà, tiến sĩ Nguyễn Thị Như Quỳnh, giảng viên kinh tế lượng Học viện Tài chính, đã “giải” được “bài toán”: làm sao để vừa thành công trong nghiên cứu khoa học, vừa giữ được hạnh phúc gia đình. Tiến sĩ Quỳnh nói: “Tôi cũng từng có suy nghĩ như các bạn, bởi mỗi lần nghiên cứu lại tập trung hết thời gian vào toán, như thế sẽ không có thời gian cho những hoạt động khác. Nhưng không, cho đến nay tôi vẫn tham gia tích cực hoạt động đoàn thể. Ở nhà tôi vẫn là một người vợ hiền (cười) bởi các bạn khi đã say mê sẽ thấy toán học đến một cách tự nhiên, không gò bó căng thẳng. Bạn hoàn toàn có thời gian chăm sóc gia đình”.

Cuộc nói chuyện đã giúp nhiều sinh viên mê toán, muốn nghiên cứu toán học cảm thấy nhẹ nhàng và có thêm động lực để đến với nghiệp nghiên cứu lĩnh vực khoa học này.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên