27/12/2018 07:20 GMT+7

Toàn cảnh bàn cờ thế Syria

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Cuộc xung đột ở Syria sắp sửa bước sang năm thứ 8 và cho dù Mỹ có rút quân, Syria vẫn chưa sạch bóng quân đội nước ngoài. Quốc gia giàu dầu mỏ ở Trung Đông này là nạn nhân của thời cuộc hay địa lý?

Toàn cảnh bàn cờ thế Syria - Ảnh 1.

Người ủng hộ Tổng thống al-Assad ăn mừng sau cuộc bỏ phiếu với 90% cử tri tán thành sửa đổi hiến pháp - Ảnh: AFP

Sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria khiến quốc gia này một lần nữa trở lại tiêu đề các báo lớn thế giới.

Mọi sự bắt đầu trở nên rối ren dưới thời Tổng thống Syria Bashar al-Assad, những bất ổn quốc nội đã kéo các thế lực trong và ngoài khu vực nhảy vào Syria.

Bashar al-Assad là ai?

Phương Tây ví chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là "triều đại Assad". Ông Bashar là con thứ của cố tổng thống Syria Hafez al-Assad, người lãnh đạo Syria trong suốt 29 năm cho tới khi qua đời (1971 - 2000).

Sau cái chết của anh trai Bassel al-Assad, ông Bashar trở thành người được cha kỳ vọng sẽ tiếp nối sự nghiệp chính trị.

Năm 2000, sau khi ông Hafez qua đời, ông Bashar khi đó 34 tuổi được gọi gấp từ Anh về. Hiến pháp được sửa đổi để người dưới 40 tuổi có thể trở thành tổng thống Syria và cầm quyền kể từ đó cho đến nay.

Dưới thời ông Bashar, Syria xây dựng mối quan hệ đậm nét với Nga, Iran; chống Israel và quan điểm đối đầu với phương Tây trong một số vấn đề, như cuộc xâm lược Iraq năm 2003 của Mỹ.

Năm 2011, thách thức lớn nhất sau 11 năm cầm quyền của ông Bashar bắt đầu xuất hiện. Bùng nổ vào đầu năm 2011 theo sau phong trào "Mùa xuân Ả Rập" làm rung chuyển một loạt nước trong khu vực như Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen..., các cuộc biểu tình rộng khắp ở Syria ngày càng leo thang và dẫn tới cuộc nội chiến dai dẳng đến tận ngày nay.

Quá trình can thiệp quân sự của các nước vào cuộc nội chiến ở Syria

Toàn cảnh bàn cờ thế Syria - Ảnh 2.

Xe thiết giáp của quân đội Mỹ ở Syria - Ảnh: REUTERS

Mỹ

Năm 2014, Tổng thống Barack Obama bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria. Trên danh nghĩa chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Mỹ dẫn đầu liên minh gồm nhiều quốc gia đồng minh phương Tây tiến hành không kích. Washington cũng tiến hành các hoạt động hỗ trợ cho các nhóm đối lập ở Syria đang chống lại IS và người Kurd ở nước này.

Theo New York Times, bước đầu Mỹ duy trì ít nhất 1.000 sĩ quan và lính thủy quân lục chiến ở Syria, làm nhiệm vụ tham mưu và hỗ trợ chiến đấu chống lại IS.

Con số này tăng lên 2.000 dưới thời Tổng thống Donald Trump với 11 cứ điểm, chủ yếu tại các khu vực do lực lượng chống chính phủ Syria kiểm soát ở miền đông bắc giàu dầu mỏ.

Tháng 6-2018, ông Trump lần đầu đưa ra tuyên bố cân nhắc "rút càng sớm càng tốt" và đến tháng 12-2018, ngay sau khi cứ điểm vững chắc cuối cùng của IS bị đánh sập, ông Trump tuyên bố chiến thắng và rút quân.

Nhìn lại cuộc tấn công Syria của liên quân Mỹ, Anh, Pháp tháng 4-2017

Nga

Matxcơva là một đồng minh thân cận của chính quyền Bashar al-Assad, đã nhiều lần phủ quyết các nghị quyết bất lợi cho Syria ở Hội đồng Bảo an LHQ.

Tính tới tháng 4-2018, đại diện của Mỹ tại LHQ nói Nga đã 12 lần dùng quyền phủ quyết chỉ riêng cho việc bênh vực tổng thống Syria.

Tháng 10-2015, các máy bay chiến đấu Nga xuất hiện tại Syria và bắt đầu các cuộc không kích nhắm vào vị trí của cả IS lẫn phe đối lập ở Syria.

Toàn cảnh bàn cờ thế Syria - Ảnh 4.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm lực lượng quân sự Nga đóng tại Syria - Ảnh: REUTERS

Nga hiện đang duy trì hiện diện quân sự thường trực tại hai căn cứ Tartus và Khmeimim với khoảng 3.000 binh sĩ và nhiều khí tài hiện đại.

Chiến dịch giải phóng thành cổ Palmyra khỏi IS và Aleppo khỏi phe đối lập đều có dấu ấn lớn của Nga.

Trên bình diện quốc tế, Nga chủ xướng loạt hội nghị "Đàm phán giữa chính quyền với đối lập Syria" tại thủ đô Astana của Kazakhstan từ đầu năm 2017 và làm chủ "từ A tới Z".

Iran

Iran xem sự tồn vong của chính phủ Syria là yếu tố cốt lõi trong lợi ích của nước này ở khu vực. Bắt đầu từ năm 2011, khi các cuộc biểu tình chống chính phủ Syria nổ ra, Iran đã cung cấp sự hỗ trợ đáng kể cho chính quyền al-Assad.

Tháng 5-2012, phó tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Iran (Quds Force) xác nhận trên một tờ báo thuộc nhà nước Iran rằng binh sĩ Iran đã tham chiến cùng các lực lượng Syria. Tin này sau đó bị gỡ xuống. Tháng 6-2013, truyền thông phương Tây đưa tin Iran đã triển khai 4.000 binh sĩ hỗ trợ chính phủ al-Assad.

Toàn cảnh bàn cờ thế Syria - Ảnh 5.

Tư lệnh lực lượng Quds của Iran, tướng Qassem Soleimani - Ảnh: REUTERS

Theo ước tính của một số tổ chức phương Tây, tính đến cuối năm 2016, Iran chỉ huy hơn 70.000 lính ở Syria, bao gồm 15.000 binh sĩ thuộc lực lượng chính quy Iran. Số còn lại là các lực lượng dân quân, Hezbollah. Iran có khoảng 13 căn cứ ở Syria, bao gồm một số vị trí quan trọng như căn cứ không quân T4.

Thổ Nhĩ Kỳ và Israel

Hai quốc gia đối nghịch về mục tiêu chiến lược trong khu vực lại có điểm chung trong việc xem Syria là địa bàn để thi triển các chiến thuật bảo vệ lợi ích quốc gia.

Sự hiện diện của Israel tại Syria là gần như không có. Quốc gia này lại được biết đến nhiều với việc bất ngờ tổ chức các cuộc không kích Syria, trả đũa cho cái gọi là "các cuộc tấn công xuất phát từ Syria". Sự xuất hiện của Iran tại Syria càng khiến Israel đề phòng và sử dụng các biện pháp đáp trả cứng rắn.

Theo Hãng thông tấn AFP, kẻ thua cuộc nhiều nhất trong việc Mỹ rút quân khỏi Syria là Israel, bởi Washington đã để lại khoảng trống không nhỏ cho Iran và các lực lượng thân Iran ở sát biên giới Israel.

Toàn cảnh bàn cờ thế Syria - Ảnh 6.

Từ trái sang: Ngoại trưởng Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc họp bàn về tình hình Syria ở trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Thụy Sĩ ngày 18-12-2018 - Ảnh: REUTERS

Lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu tập trung vào khu vực miền bắc Syria có đông người Kurd được Mỹ hỗ trợ. Ankara xem lực lượng này là cánh tay nối dài của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ nên liên tục ra quân trấn áp.

Chiến dịch Cành ôliu do Thổ Nhĩ Kỳ phát động vào tháng 1-2018 nhắm tới việc quét sạch và đẩy lùi người Kurd Syria ra xa biên giới nước này.

Một học giả nhận xét Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang hành động như thể Syria là một vùng đất vô chủ.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên