16/09/2016 12:08 GMT+7

Tỏa sáng chủ quyền giữa Biển Đông

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TTO - Đêm xuống. Giữa trùng dương thăm thẳm, những ngọn hải đăng ở Trường Sa tỏa sáng bốn phương, dẫn đường cho thủy thủ, ngư dân trên biển. Ở những nơi đặc biệt ấy, công nhân vẫn ngày đêm canh giữ ánh sáng chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Đông.

Hải đăng trên đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: VIỄN SỰ
Hải đăng trên đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: VIỄN SỰ

Vài tháng một lần, tàu Hải Đăng 05 của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo (thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam - Bộ Giao thông vận tải) lại tất bật chuẩn bị chở người, lương thực, thực phẩm ra Trường Sa thay ca, tiếp tế cho chín đèn hải đăng. Thế nhưng do hai cơn bão liên tiếp ập đến, lịch xuất bến đi biển của tàu phải lùi lại.

“Đó là chuyện thường. Có bão to, gió lớn là kế hoạch bị thay đổi. Có khi ra đến nơi rồi nhưng gặp bão to, gió lớn không tiếp tế được hàng, không chuyển được người, chúng tôi phải về âu tàu núp gió” - thuyền trưởng tàu Hải Đăng 05 Trần Văn Nga tâm sự.

Những người lính “không số”

Ông Bùi Văn Niệm (53 tuổi, quê Hải Dương) là một trong những người thuộc thế hệ đi Trường Sa trực đèn biển đầu tiên từ năm 1996. Đến nay, ông đã trải qua sáu trong số chín hải đăng ngoài Trường Sa.

Những ngày về đất liền lấy lương thực, thực phẩm và mang người ra thay ca gặp bão tố phải lùi ngày đi, lòng ông thắc thỏm, lo không biết lương thực, thực phẩm của anh em ngoài đó có còn không. Ngoài biển xa, giữa bão tố, đồng đội ông đang đợi chờ, mong ngóng hơi ấm đất liền.

Ông Nguyễn Đức Huy, phó giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo, cho biết những năm đầu tiên khi mới dựng đèn hải đăng, đời sống của những người gác đèn biển khó khăn, thiếu thốn vô cùng. Ngày đó, ba tháng một lần mới có một chuyến tàu ra tiếp tế.

“Có lúc tàu ra trễ, anh em không còn gì để ăn, bộ đội hải quân phải tiếp tế” - ông Huy kể.

Nhưng từ khoảng 10 năm trở lại đây, đời sống của những người gác đèn biển ngoài Trường Sa đã được cải thiện. Mỗi năm có 7 chuyến tàu đưa thực phẩm tươi sống ra đảo. Thông tin liên lạc được nối liền, có truyền hình vệ tinh để theo dõi tin tức thời sự, giải trí.

Từ hải đăng Tiên Nữ, qua sóng điện thoại, ông Vũ Sĩ Lưu (52 tuổi) - hải trăng trưởng - tâm sự: “Những năm trước anh em chúng tôi gian nan, vất vả lắm. Khổ nhất là thiếu thông tin. Còn bây giờ ngày nào cũng nhận được thông tin của bạn bè, gia đình, người thân”.

Điều những người canh gác hải đăng tự hào và vinh dự là vào năm 2011, hải đội tự vệ đã được thành lập. Ông Nguyễn Đức Huy cho biết kể từ khi hải đội tự vệ được thành lập, tư tưởng của anh em làm ở các ngọn hải đăng càng thêm vững vàng, tự tin hơn rất nhiều.

Ông Vũ Sĩ Lưu cũng khẳng định bất kể có sự cố gì xảy ra, ông cùng đồng nghiệp sẽ sát cánh cùng với bộ đội hải quân, các lực lượng khác trên đảo sẵn sàng cầm súng bảo vệ những cột mốc chủ quyền nơi tiền tiêu.

“Chúng tôi xác định mình là những người lính, làm việc như người lính và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất, mét biển của Tổ quốc” - ông Bùi Văn Niệm rắn rỏi.

Bảo dưỡng hải đăng trên đảo Song Tử Tây - Ảnh: TỐ OANH
Bảo dưỡng hải đăng trên đảo Song Tử Tây - Ảnh: TỐ OANH

Giữ “mắt ngọc” sáng mãi

Dẫu vẫn còn nhiều gian nan, vất vả nhưng với lòng yêu nghề, nhờ tinh thần vững chắc nên từ hơn 20 năm qua, bất kể thời tiết, sóng gió hay cả sự uy hiếp của những chiếc tàu Trung Quốc, những ngọn đèn hải đăng ở Trường Sa giữa Biển Đông dậy sóng vẫn sáng rực không ngơi nghỉ.

Ông Vũ Sĩ Lưu nói rằng rất vui, rất thích công việc gác đèn vì mỗi con tàu đi trên hải trình mênh mông nước khi thấy ánh đèn hải đăng chớp sáng hẳn sẽ đỡ trống trải, ấm lòng, thấy đất liền gần gũi.

Ông kể có những đồng nghiệp ban đầu mới ra đèn làm việc có khi cũng dao động lắm. Nhưng người đi trước nâng đỡ người đi sau, động viên, chỉ bảo, giúp nhau vững vàng.

Hồi thông tin về Trường Sa còn ít, vợ con người công nhân nào cũng lo lắng. Vợ con ông cũng vậy. Nhưng sau này chính con của ông còn làm thơ động viên bố, nói rất tự hào về nghề đèn biển của bố mình.

Ông Đoàn Văn Tấn - hải đăng trưởng hải đăng An Bang - tâm sự rằng ông rất tự hào về nghề nghiệp của mình vì đã góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Do đó dù xa nhà, dù còn khó khăn ông vẫn quyết tâm theo tàu, ra những ngọn hải đăng ở Trường Sa làm việc.

Dù đã đi Trường Sa 20 năm nay, nhưng ông Niệm tâm sự mỗi lần chia tay anh em về đất liền nghỉ ca hay nghỉ phép ông đều xúc động với những cảm xúc khác nhau.

“Anh em chúng tôi rất tự hào, rất vinh dự với công việc vì được là người giữ cho những mắt ngọc soi sáng cho tàu bè qua lại trên vùng biển Việt Nam” - ông Niệm tâm sự.

Ông Nguyễn Xuân Sang - cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - khẳng định những ngọn hải đăng ở Trường Sa không chỉ quan trọng ở việc bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu bè Việt Nam và thế giới đi lại mà còn góp phần bảo vệ, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.

Ông Sang nói tuy điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn nhưng từ khi có các đèn biển ở Trường Sa đến nay, anh em cán bộ, công nhân luôn quyết tâm bám đèn, bám biển để những ngọn hải đăng luôn sáng đèn, soi rọi cho tàu bè an toàn trên hải trình.

“Công việc của họ thầm lặng nhưng rất vẻ vang” - ông nói.

13 ngọn hải đăng giữa Biển Đông

Nguồn: Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo - Đồ Họa: N.KH
Nguồn: Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo - Đồ Họa: N.KH

Hiện Việt Nam có 13 ngọn hải đăng giữa Biển Đông gồm 9 hải đăng ở Trường Sa và 4 hải đăng ở vùng biển DK1.

Hải đăng đầu tiên ở Trường Sa được công bố lên hải đồ là Song Tử Tây vào năm 1993. Sau đó lần lượt các hải đăng được công bố: Đá Lát, Đá Tây (cùng năm 1994), An Bang (1995), Tiên Nữ (2000), Trường Sa Lớn (2010), Sơn Ca (2011), Sinh Tồn (2012) và Nam Yết (2013).

4 hải đăng ở khu vực DK1 là: Phúc Tần, Quế Đường, Huyền Trân, Ba Kè.

Tàu Hải Đăng 05 nhiều lần bị tàu Trung Quốc uy hiếp

Thuyền trưởng tàu Hải Đăng 05 Trần Văn Nga cho biết trong hải trình vận chuyển người, hàng hóa tiếp tế cho các hải đăng ở Trường Sa, tàu Hải Đăng 05 đã nhiều lần bị tàu Trung Quốc (TQ) theo dõi, kèm sát. Lần các tàu TQ cản trở quyết liệt nhất là sáng thứ sáu 13-11-2015.

Lúc đó hơn 9g, khi tàu Hải Đăng 05 đang trên hải trình từ đảo Sơn Ca đến đảo Song Tử Tây thì bị một tàu hàng chạy cắt ngang mũi. Tiếp đó có hai tàu hải cảnh của TQ lao đến, một chiếc chặn đầu, một chiếc kèm sau lái. Đi được một đoạn, hai tàu này tách ra.

Chưa hết, sau đó lù lù xuất hiện một tàu quân sự của TQ phiên hiệu 995 lao đến. Tàu này kèm sát tàu Hải Đăng 05 đến hơn 12g cùng ngày. Trong quá trình “kèm”, tàu này đã bắn pháo sáng màu đỏ sang boong tàu Hải Đăng 05.

“Lúc đó anh em trên tàu đều bình tĩnh, tôi trực tiếp chỉ huy anh em lái tàu để tránh đâm va” - thủy thủ Hoàng Thọ Toàn (tàu Hải Đăng 05) cho biết.

ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên