Trong lệnh bắt ngày 17-3, Tòa hình sự quốc tế (ICC) cho biết họ nghi ngờ ông Putin đã trục xuất bất hợp pháp trẻ em và đưa người bất hợp pháp từ lãnh thổ Ukraine sang Nga.
ICC cũng ban hành lệnh truy nã đối với bà Maria Lvova-Belova, ủy viên về quyền trẻ em của Nga, với cùng tội danh.
Hãng thông tấn Tass của Nga sau đó cũng trích đăng lại quyết định phát lệnh bắt của ICC trong cùng ngày.
Nga đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc phạm tội ác chiến tranh mà Ukraine và phương Tây đưa ra.
Quyết định phát lệnh bắt Tổng thống Nga Putin lập tức nhận được sự hoan nghênh từ Ukraine. Tổng công tố Ukraine gọi đây là quyết định lịch sử và cho rằng lệnh bắt ông Putin "chỉ mới là mở đầu".
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi đây là một hành động "vô nghĩa" và không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào.
"Nga không phải là một bên của Quy chế Rome về ICC nên chúng tôi không có nghĩa vụ gì với tòa đó cả", Tass trích lời bà Zakharova nêu lập luận trong một bản tin riêng biệt khác.
Công tố viên ICC Karim Khan đã mở cuộc điều tra ở Ukraine cách đây một năm.
Ông nhấn mạnh trong bốn chuyến đi tới Ukraine rằng ông đang xem xét các cáo buộc tội ác đối với trẻ em và việc nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự.
Nga đã ký Quy chế Rome về ICC vào năm 2000, nhưng chưa bao giờ phê chuẩn để trở thành thành viên của ICC và cuối cùng rút lại việc ký kết vào năm 2016.
Vào thời điểm đó, Nga đang chịu áp lực quốc tế về việc sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, cũng như chiến dịch không kích ở Syria để hỗ trợ cuộc chiến chống quân nổi dậy của Tổng thống Bashar al-Assad.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận