Trong phiên tòa ngày 8-3, hội đồng xét xử đã xét hỏi đối với bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan), các bị cáo trong nhóm thẩm định giá, nhóm các bị cáo nguyên là cán bộ thanh tra ngân hàng.
Vợ chồng bà Trương Mỹ Lan muốn thu hồi tài sản để khắc phục hậu quả
Theo đó, bị cáo Chu Lập Cơ thừa nhận đã ký một số văn bản theo yêu cầu của vợ bị cáo là bà Trương Mỹ Lan. Bị cáo đã nhận thức được việc ký những hồ sơ này là dẫn đến hậu quả như hiện nay, bị cáo có nguyện vọng muốn khắc phục hậu quả mà mình gây ra.
Đối với các bị cáo thuộc các công ty thẩm định, các bị cáo đều thừa nhận làm sai quy định về việc thẩm định phát hành chứng thư, các bị cáo thẩm định theo các yêu cầu của ngân hàng (phải xác định giá tài sản, tiến độ, thời gian như phía ngân hàng đưa ra), các bị cáo đề nghị hội đồng xét xử xem xét các bị cáo chỉ là những người làm công ăn lương, do tình hình khó khăn, để trang trải tài chính cho công ty nên các bị cáo phải thực hiện những sai phạm.
Về đơn của ông Trương Lập Hưng (em bà Trương Mỹ Lan) đề nghị hội đồng xét xử xác nhận vào đơn về việc bị cáo Lan ủy quyền cho ông Hưng và con gái bà Lan đi thu hồi nợ nhằm khắc phục hậu quả.
Hội đồng xét xử xác định đây là quan hệ dân sự, hội đồng xét xử không có nghĩa vụ phải xác nhận vào đơn của bị cáo Lan.
Chủ tọa cũng thông báo rõ đây là việc gia đình bị cáo Trương Mỹ Lan thu hồi các khoản tiền để nhằm đảm bảo nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan trong vụ án theo quy định pháp luật.
Đối với các bị cáo thuộc ban kiểm soát Ngân hàng SCB như bị cáo Phạm Thu Phong (nguyên trưởng ban kiểm soát SCB) thì khai khi làm kiểm soát tại SCB đã gặp rất nhiều khó khăn: nhân sự không có, truy xuất dữ liệu ngân hàng không được, bị cáo không thể tiếp cận về mặt nghiệp vụ đối với hồ sơ...
Khi nhận thấy không thể thực hiện kiểm soát được nên nộp đơn và xin bà Lan nghỉ việc, lúc nghỉ việc thì bị cáo được bà Lan cho 20 tỉ. Toàn bộ số tiền này bị cáo đã nộp lại cho cơ quan điều tra.
Muốn trả lại tiền "lại quả" nhưng thấy nhiều người chết nên không dám
Đối với các bị cáo thuộc tổ thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, cụ thể, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (nguyên trưởng đoàn thanh tra) khai bị cáo giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra, cáo trạng truy tố bị cáo là đúng.
Bị cáo mong hội đồng xét xử xem xét là bị cáo không sửa mà chỉ bổ sung phần kết luận, bị cáo thừa nhận kết luận thanh tra đã không phản ánh đúng thực tế khách quan.
Các khoản vay xếp loại 3-5 nhưng lại xếp vào nhóm 1 là theo chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Hưng.
Việc bị cáo đến gặp bà Lan là do Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn nhờ, mục đích là chuyển nguồn thu từ 2 dự án Times Square, dự án Chợ Vải về Ngân hàng SCB để phục vụ cho việc tái cơ cấu.
Bị cáo thừa nhận có nhận tiền từ bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn đưa.
Việc nhận tiền từ Võ Tấn Hoàng Văn là do bị cáo bị ép, vì: “Bị cáo Văn nói bị cáo là đừng làm khó Văn và làm khó mình, bị cáo sau khi nhận tiền đã nhiều lần liên hệ để trả lại tiền”.
Cũng theo bị cáo Nhàn, ngay từ khi khởi tố bị cáo đã muốn đem tiền nộp lại nhưng thấy chết nhiều người quá nên chưa nộp liền, mong hội đồng xét xử xem xét việc sử dụng tiền là do gia đình bị cáo có việc nên tạm thời phải sử dụng và ngay từ đầu bị cáo có ý thức trả lại số tiền này.
“Bị cáo mong hội đồng xét xử xem xét bản thân bị cáo khi thanh tra đã hết sức cố gắng, các báo cáo đều xác định đủ điều kiện đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt, chuyển cơ quan điều tra, nhưng sau đó theo chỉ đạo của ông Hưng mà bị cáo đã làm sai, bị cáo nhận thấy mình có sai phạm, mong được khoan hồng".
Cựu phó chánh thanh tra thừa nhận sai phạm nhưng không chủ động
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, thuộc Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận cáo trạng xác định đúng hành vi của bị cáo, bị cáo có nhận tiền quà lễ Tết từ Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn.
Theo bị cáo thì việc thanh tra SCB bản chất là thanh tra định kỳ chứ không phải thanh tra đột xuất.
Bị cáo đề nghị hội đồng xét xử xem xét là sau này làm việc với cơ quan điều tra bị cáo mới phát hiện có sự sai lệch về mặt số liệu trong báo cáo thanh tra, tuy nhiên là người đứng đầu bị cáo hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Ông Hưng thừa nhận là mình có thiếu sót đã thiếu kiểm tra giám sát trong quá trình thanh tra dẫn đến không phản ánh thực tế, làm sai lệch kết quả tài chính của SCB.
Đối với việc chỉ đạo thu hẹp phạm vi thanh tra theo kế hoạch 92 sang 99 là do bà Nhàn đề xuất thay đổi, điều chỉnh kế hoạch thanh tra do thời gian không nhiều, khối lượng quá lớn.
Bị cáo điều chỉnh do nghĩ thuần túy là điều chỉnh về mặt thời gian chứ không nghĩ sâu hơn. Bị cáo thừa nhận việc điều chỉnh này đã không làm rõ sai phạm của 71 khách hàng.
Do đó, mong hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo là về mặt ý thức bị cáo hoàn toàn không chủ động thực hiện, bị cáo do gần về hưu nên không dành toàn sức, toàn tâm cho việc thanh tra, chính điều này đã dẫn đến sai phạm.
Bị cáo Nguyễn Văn Du cũng thừa nhận cáo trạng xác định đúng hành vi của bị cáo, bị cáo thay ông Nguyễn Văn Hưng từ ngày 1-10-2018, lúc đó toàn bộ kết luận thanh tra đã được báo cáo đầy đủ.
Khi đó bị cáo chỉ ký để ban hành chính thức kết luận, bị cáo do tin tưởng nên có thiếu sót không rà soát lại không phát hiện việc bao che bưng bít thông tin của các bị cáo khác, không phát hiện kịp thời dẫn đến hậu quả vụ án xảy ra.
Với trách nhiệm của người đứng đầu, bị cáo nhận thấy rõ sai phạm trách nhiệm của mình. Bị cáo xin hội đồng xét xử xem xét khoan hồng cho bị cáo cũng như các cán bộ cấp dưới của đoàn kiểm tra.
Các bị cáo khác thuộc đoàn thanh tra giám sát đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, các bị cáo thừa nhận sai phạm và mong khoan hồng.
Phiên tòa không làm việc ngày thứ bảy và chủ nhật và sẽ tiếp tục làm việc vào ngày 11-3 để xét hỏi các bị cáo còn lại, trong đó có bà Trương Mỹ Lan, ông Nguyễn Cao Trí.
Đọc thêm về nội dung vụ án Vạn Thịnh Phát TẠI ĐÂY!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận