Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM) đang thụ lý, giải quyết tin báo tố giác tội phạm của ông Nguyễn Hồng Phước đối với bà V.K.H. (cùng 33 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh).
Ông Phước tố giác bà H. cùng một nhóm người có hành vi: nhắn tin đe dọa giết người, cắt ghép và đăng hình ảnh gia đình ông lên mạng xã hội với nội dung lừa đảo và đến nhà cưỡng đoạt tài sản.
Bị đòi nợ do liên quan vụ án hình sự
Theo ông Phước, nguyên nhân sự việc bắt đầu từ cuối năm 2017, thông qua mối quan hệ quen biết, ông Phước giới thiệu bà H. với Nguyễn Anh Tú (32 tuổi, ngụ quận 6) để làm dịch vụ giấy tờ nhà đất.
Trong thời gian trên, bà H. đã giao cho Tú tổng cộng hơn 3,8 tỉ đồng. Trong đó, một lần bà H. giao cho ông Phước số tiền hơn 1,2 tỉ đồng nhờ chuyển giùm cho Tú.
Nhận tiền nhưng ông Tú không làm giấy tờ đất như thỏa thuận nên bà H. tố giác Tú và ông Phước.
"Sau khi nhận 1,2 tỉ đồng từ bà H., tôi đã giao lại hết cho Tú, có biên nhận hẳn hoi. Tú có cho tôi 113 triệu đồng tiền môi giới, nhưng trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, tôi đã nộp lại toàn bộ", ông Phước trình bày.
Qua tìm hiểu được biết, từ tố giác của bà H., năm 2020 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Anh Tú để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
Còn ông Phước được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Trong khi đó, bà H. cho rằng ông Phước phải trả lại cho bà số tiền 1,2 tỉ đồng nói trên nên liên tục đòi nợ. Và khi vụ án trên chưa được tòa án đem ra xét xử thì từ đầu năm nay vợ chồng ông Phước nhận được tin nhắn với những nội dung đe dọa.
Buộc viết giấy nhận nợ?
Ông Phước kể: "Ngày 29 Tết (20-1), có một nhóm người xăm trổ, hùng hổ xông vào nhà tôi (xã Vĩnh Lộc A) yêu cầu trả tiền cho bà H. vì bà H. thuê họ.
Sau đó, bà H. đến mở cửa vào nhà dùng lời nói đe dọa vợ chồng chúng tôi với lời khiếm nhã, đồng thời bắt tôi phải đưa tiền của một vụ án mà hiện công an đang điều tra".
Toàn bộ sự việc được camera ghi lại. Nội dung camera thể hiện hai người đàn ông đứng ra phân xử, đọc nội dung đơn xin trả tiền cho vợ ông Phước viết và yêu cầu hai bên lăn tay (do nhóm người lạ chuẩn bị sẵn), ký tên vào đơn.
Nội dung đơn thể hiện ông Phước phải trả cho bà H. hơn 1,2 tỉ đồng chia làm hai đợt. Nếu tòa tuyên số tiền 2,6 tỉ đồng còn lại có liên quan đến ông Phước thì ông Phước phải chịu trách nhiệm...
"Họ còn buộc vợ tôi phải mở tủ lấy tiền đưa 300 triệu đồng. Sự việc diễn ra quá nhanh, quá manh động, lo sợ cho an toàn của hai con nhỏ nên vợ chồng tôi không thể không làm theo", ông Phước nói.
Ngoài ra, bà H. còn dùng những hình ảnh cá nhân của vợ chồng ông Phước đăng lên Faceebook cá nhân, hội nhóm (Vĩnh Lộc A, Bình Chánh) và phát tờ rơi xung quanh nhà ông Phước với nội dung "Nguyễn Hồng Phước là đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản...".
Không chỉ vậy, hằng ngày bà H. còn đến trước cơ sở kinh doanh của ông Phước, đậu xe máy mà trên đó không khác gì một "bàn thờ di động" với hình ảnh ông Phước cùng nhang đèn, hoa cúng hết sức phản cảm.
Liên quan nội dung tố cáo của vợ chồng ông Phước, ngày 28-2 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh đã gửi giấy triệu tập bà H. đến đội cảnh sát hình sự để "làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản ngày 20-1-2022 tại ấp 5A, Vĩnh Lộc A, Bình Chánh".
Để làm rõ thông tin phản ánh trên, phóng viên Tuổi Trẻ nhiều lần liên hệ bà H. nhưng bà này từ chối.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Nhìn nhận vụ việc, luật sư Nguyễn Khắc Trung Hiên (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng trong trường hợp này, bà H. là bị hại trong một vụ án hình sự mà cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết, do đó bà H. cần chờ tòa án ra phán quyết bằng một bản án thay vì dùng tư cách bị hại tự ý đến nhà ông Phước để đòi tiền như trên.
"Đó là hành vi có dấu hiệu phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Ngoài ra, việc bà H. liên tục sử dụng hình ảnh gia đình ông Phước, trong đó có một đứa nhỏ, để đăng tải lên mạng xã hội, rải truyền đơn... với nội dung tự gán ghép lừa đảo là hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm người khác", luật sư Hiên phân tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận