02/06/2022 06:30 GMT+7

Tòa chưa xử, công an đã trả xe gây tai nạn thảm khốc

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Vụ tai nạn liên hoàn sáng 6-6-2021 khiến 6 người thương vong đã trôi qua gần 1 năm nhưng người nhà các nạn nhân có nguy cơ không được bồi thường theo bản án vì xe tải gây tai nạn đã được trả trước khi tòa xét xử.

Tòa chưa xử, công an đã trả xe gây tai nạn thảm khốc - Ảnh 1.

Sau tai nạn, bà Hồng mất con, sức khỏe bị suy giảm rất nhiều - Ảnh: TRUNG TÂN

Liên quan vụ tai nạn thảm khốc trên quốc lộ 14, ngày 30-5 ông Trịnh Bá Khôi (trú phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) - người có con trai tử vong, vợ bị thương nặng trong vụ tai nạn nêu trên - cho biết đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm lên TAND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu xét xử lại và đề nghị nâng mức bồi thường.

Xe 14 tấn chở hơn 40 tấn

Vụ tai nạn khiến con trai ông Khôi là cháu Khanh (sinh năm 2007) tử vong, vợ ông là bà Phạm Thị Hồng (39 tuổi) bị thương nặng với thương tích 62%. 

Ngoài ra, vụ tai nạn còn khiến anh Lê Hoan Vinh (32 tuổi, trú Vĩnh Lợi, Tân Hưng, Long An, phụ xe tải) tử vong và thêm 3 người bị thương. Ngoài gây thương vong, vụ này cũng khiến 3 ôtô (1 xe khách, 2 xe tải nhỏ), 2 xe máy và 5 ngôi nhà của các hộ dân ven đường bị hư hỏng.

Theo bản án sơ thẩm ngày 20-4 của TAND thị xã Buôn Hồ, sáng 6-6-2021 tài xế Nguyễn Duy Khoa (28 tuổi, trú huyện Tân Trụ, Long An) lái xe tải chở phân bón theo hướng Đắk Lắk - Gia Lai. Khi xe tải đổ đèo Hà Lan (phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ), Khoa đạp thắng nhưng mất tác dụng, xe lao nhanh xuống đèo, tông gãy thanh chắn trạm thu phí Quang Đức rồi gây ra vụ tai nạn liên hoàn.

Nguyên nhân tai nạn được kết luận: do tài xế Khoa đạp rà phanh liên tục khiến má phanh bị cháy, mất tác dụng. Ngoài ra, xe tải được phép chở 14,3 tấn hàng hóa nhưng trên xe vào thời điểm gây tai nạn lên đến 40 tấn phân bón. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc trên.

Từ những căn cứ trên, hội đồng xét xử kết luận tài xế Khoa phạm tội "vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ" và bị tuyên phạt 7 năm tù. 

Về trách nhiệm dân sự, tòa án xác định chủ xe tải gây tai nạn là ông Phan Thanh Tuấn (trú Long An) chịu bồi thường cho gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn. Tòa ghi nhận sự tự nguyện bồi thường thiệt hại của ông Tuấn đối với chủ các xe khách, xe tải, nhà cửa bị hư hỏng. 

Trong đó, ông Tuấn thỏa thuận bồi thường 300 triệu cho bà Đặng Thị Mỹ Linh (chủ xe khách) và hiện đã đưa 200 triệu đồng; ông Tuấn thỏa thuận và đã đưa cho ông Đỗ Khoa Định (chủ xe tải) 50 triệu đồng; thỏa thuận và trả đủ cho các hộ dân bị hư nhà với tổng cộng 24 triệu đồng...

Tuy nhiên, các nạn nhân đã chết và bị thương thì chưa được bồi thường đầy đủ theo kết luận của bản án. Cụ thể, gia đình nạn nhân Lê Hoan Vinh được bồi thường 135 triệu đồng, ông Tuấn mới đưa 15 triệu. Gia đình ông Trịnh Bá Khôi được bồi thường tổng cộng gần 230 triệu đồng, ông Tuấn mới đưa 50 triệu đồng.

Vì sao trả xe trước khi xử?

Bản án cũng tuyên về xử lý vật chứng, tòa tuyên: "Chấp nhận việc CSĐT Công an thị xã Buôn Hồ trả cho ông Phan Thanh Tuấn chiếc xe tải".

Sau khi có bản án, ông Khôi làm đơn kháng cáo vì cho rằng tòa xét xử chưa công bằng, gây thiệt hại cho gia đình ông và nhiều bị hại khác. 

Theo ông Khôi, xét quá trình chăm sóc sức khỏe cho vợ, mai táng cho con trai, tổn thất tinh thần..., ông yêu cầu ông Tuấn bồi thường hơn 800 triệu đồng. Tuy nhiên, hội đồng xét xử chỉ yêu cầu ông Tuấn bồi thường cho gia đình ông 230 triệu đồng là quá thấp. 

"Ngay cả những chi phí bệnh viện, mua vật dụng mai táng... có hóa đơn cũng không được chấp thuận", ông Khôi nói.

Cũng theo ông Khôi, suốt quá trình tố tụng và ngày tòa xét xử, ông Tuấn đều vắng mặt nên ông rất lo ngại về việc thực hiện trách nhiệm bồi thường của ông Tuấn đối với các nạn nhân. Đã thế, trước phiên xét xử, công an trả xe cho Tuấn, ông này chuyển nhượng cho người khác gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của gia đình ông và các bị hại khác.

Ngoài việc kháng cáo, ông Khôi cũng có đơn khiếu nại Cơ quan CSĐT Công an thị xã Buôn Hồ về việc trả chiếc xe tải gây tai nạn trước thời điểm xét xử gây ảnh hưởng quá trình thi hành án. "Việc này dẫn đến việc trách nhiệm liên đới bồi thường của chủ xe gây tai nạn không được đảm bảo", ông Khôi nói.

Theo ông Khôi, trước thời điểm xét xử, Công an thị xã Buôn Hồ đã trả xe tải gây tai nạn cho ông Tuấn. "Giờ ông này bán xe rồi cù nhây bồi thường, gia đình tôi biết làm sao?", ông Khôi thắc mắc. 

Ngoài ra, ông cho rằng TAND thị xã Buôn Hồ không xem xét các chi phí mai táng con trai, chăm sóc vợ của ông dù có hóa đơn là thiếu công bằng.

Trả lời về việc này, trung tá Nguyễn Danh Bằng - trưởng Công an thị xã Buôn Hồ - cho biết đã nhận đơn và đã có văn bản trả lời cho ông Khôi. Công an thị xã Buôn Hồ cho rằng vụ án đã có bản án sơ thẩm, đã tuyên trách nhiệm hình sự với bị cáo Khoa, trách nhiệm dân sự của ông Phan Thanh Tuấn và việc xử lý vật chứng. 

"Nếu không đồng ý với nội dung xử lý vật chứng nêu trên, ông Khôi có quyền kháng cáo bản án để được xét xử phúc thẩm theo quy định", Công an thị xã Buôn Hồ hướng dẫn.

Nói về việc này, thẩm phán Nguyễn Kim Chung (chủ tọa phiên xử sơ thẩm) cho rằng: "Về nguyên tắc là phải tiếp tục tạm giữ (phương tiện gây tai nạn - PV) để đảm bảo việc thi hành án sau này. 

Tuy nhiên, công an trả theo thẩm quyền, họ viện dẫn rằng mình trả xe đúng quy định và tự chịu trách nhiệm nên tòa chấp nhận. Nếu ông Khôi không đồng ý về việc trả xe thì khiếu nại bên công an", ông Chung nói.

Sẽ gây khó khăn cho việc thi hành án

Phân tích về vấn đề này, luật sư Tạ Quang Tòng - chủ nhiệm Đoàn luật sư Đắk Lắk - cho biết theo khoản 8 điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là 7 ngày kể từ ngày tạm giữ. Đối với những vụ việc phức tạp thì không quá hai lần gia hạn, mỗi lần không quá 30 ngày.

Như vậy, tùy thuộc vào tính chất của vụ tai nạn giao thông mà thời hạn tạm giữ của phương tiện có thể là 7 ngày và tối đa kéo dài không quá 60 ngày tính cả thời gian gia hạn để điều tra.

Tuy nhiên, điểm b khoản 3 điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: "Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án". Ngoài ra, theo hướng dẫn của TAND tối cao, đối với phương tiện gây tai nạn là tài sản đảm bảo thi hành án thì phải tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

"Trả phương tiện gây tai nạn trước khi xét xử sẽ gây khó khăn cho việc thi hành án sau này. Nếu người chịu trách nhiệm liên đới bồi thường bán và tẩu tán tài sản rồi nói rằng mình không còn khả năng thi hành án thì người chịu thiệt là các bị hại trong vụ án", luật sư Tòng nói.

Người cha già xin tòa miễn tội chết cho con rể sát hại con gái Người cha già xin tòa miễn tội chết cho con rể sát hại con gái

TTO - Mặc dù con gái bị chồng sát hại dã man nhưng người cha già vẫn xin hội đồng xét xử miễn tội chết cho con rể, để 'các cháu ngoại sớm có ngày đoàn tụ với bố'.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên