19/11/2017 11:49 GMT+7

Tò te Rô Be đánh đu, Tặc Zăng nhảy dù…

LÊ MINH QUỐC - Theo TTC
LÊ MINH QUỐC - Theo TTC

TTO - Không biết tự lúc nào, Z hiên ngang đi vào từ điển tiếng Việt? Nghe sử dụng cụm từ 'Từ A đến Z' ta có thể hiểu là sự việc sẽ được diễn ra theo trình tự từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc.

Tò te Rô Be đánh đu, Tặc Zăng nhảy dù… - Ảnh 1.

Trong tiếng Việt chỉ có 29 chữ cái, bắt đầu từ A và kết thúc Y. Thế nhưng người Việt đã mượn Z - con chữ cuối cùng của bảng chữ cái La tinh, nhằm phiên âm tiếng nước ngoài và ghi ký hiệu có tính quốc tế. Đại từ điển tiếng Việt (1999) của Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam chỉ ghi nhận: Zê-rô (zero), Zê-ta (zeta), Zích-zắc (ziczac) và Zn - ký hiệu hóa học của nguyên tố kẽm (zinc).

Sự lý thú của câu cửa miệng "Từ A đến Z" là bắt nguồn từ bảng ký hiệu của chữ cái. Một khi nghe ai sử dụng cụm từ đó, ta có thể hiểu là sự việc đó sẽ được diễn ra theo trình tự từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc.

Tự lúc nào, Z hiên ngang đi vào từ điển tiếng Việt?

Câu trả lời xin dành cho các nhà ngôn ngữ học. Tuy nhiên, có một điều hiển nhiên là trẻ con miền Nam đã làm quen với Z từ rất lâu lắm rồi. 

Nhiều người còn nhớ thời bé đã từng hát nhại giai điệu ca khúc Ce n’est qu’un au revoir với những câu "chế" ngộ nghĩnh: "Tò te Rô-be đánh đu, Tặc-zăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng. Chết cha con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi". 

Và người ta chấp nhận 2 cách ghi: Tặc Zăng/Tặc Dăng, thậm chí Tặc Giăng cũng đặng. Riêng "Zô-rô bắn súng", tức Zorro - một nhân vật hiệp khách trừ gian diệt bạo, trẻ em miền Nam thời đó từng say mê qua thể loại truyện tranh.

Có lẽ nhà văn Nguyễn Công Hoan là người trước nhất đem zéro/ dê-rô vào tác phẩm văn học chăng? Năm 1942, khi viết vở kịch Tấm lòng vàng, ông cho nhân vật Đức có biệt danh "vua zéro" vì thường xuyên không thuộc bài, luôn bị thầy cho điểm 0.

Cùng âm dờ/zờ nên "đôi bạn cùng tiến" Z và D đôi lúc có thể hoán đổi cho nhau, không ai bắt bẻ gì. Do đó, không phải ngẫu nhiên trong quá trình cải cách chữ Quốc ngữ, đã từng có học giả để nghị sử dụng Z thay D; không dừng lại đó, có ý kiến "triệt để" hơn đòi thay luôn cả GI, chẳng hạn, "giăng" có thể viết "dăng", vậy sao không thay quách bằng "zăng" cho nó gọn (!). 

Có phải tôi bịa ra chi tiết này? Thưa không, nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, xin tìm đọc quyển Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ - Viện Văn học, (NXB Văn Hóa - 1960) thì rõ.

Mà D/GI/TR trong tiếng Việt đôi lúc cách ghi âm cũng còn nhập nhằng. Thí dụ, dung dăng dung dẻ/ giung giăng giung giẻ; bánh gio/ bánh tro - tức loại bánh làm bằng gạo nếp ngâm trong nước tro.... 

"Bờ Hồ những gió cùng giăng/ Những giăng cùng gió, lăng nhăng sự đời/ Ai lên, ta hỏi ông Giời:/ Bầy chi giăng gió? cho người gió giăng?" (Tản Đà). Rõ ràng TR đã được hoán đổi qua GI.

Mà D cũng có lúc thay thế R, chẳng hạn duồng dẫy/ruồng rãy; dẫy vợ/rẫy vợ (tức để vợ/bỏ vợ); day dứt/ ray rứt… Đôi khi D "cao hứng" biến thành GI, chẳng hạn, giấy dó/giấy gió; bánh dầy/ bánh giầy… 

Nếu viết đúng chính tả phải là giấy dó - gọi theo tên một cây mà Việt Nam tự điển (1931) giải thích: "Dó: tên một thứ cây lấy vỏ để làm giấy ta"; bánh giầy - như Đại từ điển tiếng Việt giải thích: "là bánh có hình tròn khum khum, màu trắng, rất dẻo, mịn mặt, làm bằng xôi trắng giã nhuyễn, khi ăn cặp với giò chả...". 

Một lần nữa, xin nhấn mạnh, hoàn toàn không có loại bánh nào có gọi tên bánh dầy/dày, phải gọi bánh giầy.

Thành ngữ còn có câu "Nhặt che mưa, thưa che gió", hàm ý sử dụng tùy theo khả năng. Mà ở đây nhặt cũng có nghĩa là dày, khít, tùy ngữ cảnh còn có thể hiểu là mau, liền liền, dồn dập - vậy ngược với nó cũng là thưa? Chưa chắc, "Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa (Truyện Kiều), thì "tiếng khoan" chính là tiếng thưa, "tiếng mau" là tiếng nhặt.

Dù vẫn biết, D và Z có thể hoán đổi nhau nhưng lại có lúc cả hai phải "dính chùm" cho bằng được. Khi nghe một người Nam bộ bảo: "Nói dzậy mà hổng phải dzậy" thì mặc nhiên phải viết "dzậy", chứ nếu viết dậy/ zậy thì chưa phản ánh đúng tinh thần nhấn mạnh có tính hài hước, bông lơn của từ "dzậy". Mà "dzậy" là "vậy" - nhưng ở đây ghi theo cách phát âm của người Nam bộ, và dần dần được các vùng miền khác chấp nhận. Trong khi đó, từ điển chính thống vẫn chưa ghi nhận từ "dzậy".

Tương tự, từ điển vẫn chưa ghi nhận mắc zịch, chỉ có mắc dịch - có thể hiểu là mắc bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm nhưng không chỉ có thế. 

 Chẳng hạn, một người bình luận: "Cứ thấy gái đẹp là thả dê. Thằng chả đúng là thứ mắc dịch" - nhằm chê kẻ đó mất nết, không đứng đắn. Nhưng khi người mẹ mắng con: "Về nhà rồi à? Cái thằng mắc dịch kia, sao lên tiếng, mày làm má hết hồn" - lại là câu mắng yêu. Thế mới thấy, cùng một "mắc dịch" nhưng hàm nghĩa lại khác nhau.

Chẳng hạn, zích zắc (ziczac) là đừng gấp khúc nhưng một khi du nhập vào tiếng Việt lại mang hàm nghĩa mới, chẳng hạn, người nọ phán một câu xanh rờn: "Cậu muốn nhanh thăng quan tiến chức à? Đừng tưởng bỡ, đường đi còn dích dắc lắm". Dích dắc ở đây là quanh co, có sắc thái tiêu cực, không minh bạch, rõ ràng. 

Tương tự, zéro là số 0 nhưng lại còn dùng để chỉ người bất tài vô tướng,chẳng tài cán: "Tưởng gì, lúc đụng chuyện, thằng chả chỉ là số zéro to tổ chảng".

Đánh banh ta - lông không còn manh giáp Đánh banh ta - lông không còn manh giáp Con nít, nhít, xít hay sít? Con nít, nhít, xít hay sít? I cụt, y dài,Y cà lết I cụt, y dài,Y cà lết
LÊ MINH QUỐC - Theo TTC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên