10/09/2014 07:10 GMT+7

​Tổ chức IS: điển hình của cực đoan

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TT - Tháng 6-2014, thế giới sửng sốt khi bỗng xuất hiện một thực thể tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo” do Abu Bakr al-Baghdadi đứng đầu tại miền bắc Iraq.

Binh sĩ Iraq và chiến binh người Shiite hạ cờ của IS sau khi giành chiến thắng tại Amerli ngày 1-9 - Ảnh: Reuters
Binh sĩ Iraq và chiến binh người Shiite hạ cờ của IS sau khi giành chiến thắng tại Amerli ngày 1-9 - Ảnh: Reuters

Sửng sốt vì nói chung không hiểu cái thực thể này từ đâu ra. Vì sao nó mạnh đến mức chỉ trong vài ngày đã làm chủ cả hai tỉnh lớn ở miền bắc Iraq, trong đó có hai thành phố quan trọng là Mosul và Tikrit?

“Nhà truyền giáo” al-Baghdadi

“Trùm khủng bố” có bằng tiến sĩ

Ngày 5-7, Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện trong một video clip tung lên Internet, tự xưng “Khalifa” (người kế tục sự nghiệp của sứ thần Mohammed). Ông này kêu gọi các tín đồ “hãy vâng lời ta như ta đã dạy các ngươi vâng lời thánh”!

Video clip cho thấy al-Baghdadi có trình độ thuyết giảng như một giáo sĩ thực thụ. Suốt 21 phút thuyết giảng không cần giấy tờ, với nhiều câu trích dẫn Koran. Nội dung, chất giọng và cả ngữ điệu của al-Baghdadi chứng minh cho bằng tiến sĩ thần học Hồi giáo mà ông ta có được tại Đại học Baghdad trước khi gia nhập al-Qaeda. Video clip này chứng tỏ al-Baghdadi không chỉ là một “trùm khủng bố” có học mà còn là một học giả Hồi giáo có đẳng cấp.

Abu Bakr al-Baghdadi từng là thành viên nhóm al-Qaeda xuất hiện tại Iraq sau khi Mỹ xóa sổ chế độ Saddam Hussein năm 2003. Tuy là “lính mới” nhưng al-Baghdadi nhanh chóng thể hiện bản lĩnh của một tay khủng bố có hạng bị Mỹ xếp loại mục tiêu phải loại bỏ.

Tháng 10-2005, Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt được y, khi ấy có biệt danh là “Abu Dua” (nhà truyền giáo), trong một cuộc không kích ở khu vực biên giới với Syria. Nhưng đó chỉ là tin vịt.

Cuối tháng 7-2008, Mỹ tin rằng al-Qaeda tại Iraq đã bị vô hiệu hóa. Nhưng đến tháng 5-2010, một danh xưng mới xuất hiện: “Nhà nước Hồi giáo tại đất nước Lưỡng Hà” với thủ lĩnh mới chính là al-Baghdadi.

Tháng 10-2011 trước khi rút hết quân khỏi Iraq, Mỹ đã xếp al-Baghdadi vào danh sách các phần tử khủng bố nguy hiểm.

Nhưng do mới phục hồi từ tình trạng gần như đã bị xóa sổ trước đó, nên hoạt động của al-Baghdadi cùng nhóm khủng bố do y tái lập chưa thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông.

Biến động nghiêm trọng tại cả Iraq và Syria trở thành môi trường cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan phát sinh, phát triển.

Trong hàng ngũ lực lượng đối lập chống lại chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad xuất hiện không ít nhóm “thánh chiến” mang các danh xưng khác nhau.

Truyền thông và một số chính giới Ả Rập đã cảnh báo kịp thời về nguy cơ cực đoan và khủng bố trong cuộc nội chiến tại Syria, trong đó có hai tổ chức điển hình là “Mặt trận Nusra” và “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Cận Đông” (ISIL).

Đặc biệt, thủ lĩnh của ISIL lại chính là al-Baghdadi từ Iraq kéo sang. Nhưng Mỹ và các đồng minh Tây Âu không quan tâm đến những lời cảnh báo từ phía Ả Rập, bởi Tổng thống Barack Obama vừa không muốn dính líu đến các cuộc xung đột nội bộ Ả Rập, vừa đoan chắc rằng dù sao Mặt trận Nusra hay ISIL cũng nằm trong phe đối lập đang chiến đấu để xóa bỏ chế độ của Tổng thống al-Assad.

Chỉ đến cuối năm 2012 khi cả Mặt trận Nusra và ISIL đều công khai lộ nguyên hình là những hậu duệ của al-Qaeda do Bin Laden sáng lập, Mỹ mới chính thức xếp hai nhóm này vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.

Phản ứng của Mỹ đối với ISIL mặc dù đã quá muộn nhưng vẫn chỉ dừng lại ở một vài quyết định trừng phạt không có tác dụng trên thực tế. Tại Syria, ISIL hầu như tự do hành động.

Tổ chức này phát triển lớn mạnh đến mức al-Baghdadi công khai tự xưng là “người kế tục của Bin Laden”, phủ nhận vai trò thủ lĩnh của Ayman Zawaheri đối với al-Qaeda!

Hình ảnh thể hiện sự tàn bạo của chiến binh IS trong video clip phản tuyên truyền của Bộ Ngoại giao Mỹ. Video clip này đến nay đã có hơn nửa triệu lượt người xem trên YouTube - Ảnh chụp lại từ YouTube
Hình ảnh thể hiện sự tàn bạo của chiến binh IS trong video clip phản tuyên truyền của Bộ Ngoại giao Mỹ. Video clip này đến nay đã có hơn nửa triệu lượt người xem trên YouTube - Ảnh chụp lại từ YouTube

Hành xử hà khắc và tàn khốc

Đến đầu năm 2014, ISIL đã kiểm soát một khu vực lãnh thổ ở miền bắc Syria rộng gần bằng diện tích nước Libăng, trong đó thành phố tỉnh lỵ Reqqa được coi là “thủ đô” của ISIL.

Từ đó, al-Baghdadi đã cho thực thi quyết liệt giáo luật Sharia tại các khu vực do ISIL kiểm soát. Người Thiên Chúa giáo bị đẩy đuổi. Người Sunni buộc phải suy tôn al-Baghdadi là “Khalifa” (người kế tục của tiên tri - sứ thần Mohammed), nếu không chấp nhận cũng bị đẩy đuổi khỏi quê hương của họ.

Mọi di sản của dòng Shiite và các tôn giáo bị coi là ngoại đạo, bất kể đó là các di tích lịch sử có tuổi thọ ngàn năm đều bị đặt chất nổ san bằng!

Thậm chí không ít chỉ huy của các nhóm đối lập khác cũng bị hành quyết chỉ vì không chấp nhận suy tôn al-Baghdadi! Truyền thông Ả Rập la lối hằng ngày về thảm họa mà ISIL gieo rắc tại Syria, nhưng Mỹ và phương Tây, cả chính giới và truyền thông, hầu như không mấy động lòng!

Chỉ đến khi al-Baghdadi kéo quân trở lại Iraq xưng hùng xưng bá, thách thức trực tiếp đến Mỹ và phương Tây thì Obama và đồng minh mới “vỡ lẽ”!

Sau khi tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo (IS), các chiến binh của al-Baghdadi càng khuếch trương thanh thế bằng cách công khai quảng bá trên truyền thông quốc tế và Ả Rập nhiều hành động man rợ kinh hoàng khác. Tại những khu vực mà IS kiểm soát, chúng thực hiện quyết liệt các chiến dịch thanh lọc sắc tộc và tôn giáo.

Theo alarabiya.net, trong cuộc thảm sát sắc dân Yazedi ở vùng núi Sinjar (Iraq) hồi đầu tháng 8, quân IS thực hiện triệt hạ “nòi giống” Yazedi mà họ coi là ngoại đạo bằng cách giết hại tất cả đàn ông Yazedi không kịp chạy thoát. Đàn bà và trẻ con đều bị bắt làm “chiến lợi phẩm”.

Ngày 12-8 ở trung tâm thành phố Mosul, IS tổ chức bán đấu giá công khai hơn 700 cô gái Yazedi, với giá trung bình 150 USD/người! Còn nhiều phụ nữ Yazedi khác bị đưa sang Syria để “làm vợ” các chiến binh của IS!

Phạt như thời Trung cổ

Với Thiên Chúa giáo, chiến dịch xóa bỏ tôn giáo này tại thành phố Mosul là một ví dụ điển hình.

Ngày 19-7, sau hơn một tháng chiếm đóng Mosul, IS ra tối hậu thư cho tất cả tín đồ Thiên Chúa giáo còn lại ở thành phố này phải lựa chọn một trong ba con đường: hoặc chịu cải sang đạo Hồi, hoặc phải bỏ xứ mà đi, nếu cứ ở lại thì phải nộp lệ phí giữ đạo.

Theo “tối hậu thư” này, nếu quá thời hạn 12g hôm ấy mà tín đồ Thiên Chúa giáo nào không chấp nhận một trong ba phương án trên thì “chỉ còn cách đối mặt với lưỡi kiếm”!

Hậu quả là từ một trung tâm lâu đời của Thiên Chúa giáo tại Iraq, có hơn 5.000 tín đồ Thiên Chúa giáo, thành phố Mosul lần đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm của mình, gần như không còn người theo đạo Thiên Chúa. Hơn 30 nhà thờ Thiên Chúa giáo trong thành phố bị triệt hạ hoàn toàn, trong đó có nhà thờ đã trải qua 1.836 năm tồn tại.

IS còn áp đặt hà khắc các chế định của giáo luật Sharia trong đời sống đối với tất cả các khu vực do chúng kiểm soát ở cả Syria và Iraq. Những hình thức xử tội phạm nhân thời Trung cổ được tái hiện.

Theo alarabiya.net, chỉ trong vài ngày giữa tháng 7, IS tại Syria đã thực hiện ba án tử hình bằng ném đá cho đến chết tại nơi công cộng: hai nạn nhân là phụ nữ bị kết tội thông dâm và một người là chiến binh của IS bị trừng phạt vì hiếp dâm.

IS đã công khai tự thể hiện chúng là hiểm họa của toàn thế giới, kể cả với thế giới Hồi giáo hiện thời. Tất cả các quốc gia do người Hồi giáo trị vì, dù theo dòng Sunni hay Shiite, dù theo thể chế quân chủ đến cộng hòa, thậm chí cả quốc gia Cộng hòa Hồi giáo Iran cũng đều chối bỏ IS.

Hầu hết các tổ chức Hồi giáo quốc tế và khu vực, các chức sắc Hồi giáo hàng đầu, các học giả Hồi giáo danh tiếng trên thế giới đều không chấp nhận IS như một thực thể Hồi giáo.

Chính quyền Mỹ chạy đua vận động trong nước

Tổng thống Barack Obama cùng các thành viên nội các cấp cao, các lãnh đạo quốc phòng và tình báo sẽ gặp các nghị sĩ Mỹ trong tuần này để kiếm sự ủng hộ cho kế hoạch tấn công các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ông Obama sẽ có bài phát biểu trước công chúng Mỹ ngày 10-9 để trình bày kế hoạch ngăn chặn IS, đồng thời phải nỗ lực xoa dịu lo ngại của người dân về việc Washington có thể dấn sâu vào một cuộc chiến toàn diện.

Trước bài phát biểu, ông Obama phải tranh thủ gặp gỡ với bốn lãnh đạo các phe đa số và thiểu số tại hai viện của quốc hội.

Cũng trong ngày, giám đốc CIA John Brennan và giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper sẽ trình bày trước Ủy ban Tình báo Thượng viện, theo thông báo của lãnh đạo ủy ban thượng nghị sĩ Dianne Feinstein.

Các quan chức chính quyền của Tổng thống Obama cũng sẽ tổ chức một cuộc họp với 100 thành viên của thượng viện vào ngày 10-9 và với tất cả 435 thành viên của hạ viện ngày 11-9.

Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel và tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey, sẽ đối chất trong buổi điều trần về chính sách của Mỹ đối với Iraq và Syria và các mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo vào ngày 16-9.

Cùng ngày này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đối chất trước Ủy ban Ngoại giao Hạ viện.

T.PHƯƠNG

 

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên