09/09/2014 09:40 GMT+7

​Hồi giáo nguyên gốc - Hồi giáo cực đoan

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TT - Những hành động khủng bố sát hại nhiều người và man rợ gần đây của những kẻ tự xưng thuộc Hồi giáo đã khiến cả thế giới tự hỏi điều gì đã và đang xảy ra.

Người biểu tình phản đối hành động của IS ở London (Anh) với tấm biển ghi: “IS là mối đe dọa đối với nhân loại” - Ảnh: AFP
Người biểu tình phản đối hành động của IS ở London (Anh) với tấm biển ghi: “IS là mối đe dọa đối với nhân loại” - Ảnh: AFP

Từ vụ khủng bố ngày 11-9-2001 nhắm vào nước Mỹ, danh xưng al-Qaeda được cả thế giới biết đến với nỗi ám ảnh về một tổ chức khủng bố có thể thực hiện những tội ác khủng khiếp vượt ra ngoài sự tưởng tượng của thế giới văn minh.

Rồi “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng xuất hiện tại Iraq từ cuối tháng 6 vừa qua lại trưng ra trước toàn thế giới nhiều hình ảnh khủng khiếp về những cuộc giết chóc mà chúng thực hiện ghê rợn, đến mức chính giới Mỹ phải công nhận là “vượt quá sức tưởng tượng” của con người!

Al-Qaeda và IS đều là những điển hình cực đoan nhất của hệ tư tưởng Hồi giáo nguyên gốc.

Không thể không nhắc đến Bin Laden

Hệ tư tưởng Hồi giáo nguyên gốc, hay có thể gọi là “chủ thuyết” Hồi giáo nguyên gốc, ra đời vào thế kỷ 18 tại bán đảo Ả Rập với chủ xướng là Mohammed Ben Abdu al-Wahab, do đó còn được gọi là chủ thuyết al-Wahabiyah.

Chủ thuyết này dấy lên một phong trào đầu tiên trong lịch sử Hồi giáo nhằm “chỉnh sửa lại” hiện trạng của đạo Hồi thời ấy, bởi Hồi giáo đã bị các cuộc đô hộ của đạo quân Thành Cát Tư Hãn (Nguyên Mông) và đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) làm cho biến dạng, xa rời bản chất nguyên gốc của tôn giáo này.

Mục tiêu của al-Wahabiyah là đưa Hồi giáo trở về với những nguyên tắc “bất di bất dịch” được ghi nhận từ thế kỷ thứ 7 trong kinh sách Quran và truyền thống al-Hadeeth (ghi nhận “chân thực” những lời nói và việc làm của tiên tri - sứ thần Mohammed).

Những người theo Hồi giáo nguyên gốc cho rằng Quran đã xác định Hồi giáo là “tôn giáo duy nhất của toàn bộ thế giới trần tục”. Bởi thế, mọi tín ngưỡng khác với Hồi giáo đều là “tà đạo” hoặc “vô đạo”!

Từ đó, Hồi giáo nguyên gốc tự xác định cho mình “sứ mệnh” phải đưa toàn thế giới trở lại với những giá trị nguyên bản của Hồi giáo - tôn giáo mà họ coi là “duy nhất” của đức thánh Allah!

Từ đầu thế kỷ 20, khi bắt đầu xuất hiện đường biên giới quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi, hệ tư tưởng Hồi giáo chính trị cũng bắt đầu hình thành và phát triển. Những người theo “Hồi giáo chính trị” đã kết hợp Hồi giáo với sự nghiệp xây dựng quốc gia và các yếu tố chính trị.

Hồi giáo bỗng nhiên trở thành một yếu tố cấu thành bản sắc quốc gia theo quan niệm hiện đại. Nghĩa là Hồi giáo không còn đơn thuần chỉ là một tôn giáo mà đã tham gia vào cuộc chiến chính trị do các đế quốc phương Tây áp đặt.

Chính vì không chấp nhận thực tế đó, từ năm 1996 Osama Bin Laden đã rời bỏ quê hương Saudi Arabia để dấn thân vào cuộc thánh chiến không biên giới. Những người cực đoan nhất, mà đại diện “hiện hữu” là Osama Bin Laden, chủ trương phải dùng “thánh chiến” (jihad) để đạt được mục tiêu khôi phục Hồi giáo nguyên gốc trên phạm vi toàn cầu.

Phân hóa theo thời gian

Một số trí thức Hồi giáo yêu nước thành lập ra các đảng chính trị. Một số khác vẫn không chấp nhận hình thức “đảng chính trị”. Họ muốn giữ bản chất “nguyên gốc” mang màu sắc chính trị bằng cách hình thành các “phong trào Hồi giáo”, mà điển hình là “Phong trào Anh em Hồi giáo” ra đời tại Ai Cập năm 1928.

Các đảng chính trị mang bản sắc Hồi giáo và các phong trào Hồi giáo này đóng vai trò không thể thiếu của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc tại thế giới Ả Rập trong suốt thế kỷ 20.

Năm 1979, lần đầu tiên xuất hiện một hình thái nhà nước Hồi giáo trong đó Hồi giáo nguyên gốc làm nền tảng cho một thể chế cộng hòa, đó là Cộng hòa Hồi giáo Iran do đại giáo chủ Khomeini sáng lập.

Bước sang thế kỷ 21, Hồi giáo chính trị có bước chuyển biến đột phá, đó là một số tổ chức Hồi giáo nguyên gốc chấp nhận tham gia các cuộc tổng tuyển cử theo truyền thống dân chủ phương Tây, với mục tiêu giành chính quyền tại các quốc gia mà Hồi giáo nguyên gốc vốn không chấp nhận hình thái chính quyền ấy.

Điển hình của hiện tượng này là phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, phong trào Hamas ở Palestine, tổ chức Hezbullah ở Libăng và các tổ chức Hồi giáo khác nhau ở Iraq.

Nhưng Hồi giáo nguyên gốc “chính hiệu” vẫn tồn tại và càng ra sức cưỡng lại mọi biểu hiện “biến thể” nêu trên, với những mức độ cứng rắn và cực đoan cũng khác nhau. Osama Bin Laden chính là thủ lĩnh của trào lưu cưỡng lại này.

Một số tổ chức Hồi giáo nguyên gốc đang hoạt động mang màu sắc khủng bố hiện nay: al-Qaeda và các chi nhánh ở Yemen, Syria, Tây Ả Rập; Shabab ở Somalia; Hezbullah ở Libăng; Hamas và Jihad ở Palestine; Ansar Sharia ở Tunisia, Libya, Algeria; Beit al-Maqdas ở Sinai Ai Cập; Taliban ở Afghanistan và Pakistan; Jamaa Islamiyah ở Pakistan; Jamaa Islamiya ở Đông Nam Á...

Mỹ lập liên minh, IS vươn sang Nam Á

"Vấn đề là chúng tôi không biết nhiều về nhân vật đang đại diện cho IS ở khu vực này"

Một quan chức cấp cao của Cục Tình báo Ấn Độ thừa nhận

Tổng thống Mỹ Barack Obama liên tiếp đưa ra các thông điệp sẽ tiêu diệt tận gốc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Sau khi có được sự ủng hộ từ nhiều đồng minh phương Tây, Mỹ cũng có thêm cái gật đầu từ các nước Ả Rập trong khu vực. Liên đoàn Ả Rập (AL) đã cam kết thực hiện “các biện pháp cần thiết” nhằm đối phó với IS.

Vì lẽ đó, mọi người đang chờ xem Tổng thống Obama sẽ công bố kế hoạch cụ thể như thế nào để tiêu diệt IS vào ngày 10-9.

Trong khi đó, sách hướng dẫn tuyên truyền và cờ hiệu của IS đang xuất hiện công khai ở khu vực biên giới của Pakistan và Ấn Độ, tín hiệu cho thấy IS đang tuyển mộ thêm phiến quân ngay trong lãnh địa của Taliban và al-Qaeda.

Nhằm đẩy mạnh sự ảnh hưởng của mình ở khu vực Afghanistan - Pakistan, một nhánh có liên quan đến IS ở các địa phương này trong thời gian gần đây đang phát miễn phí sách giới thiệu về IS và kêu gọi thêm thành viên gia nhập tổ chức này ở thành phố Peshawar của Pakistan và miền đông Afghanistan.

Theo AFP, nhiều phiến quân trẻ tuổi đang bị cuốn hút vào IS chỉ vì họ ủng hộ “sự liều lĩnh và tàn bạo” của tổ chức này.

Giới chuyên gia an ninh cho rằng chính động thái này của IS đang thúc giục lãnh đạo của Al- Qaeda Ayman al-Zawahiri tuyên bố thành lập chi nhánh của tổ chức này ở Ấn Độ nhằm tăng cường sức mạnh “thánh chiến” ở khu vực Nam Á, nơi có khoảng 400 triệu người Hồi giáo. Những tín hiệu này đang đe dọa đến an ninh khu vực Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. (MỸ LOAN)

“Vũ khí” tử đạo

Một trong những nội dung cốt lõi của đức tin Hồi giáo là tin vào sự tồn tại hiển nhiên của “thế giới trần tục” và “thế giới bên kia”. Mọi tín đồ Hồi giáo ngoan đạo đều thành tâm tu nhân tích đức làm tròn bổn phận khi còn ở “thế giới trần tục” và ước nguyện khi sang “thế giới bên kia” sẽ được lên thiên đàng - nơi có sự tồn tại vĩnh cửu.

Bởi thế, Hồi giáo coi việc tín đồ tự sát - tự kết liễu đời mình ngoài sự sắp đặt của thánh, cũng là một tội lỗi. Nhưng Hồi giáo cũng có một triết lý khác: tử vì đạo là một vinh hạnh tột cùng và tất yếu được lên thiên đàng khi sang “thế giới bên kia”.

Điều này lý giải vì sao các nhóm khủng bố mang danh Hồi giáo thường sử dụng phương sách “đánh bom tự sát” để chống lại kẻ thù của họ.

Với một đức tin như thế, các tín đồ Hồi giáo nguyên gốc luôn tự hào về những hành động mà họ đã làm “để phụng sự thánh Allah” của họ, bất kể người khác nhìn nhận thế nào về những hành động ấy.

Điều này lý giải vì sao các tay khủng bố nhân danh Hồi giáo không hề tìm cách che giấu những hành động bị cả thế giới coi là tội ác ghê tởm, khủng khiếp mà họ đã và đang thực hiện.

Hơn nữa, họ thường xuyên muốn quảng bá công khai và rộng rãi rằng chính họ đã làm như thế. Những kẻ khủng bố nhân danh Hồi giáo này coi việc làm tàn bạo của họ là “vinh dự trời cho”, là “thực thi nghĩa vụ cao cả” của một tín đồ đối với tôn giáo.

Trang mạng al-Arabiyah.net từng cho biết năm người đang bị giam tại nhà tù Guantanamo (Cuba) về tội khủng bố vì liên quan tới “vụ 11-9”, đã công khai công nhận “chúng tôi là những kẻ khủng bố từ trong máu thịt”. Họ biện luận những việc làm của họ là “vì đức tin với Allah” và “để dâng lên Allah”. Ra tòa, Khaled Sheikh Mohammed, một trong năm tù nhân đó, đã công nhận chính ông ta là “kỹ sư thiết kế” của kế hoạch khủng bố ngày 11-9 trên đất Mỹ.

Trong một thế giới bùng nổ thông tin như hiện nay mà vẫn tồn tại những con người luôn suy nghĩ và hành động trung thành với đức tin của họ như thế thì không dễ gì lay chuyển được đức tin của họ.

Những hành động khủng bố nhân danh “đức tin” ấy thật tai hại cho nhân loại văn minh trong thời đại hiện nay. Nhưng nhân loại văn minh cũng buộc phải ứng xử với điều tệ hại ấy như một tồn tại khách quan cho đến đầu thế kỷ 21.

Kỳ 2: Nhà nước Hồi giáo - đỉnh điểm của cực đoan

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên