24/07/2015 10:22 GMT+7

Tính toán thu hồi tài sản tham nhũng của Giang Kim Đạt

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Đó là vấn đề được đề cập trong cuộc họp báo của Thanh tra Chính phủ sáng 23-7.

* Hơn 1 triệu người kê khai tài sản, 5 người không trung thực

Ông Ngô Mạnh Hùng (đứng) tại cuộc họp báo sáng 23-7 - Ảnh: V.V.Thành

Tại đây, trả lời câu hỏi của báo chí, ông Ngô Mạnh Hùng (phó cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ) nói qua thông tin ban đầu cho thấy trong vụ Giang Kim Đạt tham ô, cơ quan chức năng xác định đối tượng có tài sản ở nước ngoài và muốn thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài thì giữa hai nước phải có cơ chế tương trợ tư pháp.

Theo ông Hùng, có hiệp định tương trợ tư pháp được ký kết với Singapore thì việc thu hồi tài sản sẽ thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, Singapore và Việt Nam là hai quốc gia đã ký kết công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng, trong công ước đã có những nền tảng cho việc hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong thu hồi tài sản tham nhũng.

“Hơn nữa, mới đây cơ quan chống tham nhũng của Singapore đã có trao đổi với Thanh tra Chính phủ liên quan nội dung này, tôi biết được cả hai cơ quan đều rất tích cực theo dõi để xử lý việc này.

Nhưng vì vụ việc đang trong quá trình điều tra, nên thông tin về tài sản cũng như tính chất tham nhũng hay liên quan như thế nào phải chờ các cơ quan tố tụng kết luận, tiến tới sẽ có bước thu hồi tài sản theo quy định” - ông Hùng nói.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngày 21-7 Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã tiếp và hội đàm với đoàn đại biểu cấp cao Cơ quan điều tra hành vi tham nhũng Singapore (CPIB) do ông Wong Hong Kuan, giám đốc CPIB, làm trưởng đoàn.

Cùng với các cơ chế nêu trên, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 23-7, một lãnh đạo Ban Nội chính trung ương cho biết thêm hiện nay Singapore và Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN.

Đây là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự giữa các quốc gia Đông Nam Á, là cơ sở pháp lý quan trọng trong hoạt động hợp tác phòng chống tội phạm trong khu vực, ví dụ như với trường hợp Giang Kim Đạt.

Trong số phạm vi tương trợ của hiệp định này có nội dung về việc xác định hoặc truy tìm tài sản do phạm tội mà có và phương tiện phạm tội; thu hồi, tịch thu tài sản do phạm tội mà có...

Cung cấp thêm thông tin, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết cuộc thanh tra Vinashin của Thanh tra Chính phủ tiến hành năm 2010, lúc đó Giang Kim Đạt đã trốn ra nước ngoài.

Thanh tra Chính phủ đã và đang phối hợp với cộng đồng quốc tế xây dựng cơ chế và các quy định để không những tham nhũng không xảy ra, mà còn ngăn chặn việc tẩu tán tài sản và trốn đi nước ngoài.

Tại cuộc họp báo, Thanh tra Chính phủ cho biết đã tổng hợp kết quả minh bạch tài sản, thu nhập năm 2014 của các bộ, ngành, địa phương theo quy định.

Theo đó, tính đến ngày 10-7-2015 có 98 cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả minh bạch tài sản, thu nhập năm 2014 về Thanh tra Chính phủ.

Kết quả có hơn 1 triệu người đã kê khai (đạt 99,6%), có 998.827 bản đã công khai (đạt 98,4%), 320.050 bản đã công khai theo hình thức niêm yết (đạt 32,4%), 668.777 bản đã công khai theo hình thức công bố (đạt 67,6%).

Có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập, 5 người bị kết luận không trung thực.

Bài học bổ nhiệm cán bộ

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh - Ảnh: V.V.Thành

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi liên quan quy trình bổ nhiệm một số cán bộ ở các tập đoàn, ví dụ như ở Tập đoàn Dầu khí với trường hợp nguyên chủ tịch HĐTV Nguyễn Xuân Sơn và trước đó là nguyên chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh nói:

“Theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ, trong đó có câu chuyện đề bạt, bổ nhiệm, chắc chắn với vị trí nào, dù thấp hay cao đều phải thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Về nguyên tắc là như vậy”.

Cho biết không thể trả lời câu hỏi cụ thể về các trường hợp đã nêu, nhưng theo ông Ngô Văn Khánh thì với chức năng nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ, cơ quan này thường xuyên được tham khảo, hỏi ý kiến khi các cơ quan bổ nhiệm cán bộ có liên quan đến hoạt động thanh tra, liệu có phát hiện sai phạm hay có đơn thư tố cáo gì không.

Thanh tra Chính phủ làm theo quy trình chặt chẽ.

“Nếu như tổ chức có người được đề bạt mà cần ý kiến của Thanh tra Chính phủ thì chúng tôi thực hiện đầy đủ và rõ ràng. Khi phát hiện cán bộ có vi phạm ở thời kỳ trước bổ nhiệm là bài học chung cho các cơ quan chức năng trong quá trình quản lý cán bộ, làm sao kịp thời phát hiện và đánh giá vi phạm” - ông Khánh nói.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên