17/07/2015 09:38 GMT+7

Nghĩ từ khối "tài sản” khổng lồ của Giang Kim Đạt

DIỆP VĂN SƠN
DIỆP VĂN SƠN

TT - Khối tài sản khổng lồ do tham ô của Giang Kim Đạt trong vụ án tham nhũng tại Vinashin quả đã khiến nhiều người phải rùng mình. Vấn đề là làm sao để ngăn ngừa những vụ tham ô như thế này?

Bài viết về "tài sản" của Giang Kim Đạt trên Tuổi Trẻ Online

Theo Cục An ninh kinh tế tổng hợp (Bộ Công an), gia đình Giang Kim Đạt sở hữu đến 40 biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai có vị trí đắc địa cùng nhiều ôtô đắt tiền do người thân đứng tên. Ngoài ra, Đạt đứng tên mua căn hộ tại Singapore có giá lên tới 3,6 triệu USD.

Vụ án này rồi đây sẽ được xét xử nghiêm minh với mức án thích đáng. Tuy nhiên, để công tác phòng chống tham những thật sự đạt hiệu quả, quyết tâm đưa các vụ án ra xét xử nghiêm minh là chưa đủ, mà cần phải tìm giải pháp bịt các “lỗ hổng” tồn tại lâu nay nhưng chậm và chưa cương quyết bịt.

Lộ nhiều “lỗ hổng” về quản lý

Việc tham ô của Giang Kim Đạt và đồng phạm cũng như qua các vụ án đã được xét xử cho thấy đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn được chú trọng ở "phần ngọn", khi mà hành vi phạm tội đã hoàn thành và để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều lỗ hổng trong quản lý kinh tế, nhất là tại các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước, chỉ được phát hiện sau khi hành vi phạm tội hoàn thành và các bị cáo đã bị đưa ra xét xử.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức không hiệu quả, mang tính hình thức. Công tác quản lý cán bộ thiếu chặt chẽ và việc tự thanh tra, kiểm tra qua đó phát hiện sai phạm tại cơ quan, đơn vị không phát huy hiệu quả. Điều này dẫn đến hầu hết các vụ tham nhũng đều do cơ quan bảo vệ pháp luật và báo chí phát hiện phanh phui, còn các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài đều do cơ quan chức năng nước ngoài phát hiện và đề nghị Việt Nam phối hợp điều tra xử lý.

Bên cạnh việc điều tra, xét xử tội phạm tham nhũng, điều quan trọng là hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm bịt kín những “lỗ hổng” trong quản lý kinh tế, cũng như tăng cường giám sát cơ chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước, các vị trí "nhạy cảm" dễ phát sinh tham nhũng.

“Lỗ hổng” trách nhiệm

Trong vụ tham ô của Giang Kim Đạt, dư luận đặt dấu hỏi việc quản lý nhân sự ở doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như Vinashin là các cán bộ có được kiểm soát về đời sống đạo đức, tài sản? Vì sao có sự “tin cậy” để giao cho Hoàng Kim Đạt đàm phán với dự án lớn như vậy và việc đàm phán có được giám sát ?...

Đi vào các câu hỏi này sẽ đụng chạm đến một vấn đề rất phức tạp, đó là quản lý DNNN. Quản lý DN cần có mẫu số chung, nhưng hiện nay DNNN và DN khác được quản lý theo “hai sân chơi” khác nhau. Nếu tồn tại điều này thì DNNN mãi mãi vẫn rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, người ta tha hồ tạo kẽ hở để đục khoét!

Hiện nay lại có sự lẫn lộn giữa đại diện chủ sở hữu và quản lý của Nhà nước dẫn tới tình trạng không có căn cứ pháp lý để xử lý sự tùy tiện, kỷ luật tài chính không chặt chẽ tại DNNN.

Cách phân cấp quản lý theo ngành, lĩnh vực được áp dụng cho cả DNNN cũng dẫn đến thực trạng gây bức xúc dư luận là không có cơ quan nào có đầy đủ quyền và chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động của các DNNN khi xảy ra các vụ việc xấu, điển hình như trong vụ Vinashin.

Kém hiệu quả, thất thoát là “căn bệnh cần điều trị khẩn cấp” của các DNNN bằng “liều thuốc” pháp lý thông qua xây dựng văn bản pháp quy về cơ chế thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu của Nhà nước đối với DNNN để xử lý mối quan hệ nội bộ giữa DN và sở hữu chủ.

“Lỗ hổng” chuyển dịch tài sản

Quá trình điều tra vụ án Giang Kim Đạt, cơ quan an ninh điều tra cũng phát hiện thủ đoạn chuyển nguồn tiền lớn về cho bố đẻ của Đạt là ông Giang Văn Hiển đứng tên. Dòng tiền chuyển vào tài khoản của ông Hiển được chuyển từ nước ngoài, thông qua việc mở các tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau ở trong và ngoài nước.

Chúng ta còn để kẽ hở rất lớn cho tham nhũng đó là chưa kiểm soát được sự dịch chuyển tài sản. Khi vụ việc bị phát hiện thì khối tài sản lớn của Nhà nước đã bị tẩu tán hết, chia cho người thân, con cái đứng tên.

Tài sản, thu nhập dịch chuyển không được kê khai, kiểm soát kịp thời chính là kẽ hở của tham nhũng. Cũng đã có nhiều cảnh báo hiện tượng dịch chuyển tài sản ra nước ngoài, cho người thân, con cái của những người tham nhũng đứng tên.

Để xác minh điều đó cũng không khó, nhưng quan trọng là phải ngăn chặn từ gốc sự dịch chuyển, tẩu tán tài sản tham nhũng đó, nên cần có cơ chế kiểm soát sự dịch chuyển đó càng sớm càng tốt.

Không thể tưởng tượng

Đã có 273 ý kiến phản hồi của bạn đọc với rất nhiều ý kiến bày tỏ sự phẫn nộ về vụ tham ô này.

Bạn đọc Minh Hương đã kêu lên: “Thật là khủng khiếp, dân mình còn khổ quá chừng, vậy mà những người này lại tham ô, tham nhũng vậy đó”.

Bạn đọc Lê Phương Bình bày tỏ: “Đọc bài viết này mình thật là buồn và giận. Dân tộc trải qua biết bao cuộc kháng chiến để giành độc lập, đất nước ta trong quá trình phát triển cần phải đi vay nước ngoài rất nhiều. Tất cả nợ đó mỗi người dân phải có trách nhiệm trả, có thể đến đời con cháu chưa trả xong nữa. Vậy mà chỉ một trưởng phòng của Vinashin đã tham ô số tiền như thế rồi, thử hỏi nếu còn nhiều người như thế nữa thì đất nước sẽ ra sao?”.

Nhiều bạn đọc đã ngạc nhiên với chuyện tham ô quá dễ dàng như thế. Bạn đọc V.N.K. viết: “Mới làm có hai năm mà đã bỏ túi được 18 triệu USD, thật tình dân đen như tôi không thể tưởng tượng được!”. Còn bạn đọc Nguyễn Dung thì bày tỏ: “Nghe thật đau lòng, sao mà dễ dàng lấy triệu, triệu đôla như vậy? Đây mới là chức trưởng phòng thôi! Dân nộp thuế bao nhiêu cho đủ?”.

Đề nghị phải xử nghiêm vụ này để góp phần răn đe những trường hợp tham nhũng khác là số đông ý kiến bạn đọc.

“Hãy xử lý theo đúng với pháp luật, trừng trị những kẻ không có đạo đức như thế. Hãy lấy sự công bằng ra làm chuẩn mực để trị tội những con người không có nhân cách như thế”, bạn đọc Trịnh Sơn đề nghị.

Bạn đọc Phạm Long bổ sung: “Mong cho các đại biểu Quốc hội sáng suốt đừng bỏ án tử hình cho tội tham nhũng. Ngoài ra, nên thu hồi toàn bộ tài sản bất chính do tham ô mà có, kể cả tài sản đứng tên người khác. Có như vậy mới răn đe được những kẻ khác”.

N.N. tổng hợp

DIỆP VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên