12/09/2023 06:40 GMT+7

Tính phí bảo hiểm bắt buộc theo lịch sử bồi thường: Hay nhưng... ít tác dụng

BÔNG MAI
và 1 tác giả khác

Phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới sẽ không còn "cào bằng" như trước mà được tính trên lịch sử bồi thường bảo hiểm của từng xe, lịch sử gây tai nạn của chủ xe với mức tăng/giảm tối đa lên tới 15%...

Cảnh sát giao thông xử lý vụ tai nạn giao thông tại Hóc Môn (TP.HCM) - Ảnh: ĐẠI VIỆT

Cảnh sát giao thông xử lý vụ tai nạn giao thông tại Hóc Môn (TP.HCM) - Ảnh: ĐẠI VIỆT

Đây là một trong những nội dung quan trọng tại nghị định 67, quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, vừa được ban hành vào đầu tháng 9-2023 và có hiệu lực ngay. Tuy nhiên, xoay quanh cách tính phí của quy định mới vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận.

Chưa thoát tâm lý mua để đối phó

Anh Minh An (32 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM), chủ sở hữu ô tô bốn chỗ nhãn hiệu Chervolet Cruze, cho biết việc mua bảo hiểm khá quan trọng để hạn chế tối đa những thiệt hại khi va chạm trong quá trình lưu thông. Dù vậy, những năm qua, ngoài khoản tiền nhận được từ việc sơn lại các vết trầy của xe - quyền lợi của bảo hiểm vật chất xe (tự nguyện), còn lại xe của anh không xảy ra va chạm gì.

Trong đó, với bảo hiểm vật chất, theo anh An, khách hàng không thể thương lượng khi nhân viên bảo hiểm "định giá" mức bảo hiểm và số tiền phải đóng dựa trên đời xe, hiện trạng trầy xước, xe va chạm...

Riêng bảo hiểm bắt buộc, anh An cho biết gần như mua để phòng cảnh sát giao thông kiểm tra cũng như phòng chẳng may va chạm với người khác...

"Đi trên đường tất nhiên sẽ có những rủi ro va quẹt, tai nạn nhỏ. Với mức phí 15% tăng - giảm như quy định mới, tôi thấy không đáng là bao. Chẳng hạn, bảo hiểm bắt buộc cho ô tô cá nhân không chạy vận tải mức thấp nhất chỉ có 437.000 đồng, nếu tăng/giảm 15% cũng chỉ thêm hoặc bớt 65.000 đồng, không nhiều lắm. Tài xế chạy giữ gìn xe, cẩn thận, không va chạm, nhưng không biết có gì đảm bảo là sẽ được bên bán giảm phí trong lần mua tới", anh An chia sẻ.

Trong khi đó, lãnh đạo một số doanh nghiệp thuộc ngành logistics, vận tải taxi... đều cho rằng tăng/giảm phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên mức phí bảo hiểm theo quy định mới chưa tạo ra sự chênh lệch đáng kể, chưa mang tính răn đe cao nhằm ngăn chặn tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu..., giải quyết câu chuyện lái xe an toàn.

Ông Trần Văn Thành, tổng giám đốc Công ty CP vận tải Á Châu (quận 12), cho hay doanh nghiệp đang vận hành các loại xe container, xe đầu kéo và xe vận tải với mức phí bảo hiểm bắt buộc từ 1,6 - 2,7 triệu đồng/chiếc (tùy loại xe).

Tuy nhiên, bảo hiểm bắt buộc chỉ mua bổ sung cho đầy đủ giấy tờ khi lưu thông, bởi rất ít khi nhận được bồi thường, chưa kể thủ tục giấy tờ rất phức tạp.

"Quan điểm của tôi muốn bảo hiểm phát huy được vai trò hữu ích. Bán cho người ta rồi khi có chuyện phải giải quyết chứ đừng tìm đủ mọi lý do để khách hàng chịu thiệt. Đừng tạo cảm giác cho doanh nghiệp, người dân mua đối phó, mua bảo hiểm mà không được hưởng", ông Thành nói.

Tổng giám đốc một hãng taxi tại TP.HCM cho biết, theo quy trình quản lý của công ty, nếu để xảy ra sự cố, tài xế sẽ chịu trách nhiệm 20%, bồi thường không quá 10 triệu đồng/vụ.

"Với quy định mới, công ty sẽ xem xét lại kỹ. Nếu không rà soát kỹ, mức tăng/giảm 15% sẽ làm đội chi phí lên rất nhiều khi hãng taxi có quy mô lớn hàng ngàn chiếc xe", vị này nói.

Nhiều chủ xe cho rằng cần minh bạch tỉ lệ bồi thường bảo hiểm bắt buộc của chủ xe cơ giới - Ảnh: ĐÌNH TRỌNG

Nhiều chủ xe cho rằng cần minh bạch tỉ lệ bồi thường bảo hiểm bắt buộc của chủ xe cơ giới - Ảnh: ĐÌNH TRỌNG

Mức tăng thêm chưa gây sốc

Dù thừa nhận bảo hiểm bắt buộc đối với xe cơ giới thời gian qua chưa phát huy được tác dụng, nhưng các doanh nghiệp vận tải cho rằng mức tăng/giảm 15% như quy định mới là chưa đủ sức răn đe, chưa đánh vào túi tiền của tài xế để góp phần ngăn chặn tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, thường xuyên gây tai nạn...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán cho rằng việc xóa "cào bằng" mức đóng phí bảo hiểm bắt buộc của chủ xe cơ giới là một chuyển biến tích cực về chính sách, song cách tính phí với mức cộng trừ 15% như trên là chưa hợp lý, chưa tạo ra sự công bằng rõ rệt giữa tài xế lái xe cẩn thận và những người lái ẩu.

"Việc tăng/giảm phí như vậy không ý nghĩa gì lớn với người lái xe, chỉ tác động đến nội bộ công ty bảo hiểm. Chẳng hạn, nếu đâm vào xe người khác nhiều lần, thay vì mua bảo hiểm bắt buộc ở công ty này với giá 1 triệu đồng, khách hàng hoàn toàn có thể chọn mua ở công ty khác với giá 900.000 đồng, dẫn đến sự cạnh tranh về phí giữa các công ty bảo hiểm, khách hàng vẫn lái xe ẩu như thường", ông Đán nói.

Cũng theo ông Đán, một nghịch lý là việc tính phí bảo hiểm chủ yếu dựa vào xe (số chỗ, dùng để làm gì...). Như vậy, một người dù có cẩn thận tới đâu, chưa từng gây tai nạn cho ai, nhưng khi mua bảo hiểm... vẫn bị tăng phí do sử dụng chiếc xe cũ.

Trong khi đó, mức phí bảo hiểm bắt buộc của chủ xe cơ giới lẽ ra không nên tính "cào bằng" mà có sự chênh lệch lớn giữa người lái xe an toàn và người lái ẩu.

"Thậm chí, cần tính điểm lái xe để mua bảo hiểm, cũng giống như tính điểm tín dụng khi vay ngân hàng. Cần phải nhấn mạnh rằng xe không lái ẩu mà người mới lái ẩu. Bán bảo hiểm phải gắn với người thông qua mã số căn cước công dân, chứ không phải gắn vào xe. Phải định giá dựa trên rủi ro của người lái xe kinh doanh và người lái xe thông thường, người lái cẩn thận và người lái ẩu", ông Đán đề xuất.

Một số chuyên gia bảo hiểm cũng cho rằng thời gian qua các công ty bảo hiểm đã cải thiện quy trình bồi thường nhưng chỉ mang tính trượng trưng. Điều quan trọng là trong thực tế người dân phải được chi trả bồi thường một cách thuận lợi, dễ dàng, không bị bắt ép phải mua bảo hiểm nhưng ít dùng tới vì thủ tục rườm rà.

"Để đảm bảo quyền lợi cho người được bồi thường, cân bằng nguồn quỹ chi trả, mức giảm phí bảo hiểm bắt buộc có thể không quá sâu, nhưng mức tăng đối với tài xế lái xe ẩu phải cao", một chuyên gia gợi ý.

Mức tăng/giảm tối đa từ 65.000 - 720.000 đồng/năm với ô tô

Theo nghị định mới, căn cứ vào lịch sử bồi thường bảo hiểm của từng xe cơ giới hoặc lịch sử gây tai nạn của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét điều chỉnh tăng/giảm phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên mức phí bảo hiểm quy định.

Tại phụ lục 1 ban hành kèm theo nghị định này, phí bảo hiểm đối với xe máy dưới 50cc là 55.000 đồng/năm, từ 50cc trở lên là 60.000 đồng/năm và xe máy điện là 55.000 đồng/năm. Với ô tô không kinh doanh vận tải, phí bảo hiểm bắt buộc từ 437.000 đến hơn 1,8 triệu đồng/xe/năm tùy số chỗ.

Với ô tô kinh doanh vận tải, phí bảo hiểm bắt buộc dao động từ 756.000 đồng đến hơn 4,8 triệu đồng (25 chỗ trở xuống)/xe/năm, riêng xe 25 chỗ trở lên có mức phí cao hơn. Xe tải chở hàng có phí bảo hiểm bắt buộc từ 853.000 đồng đến 3,2 triệu đồng/năm.

Như vậy, mức tăng/giảm phí bảo hiểm bắt buộc với ô tô không kinh doanh vận tải thấp nhất là hơn 65.000 đồng/năm và cao nhất là 270.000 đồng/năm. Với ô tô vận tải, mức phí tăng/giảm thấp nhất là hơn 113.000 đồng/năm và cao nhất 720.000 đồng/năm.

Theo quy định, khi rủi ro xảy ra, sản phẩm bảo hiểm bắt buộc này sẽ giúp chủ xe có tiền trả cho nạn nhân bị thiệt hại về người và tài sản.

Phải công khai tỉ lệ bồi thường với bảo hiểm bắt buộc

Theo các chuyên gia, để loại hình bảo hiểm bắt buộc phát huy tác dụng và được sử dụng một cách minh bạch, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) phải thể hiện rõ trách nhiệm của mình.

Đó là phải công bố tỉ lệ bồi thường rõ ràng, tách phần bồi thường xe máy, ô tô để người dân tiện theo dõi và so sánh. Đặc biệt, phải có cổng thông tin tiếp nhận những trường hợp phản ánh không được bồi thường cũng như cập nhật quá trình giải quyết cho người dân.

Ngành bảo hiểm e ngại pin xe điệnNgành bảo hiểm e ngại pin xe điện

Pin xe điện có chi phí thay thế tốn kém, làm tăng số tiền cần đóng bảo hiểm và gây hại cho môi trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên