02/12/2016 10:55 GMT+7

Tình hình Biển Đông: Vẫn thiếu lòng tin

QUỲNH TRUNG ghi
QUỲNH TRUNG ghi

TTO - Chính sách xây dựng lòng tin là từ rất lâu rồi nhưng khi nói đến tình hình Biển Đông “thì vẫn thế”. 

Tôi là một trong số các học giả được mời tham dự hội thảo “Hướng đến những vùng biển mở và tự do tại châu Á: Thượng tôn pháp luật và hợp tác quốc tế” do Học viện Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản và Đại sứ quán Anh đồng tổ chức tại Hà Nội ngày 29-11.

Những cuộc hội thảo như thế này đều có thông điệp hướng về Trung Quốc và nó được tổ chức với mục đích không để vấn đề Biển Đông bị trôi đi. Thông điệp chính của các học giả tại hội thảo ngày 29-11 chính là “Trung Quốc phải tuân thủ pháp quyền bởi vì đó chính là lợi ích của nước này”.

Các học giả Nhật Bản nhấn mạnh sự quan ngại về tự do hàng hải ở Biển Đông, bởi vì tự do hàng hải tác động trực tiếp đến an ninh và kinh tế của nước này.

Trong khi đó, một học giả Anh nhấn mạnh bảo đảm các bên tôn trọng pháp quyền ở Biển Đông cũng chính là lợi ích và quan tâm của nước Anh.

Có thể khẳng định kênh học giả luôn có hiệu quả trong việc gây áp lực buộc Trung Quốc điều chỉnh hành vi.

Mong muốn mở rộng ảnh hưởng và từng bước lấn chiếm ở Biển Đông của Trung Quốc là có thật. Thế nhưng mong muốn này có đạt được hay không còn phụ thuộc vào phản ứng của các nước trong và ngoài khu vực, trong đó kênh học giả đóng vai trò quan trọng.

Hội thảo ngày 29-11 có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Đại diện này nêu lại lập trường của Bắc Kinh một cách nhẹ nhàng rằng tình hình gần đây trên Biển Đông đã hòa hoãn hơn.

Trung Quốc đã có thỏa thuận với Philippines nhằm giải quyết rất nhiều vấn đề, chính sách trên biển và quan trọng là đã gác lại (những phản ứng về) phán quyết.

Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận với ASEAN về việc thúc đẩy, hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) dự kiến trong năm 2017.

Và cuối cùng, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp trên biển lâu rồi, thế nên các nước bên ngoài khu vực không cần thiết can thiệp vào.

Tuy nhiên, các đại biểu nhận định tình hình hòa dịu ở Biển Đông hiện tại chỉ là vấn đề tạm thời.

Nhiều ý kiến cho rằng sau hai năm, ba năm, hoặc thậm chí năm năm, tình hình Biển Đông sẽ nóng trở lại bởi vì những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn vẫn còn nguyên, chưa được giải quyết do thiếu lòng tin và giải pháp bền vững.

Chung quy, các học giả cho biết chính sách xây dựng lòng tin là từ rất lâu rồi nhưng khi nói đến tình hình Biển Đông “thì vẫn thế”.

Và việc thiếu lòng tin chắc chắn dẫn đến khó khăn trong việc đưa ra các giải pháp bền vững thúc đẩy hợp tác.

TS HÀ ANH TUẤN - Giám đốc TT Nghiên cứu chính sách, Viện Biển Đông

QUỲNH TRUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên