Như Tổng bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh việc tinh giản gọn nhẹ bộ máy hệ thống chính trị Đảng, Nhà nước, đoàn thể là "cuộc cách mạng" và cũng góp phần chống lãng phí.
Sâu xa hơn, đây là việc cần làm nhằm mục đích nước ta bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển. Việc thực hiện chủ trương sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy lúc này là việc không thể trì hoãn, nhất định phải làm và làm sớm.
Việc tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị ở nước ta không phải mới là lần đầu nhưng thực tế cho thấy trước đây chưa được như các mục tiêu đề ra. Trong đó có nguyên nhân chưa kiên định thực hiện triệt để, chưa có phương pháp thực sự phù hợp... Sau nhiều lần thực hiện tinh giản, bộ máy cơ quan lãnh đạo và quản lý có lúc có nơi lại phình to trở lại, việc này làm giảm ý nghĩa và hiệu quả chủ trương.
Hạn chế này có thể thấy rõ như trong hệ thống các cơ quan Đảng, các ban Kinh tế, Nội chính sau thời gian giải thể lại được thành lập từ trung ương tới địa phương. Tương tự là sự "nhập, tách", bỏ rồi thành lập lại nhiều sở (ở cấp tỉnh).
Dù Nhà nước phải chi khá lớn để động viên, khuyến khích tinh giản biên chế nhưng số lượng cán bộ, công chức, viên chức vẫn ngày càng đông. Không ít người vẫn "sáng cắp ô đi chiều cắp ô về". Đây thực sự là một gánh nặng đối với ngân sách nhà nước và sức dân.
Hiệu quả chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế công chức là không thể phủ nhận. Từ khi các bộ Lâm nghiệp, Thủy lợi, Thủy sản bị giải thể, sáp nhập vào Bộ Nông nghiệp, chẳng những các lĩnh vực ấy không sa sút mà còn phát triển mạnh như: diện tích rừng trồng, độ che phủ rừng, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lâm sản, thủy sản...
Dù không còn bộ thủy lợi, nước ta vẫn đầu tư xây dựng được nhiều công trình thủy nông tầm cỡ chưa từng có với hiệu quả tưới tiêu, ngăn mặn... ở nhiều nơi trên cả nước.
Việc Ban Bí thư chủ trương quán triệt, chỉ đạo thực hiện sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy và đội ngũ công chức lần này có thuận lợi lớn là thời điểm đầu năm mới 2025 và đặc biệt khi các cấp, ngành bầu ra nhân sự mới. Đây là bối cảnh, điều kiện để các cấp, các ngành, đơn vị củng cố, kiện toàn, tổ chức lại hệ thống cơ quan, đổi mới về tổ chức, hoạt động để nâng tầm và nâng chất cán bộ đảng viên.
Bên cạnh thuận lợi kể trên, chủ trương sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy và đội ngũ công chức cũng đối mặt những khó khăn lớn, thách thức lớn. Một trong những khó khăn, thách thức ấy là tâm lý, tinh thần, thái độ và cả sức ì của bộ phận không nhỏ "người trong cuộc".
Hiện nay là thời cơ và vận hội để nước ta bước vào kỷ nguyên mới "Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo. Tổ chức thực hiện thành công chủ trương, kế hoạch, mục tiêu tinh gọn bộ máy lãnh đạo, điều hành các cấp và đội ngũ cán bộ công chức cũng là "việc cần làm ngay"?
Giảm cấp phó, tăng cường cán bộ giỏi
Trung ương đang có một cuộc cách mạng về nhân sự. Đây là việc rất khó, chứa đầy thử thách ở phía trước. Tôi xin có một số đề xuất sau:
- Không tinh gọn theo số lượng mà nhìn vào thực chất, thực tiễn phát triển. Các ban đảng cấp ủy, mặt trận, hội đồng nhân dân, hội đoàn... mới thật sự làm phình to bộ máy. Các sở ngành cần tăng cường cán bộ, chuyên viên có năng lực tốt hơn, hiệu quả năng suất hơn mức cũ, từ đó làm cơ sở tăng lương công chức giỏi (một người giỏi có năng suất làm việc bằng 2-3 người yếu kém).
- Giảm phó, chúng ta đang có quá nhiều cấp phó từ cơ quan TW đến địa phương. Mỗi cơ quan TW theo cơ cấu nhân sự, bộ máy chỉ nên từ 1-2 cấp phó, các phòng ban trực thuộc cũng theo quy luật đó. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp phó, các trưởng phòng có quyền quyết định trong công việc (phù hợp chủ trương cán bộ dám nghĩ, dám làm, hành động vì lợi ích chung cho nhân dân, đất nước).
Tinh gọn nhân sự các hiệp hội
Cần phải mạnh dạn tinh gọn nhân sự các hội theo tinh thần của hội. Ngoại trừ các hội như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam..., các tổ chức hội khi thành lập phải bảo đảm tự chủ được kinh phí ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ gắn với nhiệm vụ được giao.
Mô hình của các hội hiện nay bao gồm lãnh đạo hội (chủ tịch và các phó chủ tịch) các ban chuyên môn và bộ phận giúp việc. Ví dụ Liên minh HTX thường định mức chỉ tiêu 10 - 11 nhân sự.
Thường tổ chức liên minh HTX tỉnh có ba chức danh lãnh đạo (chủ tịch và hai phó chủ tịch), hai chuyên viên tổng hợp báo cáo kế hoạch và hỗ trợ pháp lý cho thành viên. Còn lại 5-6 nhân sự làm công việc hỗ trợ như nhân sự, văn thư, kế toán, thủ quỹ, thi đua khen thưởng, lái xe.
Thực tế công việc của hội không nhiều như các sở chuyên ngành nhưng họ có đủ bộ máy như đã kể ở trên. Sở có kế toán hội có kế toán. Sở có văn thư hội cũng có văn thư. Vậy tại sao không gộp các hội đó lại thành một tổ chức?
Trong tổ chức mới thành lập ngoài việc giảm bớt cấp phó còn tinh giản được những cán bộ như văn thư, kế toán, thủ quỹ, thi đua khen thưởng, lái xe.
Làm được như vậy, ngân sách sẽ tiết kiệm mỗi hội ít nhất 6, 7 nhân sự phải trả lương. Tổ chức hội như vậy hi vọng sẽ tinh gọn và hiệu quả hơn rất nhiều.
Bạn có hiến kế, đề xuất giải pháp nào về việc tinh gọn bộ máy từ trung ương đến địa phương? Hãy gửi ý kiến của bạn về Tuổi Trẻ qua email ntu@tuoitre.com.vn. Tòa soạn sẽ chọn lọc đăng tải đề xuất của bạn để bạn đọc và cơ quan chức năng tham khảo.
TUỔI TRẺ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận