Mỹ không muốn xung đột với Trung Quốc
Đáp lại những cảnh báo trực tiếp gay gắt của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương, chính quyền Mỹ tuyên bố mối quan hệ với Bắc Kinh là cạnh tranh và sẽ không có gì thay đổi trong tương lai.
"Chúng tôi muốn một cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Chúng tôi không tìm kiếm xung đột. Chúng tôi muốn cạnh tranh và hướng đến việc giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh đó với Trung Quốc nhưng chúng tôi hoàn toàn muốn giữ nó ở cấp độ đó", Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nói ngày 7-3.
Ông Kirby cho biết Mỹ tôn trọng "chính sách một Trung Quốc" và không muốn thay đổi hiện trạng liên quan đến Đài Loan.
Trước đó, ông Tần Cương cảnh báo cùng ngày rằng nếu Mỹ không thay đổi thái độ thì sẽ có "xung đột và đối đầu".
Nhà ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Washington đàn áp và ngăn chặn Trung Quốc thay vì cạnh tranh công bằng, dựa trên luật lệ.
* Pháp, Mỹ thảo luận hợp tác đối phó với Trung Quốc. Trong thông báo ngày 7-3, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã điện đàm với Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp.
"Tổng thống Biden và Tổng thống Macron thảo luận về sự hợp tác giữa Mỹ và Pháp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như những nỗ lực chung nhằm giải quyết những thách thức do Trung Quốc đặt ra đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", thông báo viết.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về ủng hộ Ukraine, "bao gồm cam kết tiếp tục cung cấp hỗ trợ an ninh cho Ukraine và buộc Nga trả giá", và vấn đề khác như thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch.
Mỹ tiếp tục tấn công TikTok của Trung Quốc
* Nhà Trắng hoan nghênh dự luật mới cấm nền tảng TikTok của Trung Quốc. Thêm một dự luật liên quan công nghệ nước ngoài được ông Mark Warner - nhân vật cấp cao của Đảng Dân chủ ở Thượng viện Mỹ, và thượng nghị sĩ John Thune của Đảng Cộng hòa công bố ngày 7-3.
Dự luật lưỡng đảng "sẽ trao quyền cho Chính phủ Mỹ ngăn chặn một số chính phủ nước ngoài khai thác các dịch vụ công nghệ... theo cách gây rủi ro cho dữ liệu nhạy cảm của người Mỹ và an ninh quốc gia của chúng ta", Hãng tin AFP dẫn lời cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan.
Trước đó, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và thượng nghị sĩ Marco Rubio cũng đang thúc đẩy hai dự luật tương tự.
* 1,28 triệu người biểu tình phản đổi cái cách lương hưu ở Pháp. Căng thẳng liên quan đến kế hoạch nâng tuổi hưu của Tổng thống Emmanuel Macron tiếp tục leo thang với cuộc biểu tình toàn quốc ngày 7-3.
Chính quyền Pháp khẳng định thực hiện cải cách nhằm ngăn hệ thống hưu trí sạch tiền nhưng phía công đoàn cũng kiên quyết phản đối kế hoạch "bất công" này.
Bộ Nội vụ Pháp cho biết ước tính có khoảng 1,28 triệu người xuống đường, lớn nhất trong nhiều năm qua, để phản đối việc nâng tuổi nghỉ hưu thêm hai năm, lên 64 tuổi.
Đình công gây gián đoạn việc vận chuyển nhiên liệu, đóng cửa trường học và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giao thông công cộng khi tiếp diễn ngày 8-3 và cuối tuần này.
"Ý tưởng là đưa nước Pháp vào tình trạng bế tắc", ông Fabrice Michaud, thuộc chi nhánh công nhân đường sắt của công đoàn CGT, nhấn mạnh.
Theo AFP, khoảng 39% công nhân tại công ty điều hành đường sắt nhà nước SNCF tham gia đình công. Các tuyến xe buýt và tàu điện ngầm ở các thành phố lớn bị ảnh hưởng, cũng như các hãng hàng không, với 30% chuyến bay bị hủy.
Khoảng 24% nhân viên nhà nước ngừng làm việc và nhiều trường học đóng cửa khi giáo viên tổ chức đình công.
* Nga kiên quyết kiểm soát thị trấn Bakhmut ở Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng việc chiếm giữ thị trấn Bakhmut ở miền đông Ukraine là rất quan trọng để chọc thủng hệ thống phòng thủ của Kiev và cho phép các lực lượng của Matxcơva tiến công sâu hơn vào nước này.
"Việc giải phóng Artyomovsk (tên cũ của thị trấn Bakhmut thời Liên Xô) vẫn tiếp tục. Thị trấn này là một trung tâm phòng thủ quan trọng của quân đội Ukraine ở Donbass. Việc kiểm soát nó sẽ cho phép các hành động tấn công tiếp theo chọc sâu vào các tuyến phòng thủ của Ukraine", ông Shoigu nói.
Ngày 7-3, quân đội Ukraine nói Nga đã không kích, giội tên lửa và pháo xuống Bakhmut và các khu vực khác nhưng không thành công.
* Anh công bố dự luật mạnh tay với di trú bất hợp pháp. Dự luật, được Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman trình Quốc hội ngày 7-3, gửi thông điệp đến những người vượt eo biển Manche bằng thuyền nhỏ rằng họ sẽ bị bắt và bị trục xuất.
Cụ thể, người nhập cư bất hợp pháp vào Anh sẽ không được xin tị nạn và bị trục xuất về cố hương, đồng thời bị cấm nhập cảnh vào Anh sau này.
Chỉ trẻ em và người đang mắc bệnh được xin tị nạn. Dự luật cũng cho phép bắt giữ không bảo lãnh người nhập cư cho đến khi họ bị trục xuất.
Bất chấp lo ngại của các tổ chức và cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc, bà Braverman khẳng định dự luật phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ngăn chặn người nhập cư vượt biển bằng thuyền nhỏ là một trong năm ưu tiên của chính quyền Thủ tướng Rishi Sunak khi số người vượt eo biển Manche đến Anh bằng thuyền nhỏ đạt kỷ lục hơn 45.700 người vào năm 2022, tăng gấp 5 lần so với năm 2020, theo Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận