17/03/2024 06:35 GMT+7

Tin tức thế giới 17-3: Ông Macron lại gây sốc 'phương Tây có thể mở chiến dịch trên bộ ở Ukraine'

Tổng thống Pháp Macron cho biết phương Tây có thể mở chiến dịch trên bộ ở Ukraine 'vào một lúc nào đó'; Nga cáo buộc Ukraine tiến hành 'các hoạt động khủng bố' để phá đám cuộc bầu cử tổng thống... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 17-3.

Từ trái qua: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk bắt tay nhau trong cuộc họp báo tại Berlin, ngày 15-3 - Ảnh: AFP

Từ trái qua: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk bắt tay nhau trong cuộc họp báo tại Berlin, ngày 15-3 - Ảnh: AFP

Xung đột Nga - Ukraine

* Tổng thống Pháp Macron cho biết phương Tây có thể mở chiến dịch trên bộ ở Ukraine "vào một lúc nào đó". Ông Macron nói trong cuộc phỏng vấn được công bố tối 16-3, vài ngày sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Đức và Ba Lan.

Tháng trước, ông Macron từ chối loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine. Động thái này gây ra phản ứng từ Berlin và các nước châu Âu khác.

"Có thể đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải tiến hành các chiến dịch trên bộ để chống lại lực lượng Nga", ông Macron nói với tờ Le Parisien, đồng thời khẳng định ông "không muốn và sẽ không chủ động".

Những bất đồng về khả năng mở chiến dịch trên bộ và chuyển giao tên lửa tầm xa cho Kiev đang làm suy yếu hợp tác giữa các đồng minh.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phản ứng giận dữ trước việc ông Macron trước đó từ chối loại trừ khả năng gửi quân tới Ukraine.

Ông Macron đã gặp lãnh đạo Đức và Ba Lan tại Berlin vào ngày 15-3, để thể hiện tình đoàn kết.

Sau cuộc gặp, ông Macron cho biết 3 quốc gia đều "đoàn kết" với mục tiêu "không bao giờ để Nga chiến thắng và hỗ trợ người dân Ukraine cho đến cùng".

* Tổng thống Pháp Macron nói Nga sẽ được yêu cầu tuân thủ lệnh ngừng bắn ở Ukraine trong Thế vận hội Paris. Ủy ban Olympic quốc tế đã lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine vào tháng 2-2022.

Ủy ban cho rằng Chính phủ Nga đã vi phạm Thỏa thuận ngừng bắn Olympic. Thỏa thuận này nhằm mục đích lấy thể thao để thúc đẩy hòa bình và đối thoại.

Ngày 14-3, chủ tịch Ủy ban Olympic Nga cho biết họ sẽ không tẩy chay Thế vận hội Paris năm nay, bất chấp những hạn chế đối với các vận động viên do Ủy ban Olympic quốc tế áp đặt như một hình phạt cho việc tấn công Ukraine.

Trong khi đó thị trưởng Paris Anne Hidalgo nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hồi giữa tuần rằng bà mong muốn người Nga và người Belarus "không đến".

Điểm bỏ phiếu bầu tổng thống Nga ở Matxcơva, ngày 16-3 - Ảnh: AFP

Điểm bỏ phiếu bầu tổng thống Nga ở Matxcơva, ngày 16-3 - Ảnh: AFP

* Nga cáo buộc Ukraine sử dụng "các hoạt động khủng bố" để phá đám cuộc bầu cử tổng thống của Nga.

Vào ngày thứ hai trong ba ngày bỏ phiếu (16-3), Bộ Ngoại giao Nga cho biết Kiev đã "tăng cường các hoạt động khủng bố" liên quan đến cuộc bầu cử "để chứng minh với những đồng minh phương Tây và cầu xin thêm hỗ trợ tài chính và vũ khí sát thương".

Một máy bay không người lái của Ukraine đã thả một quả đạn pháo xuống một trạm bỏ phiếu ở khu vực do Nga kiểm soát ở vùng Zaporizhzhia của Ukraine.

Hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời một quan chức bầu cử địa phương cho biết không có thiệt hại cũng như thương tích khi thiết bị nổ rơi cách một tòa nhà có trạm bỏ phiếu 5 hoặc 6m trước khi nó mở cửa.

Người đứng đầu ủy ban bầu cử, Ella Pamfilova, cho biết trong hai ngày bỏ phiếu đầu tiên đã xảy ra 20 vụ người dân cố gắng hủy phiếu bầu bằng cách đổ nhiều chất lỏng khác nhau vào thùng phiếu, cũng như 8 trường hợp cố gắng đốt phá và một vụ tấn công bằng bom khói.

Bình luận về các vụ việc, cựu tổng thống Nga Medvedev cho biết những người chịu trách nhiệm có thể phải đối mặt với mức án 20 năm tù về tội phản quốc.

Hôm nay (17-3) là ngày bỏ phiếu cuối cùng. Những người ủng hộ cố lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny đã kêu gọi người dân tập trung đi biểu tình vào buổi trưa để phản đối ông Putin.

Xung đột ở Dải Gaza

* Tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng ở Gaza. Cơ quan Liên Hiệp Quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) cho biết cứ 3 trẻ em dưới 2 tuổi ở phía Bắc Gaza thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng trầm trọng.

Ngày 15-3, Israel nói họ sẽ cử phái đoàn đến Qatar để đàm phán, sau khi Hamas đưa ra đề xuất mới về ngừng bắn, trao đổi con tin.

Phái đoàn do người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad của Israel, ông David Barnea dẫn đầu.

Trẻ em cầm thức ăn từ thiện ở Rafah, phía Nam Gaza, ngày 16-3 - Ảnh: AFP

Trẻ em cầm thức ăn từ thiện ở Rafah, phía Nam Gaza, ngày 16-3 - Ảnh: AFP

Đề nghị của Hamas bao gồm hàng chục con tin Israel sẽ được trả tự do để đổi lấy hàng trăm người Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel. Lệnh ngừng bắn kéo dài nhiều tuần sẽ cho phép thêm viện trợ vào Gaza.

Hamas cũng kêu gọi đàm phán ở giai đoạn sau để chấm dứt chiến tranh, nhưng Israel cho biết họ chỉ sẵn sàng đàm phán về một lệnh ngừng bắn tạm thời.

Quan chức cấp cao của Hamas, Osama Hamdan, nói với đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera rằng đề xuất của nhóm thực tế đến mức "không ai có thể phản đối" và tuyên bố rằng các nhà hòa giải đã phản ứng tích cực.

Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Israel thông tin ông Netanyahu đã phê duyệt kế hoạch tấn công vào thành phố phía Nam Rafah. Hơn một nửa trong số 2,3 triệu cư dân Gaza đang trú ẩn tại thành phố này.

Tin tức khác

* Niger ngừng lập tức hiệp định quân sự với Mỹ. Hiệp định này cho phép quân nhân và nhân viên dân sự từ Bộ Quốc phòng Mỹ đến Niger.

Quyết định này diễn ra sau chuyến thăm của các quan chức Mỹ trong tuần này. Người phát ngôn của chính quyền Niger, đại tá Amadou Abdramane, cho biết phái đoàn Mỹ đã không tuân theo nghi thức ngoại giao và Niger không được thông báo về thành phần phái đoàn, ngày đến hoặc chương trình nghị sự.

Kể từ khi nắm quyền vào tháng 7 năm ngoái, chính quyền Niger, giống như những chính quyền quân sự ở nước láng giềng Mali và Burkina Faso, đã trục xuất các lực lượng Pháp và châu Âu khác, đồng thời quay sang nhờ Nga hỗ trợ.

Tính đến năm ngoái, có khoảng 1.100 lính Mỹ ở Niger. Quân đội Mỹ hoạt động tại hai căn cứ, trong đó có một căn cứ máy bay không người lái được gọi là Căn cứ Không quân 201, được xây dựng gần Agadez ở miền trung Niger với chi phí hơn 100 triệu USD.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tranh cử nhiệm kỳ 3 - Ảnh: AFP

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tranh cử nhiệm kỳ 3 - Ảnh: AFP

* Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro sẽ tranh cử nhiệm kỳ 3 trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 28-7. Ông Maduro đã cầm quyền 11 năm.

"Chúng ta sẽ đi đến chiến thắng mới", tổng thống 61 tuổi nói khi chấp nhận trở thành ứng viên tranh cử của Đảng PSUV cầm quyền.

"Tôi ở đây vì người dân, đó là lý do tại sao hôm nay, ngày 16-3-2024, tôi chấp nhận ứng cử tổng thống cho cuộc bầu cử vào ngày 28 tháng 7", ông Maduro nói.

Kể từ năm 2013, Venezuela bị khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, song song với việc bị Mỹ trừng phạt. 7 triệu người dân nước này đã phải rời bỏ đất nước khi GDP giảm mạnh 80% trong một thập kỷ.

Việc ông Maduro tái đắc cử nhiệm kỳ 6 năm lần thứ hai vào năm 2018 đã không được Mỹ và hàng chục quốc gia khác công nhận. Thay vào đó, nhiều nước công nhận lãnh đạo quốc hội Juan Guaido là tổng thống lâm thời.

Tin tức thế giới 16-3: Ukraine - Nga trách cứ nhau tàn nhẫn; TikTok cầu cứu người dùng MỹTin tức thế giới 16-3: Ukraine - Nga trách cứ nhau tàn nhẫn; TikTok cầu cứu người dùng Mỹ

Ukraine - Nga trách nhau hung ác; Phiên tòa xét xử ông Trump hoãn vô thời hạn; TikTok phải lên tiếng cầu cứu người dùng Mỹ... là một số tin tức thế giới đáng chú ý ngày 16-3.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên