9 tháng đưa vào khai thác hơn 500km đường cao tốc
Tin tức từ Bộ Giao thông vận tải, trong 9 tháng năm 2023, 11 dự án giao thông quan trọng liên tiếp cán đích. Trong đó, tổng số đường cao tốc Bắc - Nam được đưa vào khai thác trong 9 tháng đạt hơn 500km.
Cụ thể, các đoạn tuyến dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đã được hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác gồm Mai Sơn - quốc lộ 45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm.
Ngoài ra, hàng loạt dự án giao thông quan trọng cũng liên tiếp cán đích như dự án đầu tư hoàn chỉnh tuyến quốc lộ 32C đoạn qua thành phố Việt Trì (Phú Thọ).
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3B đoạn Xuất Hóa - cửa khẩu Pò Mã (km0 - km66+600) giai đoạn 2; dự án mở rộng một số cầu trên quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Tiền Giang.
Dự án thành phần 1 (giai đoạn 2) thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ.
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng tặng công ty pin trị giá hơn 6.500 tỉ đồng cho VinFast
Tối 11-10, ông Phạm Nhật Vượng - chủ tịch Tập đoàn VinGroup - công bố tặng 99,8% Công ty cổ phần Giải pháp Năng lượng VinES cho Công ty VinFast.
Sau sáp nhập, VinFast sẽ tự chủ về công nghệ pin - cấu phần quan trọng của xe điện, đồng thời làm chủ được chuỗi sản xuất, gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Như vậy, VinES sẽ được sáp nhập vào hãng xe VinFast nhằm chủ động công nghệ và tập trung nguồn lực để tăng cường nghiên cứu, phát triển pin cho các dòng xe điện của hãng.
Công ty pin này thuộc thành viên trong hệ sinh thái của Vingroup, tổng vốn pháp định 6.500 tỉ đồng.
Công ty hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và sản xuất pin lithium-ion chất lượng cao ứng dụng cho xe điện, hệ thống lưu trữ năng lượng và các ứng dụng khác.
Khi sáp nhập, VinFast sẽ sở hữu công nghệ pin và hệ thống nhà máy sản xuất pin, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường xe điện toàn cầu.
Chỉ 3% cơ sở khám bệnh có phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án
Ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, đã cho biết như vậy tại Hội nghị tin học sức khỏe lần thứ 3 với chủ đề "Hướng tới chăm sóc thông minh, xây dựng hệ thống thông minh trong thời đại kỹ thuật số" được tổ chức vào ngày 11 và 12-10 tại TP.HCM.
Một khảo sát về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh tại nước ta cho thấy có 42,9% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần mềm quản lý được ghi chép của hồ sơ bệnh án kết hợp in hồ sơ bệnh án giấy; 19,4% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần mềm quản lý được ghi chép của hồ sơ bệnh án đã được thẩm định, kết hợp in hồ sơ bệnh án giấy.
Chỉ có 3% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần mềm quản lý được ghi chép của hồ sơ bệnh án đã được thẩm định và bỏ bệnh án giấy.
Chỉ có 2,4% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có bệnh án điện tử áp dụng chuẩn danh mục quốc tế SNOMED.
Còn tới 32,3% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa triển khai hoặc đang có phương án kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh.
Trong khi nhiều bệnh viện tư nhân ứng dụng rất nhiều các kỹ thuật AI, ứng dụng kỹ thuật robot... thì các bệnh viện công ứng dụng những kỹ thuật này vẫn còn chậm.
Lừa bán kit xét nghiệm COVID-19 cho nhiều người lấy tiền đầu tư tiền ảo
Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Bùi Văn Hải (sinh năm 1995, trú tại xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị hại trong vụ án là chị Nguyễn Thị Thanh H. (sinh năm 1982, ở Hưng Yên) và chị Nguyễn Thị D. (sinh năm 1990, ở Hà Nội).
Theo cáo trạng, do cần tiền chi tiêu cá nhân, đầu năm 2022, Bùi Văn Hải đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua việc mua bán kit xét nghiệm COVID-19. Hải lên mạng xã hội copy ảnh các mẫu hàng kit xét nghiệm COVID-19 để quảng cáo, giới thiệu cho người mua.
Thông qua người thân, Hải có số điện thoại của chị Nguyễn Thị Thanh H, là trưởng trạm y tế của một xã ở Hưng Yên. Hải đã gọi điện, nhắn tin cho chị H. để chào hàng. Sau khi nghe Hải chào hàng, chị H. đã liên hệ với bạn là chị Nguyễn Thị D. để hỏi về giá kit xét nghiệm COVID-19 do Hải giới thiệu.
Chị D. nói giá trên là rất hợp lý để mua. Do đó, chị H. đã trao đổi, thỏa thuận đặt mua của Hải 2 thùng kit xét nghiệm COVID-19 nhãn hiệu Flowflex (tổng 1.600 kit xét nghiệm) với giá 96 triệu đồng. Chị H. yêu cầu Hải gửi ảnh chụp căn cước công dân và gửi tài khoản ngân hàng của Hải để chị chuyển tiền. Sau đó, chị H. chuyển khoản cho Hải số tiền trên.
Nhận tiền, Hải hẹn đến ngày 26-2-2022 sẽ giao hàng. Đến hẹn, Hải thông báo với chị H. không có hàng để giao và chuyển trả lại chị H. số tiền trên. Đến ngày 27-2-2022, Hải nhắn tin, nói với chị H. về việc đang có số lượng kit xét nghiệm lớn, nếu chị lấy theo đơn hàng cũ thì chuyển tiền luôn cho Hải, Hải sẽ giao hàng. Tin tưởng, chị H. đã chuyển cho Hải 96 triệu đồng.
Sau khi nhận tiền, Hải hẹn đến chiều 1-3-2022 sẽ giao hàng. Đến hẹn, Hải không giao hàng cho chị H. theo cam kết và không trả tiền cho chị.
Về phía chị D., sau khi có được số điện thoại của Hải, chị D. đã liên hệ, hỏi mua kit xét nghiệm. Hải giới thiệu với chị D., Hải đang là giám đốc kinh doanh khu vực miền Bắc của Công ty cổ phần kỹ thuật công nghiệp môi trường Tài nguyên xanh và đang có kit xét nghiệm COVID-19 số lượng lớn của nhiều hãng.
Tin là thật, chị D. đặt mua của Hải 3.200 kit xét nghiệm COVID-19 của hãng Flowflex với giá thỏa thuận là gần 200 triệu đồng. Ngày 25-2-2022, chị D. chuyển số tiền trên vào tài khoản của Hải. Sau khi nhận tiền, Hải hẹn đến ngày 27-2-2022 sẽ giao hàng.
Đến chiều 26-2-2022, Hải gọi điện, nói với chị D. là đang còn dư 2.000 kit xét nghiệm hãng Flowflex với giá 120 triệu đồng. Chị D. đồng ý mua lại số hàng trên và chuyển cho Hải 120 triệu đồng. Tổng số tiền chị D. đã chuyển cho Hải là hơn 315 triệu đồng.
Tối cùng ngày, Hải gọi điện cho chị D. nói không có hàng và chuyển toàn bộ số tiền trên trả lại chị D.. Đến tối 27-2-2022, Hải lại gọi điện cho chị D. nói đang ở kho hàng tại Hải Phòng, nếu chị D. lấy số lượng hàng trên thì ngày 28-2-2022 sẽ giao hàng. Chị D. đồng ý và chuyển lại hơn 315 triệu đồng cho Hải.
Tiếp tục thủ đoạn cũ, Hải nhắn cho chị D. mình đang còn dư nhiều loại kit xét nghiệm khác. Tin tưởng, chị D. đã đồng ý mua thêm. Tổng số tiền chị D. chuyển cho Hải để đặt mua kit xét nghiệm COVID-19 là hơn 560 triệu đồng.
Đến hẹn, Hải không giao hàng cho chị D. theo cam kết. Chị D. yêu cầu Hải trả tiền thì Hải nói dối mình bị người khác lừa nên không có hàng để giao, Hải đã gửi đơn trình báo Công an thành phố Hải Dương để tìm người lừa Hải và hỏi vay chị D. 20 triệu đồng. Chị D. tin tưởng nên đã cho Hải vay số tiền trên. Tổng số tiền chị D. giao cho Hải để đặt mua kit xét nghiệm và vay là 582 triệu đồng.
Tại cơ quan điều tra, Hải thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Hải khai đã dùng toàn bộ số tiền chiếm đoạt được của các bị hại để đầu tư vào tiền ảo. Hiện trang web tiền ảo trên đã bị sập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận