Giá gas giảm thêm 16.000 đồng/bình 12kg
Từ sáng nay 1-3, mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng giảm trung bình 16.000 đồng do giá gas thế giới quay đầu giảm.
Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) thông báo giá gas của hãng sẽ giảm 16.000 đồng/bình 12kg và giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 461.000 đồng/bình 12kg.
Gas City Petro cũng giảm 16.000 đồng/bình 12kg và 67.000 đồng/bình 50kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 494.500 đồng/bình 12kg và 2.060.000 đồng/bình 50kg.
Theo Chi hội Gas miền Nam, đà giảm của giá gas trong nước lần này là do giá gas thế giới tháng 3 chốt ở mức 730 USD/tấn, giảm 60 USD/tấn so với tháng 2.
Bắt đầu cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử
Từ hôm nay 1-3, Bộ Công an triển khai cấp hộ chiếu phổ thông gắn chip điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật xuất, nhập cảnh.
Công dân Việt Nam đã được cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chip điện tử sẽ được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn của hộ chiếu, không bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu có gắn chip điện tử.
Hiện nay, trên thế giới có trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng hộ chiếu điện tử. Ngoài lưu trữ được nhiều thông tin hơn, giúp việc nhận dạng một người chính xác hơn, hộ chiếu gắn chip điện tử có tính bảo mật thông tin cao, bảo vệ người dân trước nguy cơ bị lấy cắp thông tin cá nhân.
Đề xuất sửa Luật thuế giá trị gia tăng
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng, theo hướng thu hẹp đối tượng không chịu thuế; thu hẹp đối tượng chịu thuế suất 5%; tăng mức thuế suất phổ thông (10%) cho phù hợp trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế.
Đặc biệt, chính sách tới đây cần quy định về giá tính thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản cho minh bạch, thống nhất cách hiểu giữa người nộp thuế và cơ quan thuế.
Ngoài ra, sửa quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào để tăng cường ngăn chặn gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng, chống thất thu ngân sách.
Cùng với đó, một số thủ tục hoàn thuế cũng xem xét sửa đổi để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, thông qua đó tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
37.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động
Theo Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2023, cả nước có 37.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 51.400 doanh nghiệp, tăng 14,5%; bình quân một tháng có 25.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
TP.HCM cấp thêm hơn 1.000 sổ hồng
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết trong tháng 2-2023, sở này đã cấp 2 sổ hồng đối với tổ chức và 1.099 sổ đối với cá nhân, nâng số lượng sổ đã cấp cho tổ chức lên hơn 1,51 triệu sổ và cho cá nhân hơn 1,57 triệu sổ.
Cũng trong tháng 2, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã đăng ký biến động nhà đất (đối với tổ chức và cá nhân) là 46.948 sổ.
Trong tháng 3 này, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp giải quyết các phần việc còn lại thuộc các dự án trọng điểm, cấp bách như dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, Đại học Quốc gia TP.HCM, Khu công nghệ cao TP Thủ Đức, dự án khu đô thị Sing - Việt, dự án Thảo cầm viên mới Safari, metro số 2, dự án chống ngập do triều 10.000 tỉ đồng…
Xuất khẩu thủy sản bật tăng trở lại
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sau khi "tụt dốc" trong tháng 1, bước sang nửa đầu tháng 2, xuất khẩu thủy sản bật tăng trở lại, đạt 286,94 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, tính lũy kế từ đầu năm 2023 đến hết ngày 15-2, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 742 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định bức tranh xuất khẩu thủy sản khó có thể bừng sáng trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Dù vậy, ngành thủy sản của Việt Nam vẫn lạc quan tại các thị trường có nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông… Cạnh đó là thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại, khoảng quý 2 có thể phục hồi.
Gần 1.300 trạm quan trắc tự động truyền số liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện có 1.298 trạm quan trắc tự động từ 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương truyền số liệu về bộ. Hệ thống các trạm quan trắc này đã phục vụ hiệu quả, kịp thời cho công tác kiểm soát ô nhiễm không khí.
Đồng thời giúp hoạch định các chính sách quản lý chất lượng không khí phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
TP.HCM xây dựng quy định về quản lý bùn thải
Tuần này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường sẽ nghe báo cáo về xây dựng quy định quản lý bùn thải và việc tiếp nhận, xử lý bùn thải của các dự án nạo vét sông, kênh rạch và hệ thống thoát nước trên địa bàn TP.
Hiện nay hoạt động thu gom, vận chuyển, tái sử dụng và xử lý bùn thải tại TP chưa được thống kê, quản lý đầy đủ. Ngoài ra thời gian qua, do phát triển đô thị đã phát sinh một khối lượng lớn chất thải từ nhà dân. Một số đơn vị làm ăn gian dối đã đem bùn thải đổ lại vào nhà dân hoặc đổ ra môi trường như loạt bài Tuổi Trẻ đã phản ánh vào tháng 11-2022.
Ca COVID-19 nặng tiếp tục tăng
Bộ Y tế cho biết ngày 28-2 cả nước có 12 ca mắc COVID-19 mới, cao gấp 3 lần ngày hôm trước. Trong ngày có 6 bệnh nhân khỏi, ca COVID-19 nặng tiếp tục tăng lên 5 ca, không có bệnh nhân tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.526.917 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.488 ca nhiễm).
Tổng số ca được điều trị khỏi là 10.614.769. Tổng số ca tử vong là 43.186 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận