11/03/2022 06:35 GMT+7

Tin sáng 11-3: Hơn 1.000 trẻ mắc COVID-19 ở TP.HCM đi bệnh viện mỗi ngày, hầu hết rất nhẹ

L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN
L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN

TTO - Những ngày gần đây, số trẻ đến khám tại các bệnh viện nhi đồng ở TP.HCM, sau đó được phát hiện mắc COVID-19 đang tăng rất cao. Dữ liệu từ 3 bệnh viện (chưa tính các trạm y tế, bệnh viện quận huyện) đã là trên 1.000 trẻ F0 đến khám/ngày.

Tin sáng 11-3: Hơn 1.000 trẻ mắc COVID-19 ở TP.HCM đi bệnh viện mỗi ngày, hầu hết rất nhẹ - Ảnh 1.

Không còn cảnh người dân xếp hàng dài xin xác nhận tại Trạm y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Khu khám sàng lọc COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận bệnh nhi là F0 đến khám bệnh 24/24h, hiện đang trong tình trạng quá tải. 

Gần một tuần nay, trung bình mỗi ngày khu này tiếp nhận hơn 400 bệnh nhi là F0 đến khám. Số lượng này tăng hàng chục lần so với những tuần trước Tết Nguyên đán (chỉ khoảng 20-30 trẻ là F0 đến khám/tuần).

Tương tự, khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đang trong tình trạng quá tải. Trước đây, một ngày chỉ tiếp nhận 1-2 ca thì nay một ngày lên đến 6 ca. Số giường bệnh dành cho F0 tại khoa chỉ có 4 giường nhưng hiện thực kê đã là 6 giường.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ được phát hiện F0 khi đến khám cũng tăng cao. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 400-500 trẻ nghi ngờ mắc COVID-19 đến khám, trong đó có khoảng 80% trẻ dương tính.

Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, mỗi ngày khoa khám bệnh của bệnh viện này tiếp nhận khoảng 500-600 trẻ có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, trong đó 50% số trẻ này mắc COVID-19.

Dù rất đông bệnh nhi là F0 đến các bệnh viện nhi khám trong thời gian này nhưng theo các bác sĩ, hầu hết trẻ đều có triệu chứng nhẹ như sốt, ho, thậm chí không có triệu chứng nhưng vì gia đình lo lắng nên đưa đi khám. 

Những trẻ này đều có thể theo dõi, điều trị tại nhà, rất ít trẻ phải nhập viện, chỉ những trẻ có bệnh nền mới trở nặng.

Tin sáng 11-3: Hơn 1.000 trẻ mắc COVID-19 ở TP.HCM đi bệnh viện mỗi ngày, hầu hết rất nhẹ - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Bác sĩ hướng dẫn chăm sóc trẻ F0 tại nhà

Theo các bác sĩ, khi có trẻ trong gia đình là F0, các bậc cha mẹ cần chuẩn bị một phòng cách ly riêng, khẩu trang cho trẻ trên 2 tuổi, chuẩn bị một số thuốc như thuốc hạ sốt, siro ho thảo dược, nước muối sinh lý để nhỏ mũi, súc miệng cho trẻ, mua một máy đo nồng độ oxy trong máu...

Trong quá trình theo dõi trẻ, thấy trẻ uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn không hạ, trẻ li bì, không chịu chơi, bị nôn, bú kém, thở nhanh, thở co lõm lồng ngực... thì phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời.

Các bác sĩ cũng khuyên, những trẻ em có bệnh nền khi mắc COVID-19 tốt nhất các bậc cha mẹ đưa trẻ đi khám sớm để được nhập viện theo dõi.

Tin sáng 11-3: Hơn 1.000 trẻ mắc COVID-19 ở TP.HCM đi bệnh viện mỗi ngày, hầu hết rất nhẹ - Ảnh 3.

Phát thuốc cho F0 tại nhà ở quận Đống Đa (Hà Nội) - Ảnh: HÀ QUÂN

Dữ liệu sức khỏe cá nhân sẽ được thiết lập đồng bộ với mã số công dân

Bộ Y tế vừa phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2022. Theo đánh giá của Bộ Y tế, hạ tầng công nghệ thông tin của ngành hiện chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu y tế tập trung để khai thác, phục vụ quản lý nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành; chưa có cơ chế cho việc khai thác dữ liệu và quy định về chủ sở hữu tài sản trí tuệ hình thành thông qua hợp tác ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành y tế.

Thiếu nguồn lực để triển khai đồng bộ nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành, đặc biệt các nguồn lực về tổ chức thực hiện, triển khai Sổ sức khỏe điện tử trong các lĩnh vực khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân.

Mục tiêu của kế hoạch là bước đầu hình thành kho dữ liệu y tế, đặc biệt là lưu trữ dữ liệu từ các hệ thống thông tin do Bộ Y tế là chủ quản nhưng chưa thuộc quản lý của Bộ Y tế; hình thành phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu để khai thác kho dữ liệu, hướng tới đào tạo nhân lực về khoa học dữ liệu ngành y tế.

Đồng thời sẽ triển khai mở rộng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trong nhiều lĩnh vực, hướng tới bao phủ toàn dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Dữ liệu sức khỏe cá nhân được thiết lập đồng bộ với mã số công dân. 

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý nhà nước về dược, trang thiết bị y tế, trong một số lĩnh vực chuyên môn và phục vụ phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo tính chủ sở hữu của Bộ Y tế và tính hiệu quả của các kết quả.

Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về y tế, bước đầu hình thành hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm trực tuyến.

Tin sáng 11-3: Hơn 1.000 trẻ mắc COVID-19 ở TP.HCM đi bệnh viện mỗi ngày, hầu hết rất nhẹ - Ảnh 4.

Test nhanh COVID-19 ở Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

"Bác sĩ Google, YouTube" đăng tải nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật

Đây là lo ngại của cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, tại hội nghị trực tuyến ngày 10-3 về quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo ông Phong, gần đây xuất hiện nhiều hình thức quảng cáo thực phẩm chức năng (thực phẩm bảo vệ sức khỏe) vi phạm pháp luật theo hình thức tinh vi: sử dụng người nổi tiếng quảng cáo không đúng công dụng của sản phẩm; quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc, dựng lên y bác sĩ, dựng cả người mắc bệnh đã sử dụng sản phẩm hiệu quả, thuê "nhóm tư vấn bán thuốc" là người không có chuyên môn; thậm chí cắt ghép các clip quảng cáo và gắn logo các đài truyền hình vào để làm giả "phóng sự" phát trên truyền hình...

Đáng lo ngại là hình thức "quảng cáo truyền miệng" qua mạng xã hội, "bác sĩ Google, bác sĩ YouTube", nhưng khi cơ quan quản lý phát hiện vi phạm thì chủ sở hữu sản phẩm quảng cáo lại không thừa nhận đó là quảng cáo của mình, dẫn đến tình huống không đủ cơ sở pháp lý để xử phạt.

Ông Phong đề xuất tới đây Bộ Y tế là cơ quan thường trực về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ sửa nghị định 15/2018, đưa các biện pháp mạnh tay hơn để xử lý quảng cáo trái phép, quảng cáo quá mức, doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo trái phép sẽ bị ngưng tiếp nhận và xử lý các hồ sơ mới, tránh tình trạng "đuổi theo vi phạm".

Ông Phong cũng cho biết đã làm việc với đại diện các nhà mạng, mạng xã hội, đề xuất gỡ ngay các quảng cáo trái phép, quảng cáo trá hình nếu cơ quan chức năng phát hiện vi phạm và thông báo.

Theo báo cáo sơ bộ năm 2020-2021, mặc dù vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng rất nhiều nhưng xử phạt còn ít ỏi, do các quy định pháp lý hiện có còn rải rác và chưa theo kịp thực tế.

Tin sáng 11-3: Hơn 1.000 trẻ mắc COVID-19 ở TP.HCM đi bệnh viện mỗi ngày, hầu hết rất nhẹ - Ảnh 5.

Nhân viên y tế làm việc tại Trung tâm hồi sức COVID-19, Bệnh viện dã chiến số 14 (Q.Tân Phú) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Hà Nội ngày 10-3 ghi nhận 30.157 ca COVID-19, giảm hơn 1.200 ca so với hôm qua. Hiện có hơn 5.000 ca đang điều trị tại các bệnh viện, có 864 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca COVID-19 ở Hà Nội mỗi ngày được thông báo giảm. Kỷ lục cao nhất ở Hà Nội là 32.650 ca vừa thiết lập hôm 8-3.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoài Đức (1.771); Thanh Trì (1.681); Long Biên (1.664); Nam Từ Liêm (1.530). Đến hết ngày 9-3, thành phố có gần 600 người cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện, thị xã (giảm hơn 110 ca); có 4.651 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2-3 của thành phố (giảm 200 ca) và 360 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. 

Trong hơn 5.000 ca đang điều trị tại các bệnh viện, có hơn 3.300 ca ở mức độ trung bình (chiếm gần 70%), 864 ca nặng/nguy kịch (giảm khoảng 30 ca so với báo cáo thống kê hôm qua). Số bệnh nhân phải thở oxy mask/gọng kính, HFNC hay thở máy xâm lấn đều giảm so với trung bình 7 ngày trước.

- Ngày 10-3, Sơn La ghi nhận thêm 4.891 ca COVID-19 (trong đó có đến 3.223 F0 có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng cao). Lũy kế từ ngày 1-1-2022 đến nay, Sơn La phát hiện 65.737 ca COVID-19; trong đó có 28.143 ca khỏi bệnh, 7 ca tử vong. Hiện toàn tỉnh có 36.771 người đang cách ly, điều trị tại nhà. 

Cường độ công việc cao, không ít cán bộ y tế làm việc xuyên ngày đêm và luôn đứng trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.Theo báo cáo của CDC Sơn La, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 790 cán bộ y tế dương tính. Hiện còn 627 người đang điều trị, theo dõi sức khỏe.

- Trước tình hình số ca mắc trên địa bàn ngày càng nhiều, Nghệ An cho phép các cơ sở khám chữa bệnh công lập được tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19. Cụ thể, cho phép các cơ sở khám chữa bệnh công lập từ tuyến huyện trở lên (bao gồm cả các bệnh viện chuyên khoa) được tổ chức tiếp nhận, thu dung và điều trị bệnh nhân mắc các bệnh lý (có kèm theo nhiễm COVID-19), đủ tiêu chuẩn điều trị nội trú tại đơn vị.

Sáng 10-3, Nghệ An cho biết trong 12 giờ ghi nhận 5.420 ca mắc mới. Trong đó có 1.427 ca cộng đồng; 3.993 ca đã được cách ly từ trước (3.989 ca là F1, 4 ca từ ngoại tỉnh có dịch về). Số địa phương có số bệnh nhân cao nhất trong 12 giờ qua: TP Vinh, Diễn Châu, Anh Sơn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc. Đến nay tỉnh đã ghi nhận 153.935 ca COVID-19. Số điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 103.129; số đang điều trị: 50.670.

- Ngày 10-3, Quảng Bình cho biết ghi nhận thêm 2.710 ca COVID-19 trong 12 giờ, trong đó có 2.260 ca cộng đồng, cụ thể TP Đồng Hới có 476 ca, huyện Quảng Ninh 259, huyện Lệ Thủy 367 ca, huyện Bố Trạch 452 ca, thị xã Ba Đồn 199 ca, huyện Quảng Trạch 236 ca, huyện Tuyên Hóa 181 ca và 90 ca tại huyện Minh Hóa. Đến ngày 8-3, tổng số liều vắc xin đã tiêm cho người dân là 1.381.748 liều, đạt 94,4%.

Tin sáng 10-3: TP.HCM biến thể BA.1 và BA.2 song hành; trẻ mắc COVID-19 tăng gấp đôi tuần trước Tin sáng 10-3: TP.HCM biến thể BA.1 và BA.2 song hành; trẻ mắc COVID-19 tăng gấp đôi tuần trước

TTO - Ca COVID-19 mới cả nước tiếp tục "leo thang" và có dấu hiệu tăng, đặc biệt tại TP.HCM ghi nhận 2 biến thể phụ của Omicron BA.1 và BA.2 song hành. Hà Nội, nhiều tỉnh thành khác cũng ghi nhận các biến thể này và là nguyên nhân số ca mới tăng vọt.

L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: covid-19 Tin COVID-19