Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bìa phải) tiếp người đồng cấp Mỹ Donald Trump và phu nhân tại Bắc Kinh vào tháng 11-2017 - Ảnh: REUTERS
Trước thềm cuộc gặp, thông tin ban đầu thành phần dự họp hai bên cho thấy tín hiệu tích cực về một giải pháp cho cuộc xung đột thương mại căng thẳng hiện nay giữa hai nước.
Thành phần dự họp hai bên đóng vai trò quan trọng bởi nó ảnh hưởng đến bầu không khí trước, trong và thậm chí là kết quả cuối cùng sau cuộc gặp.
Ông Peter Navarro bị "ra rìa"
Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) của Hong Kong ngày 21-11 dẫn một nguồn tin gần gũi với quá trình chuẩn bị cuộc gặp tiết lộ vấn đề này đang được cân nhắc. "Có thể là một cộng ba, một cộng bốn hoặc một cộng sáu. Nhưng khả năng cao là mỗi nhà lãnh đạo sẽ có sáu quan chức đi theo" - nguồn tin ẩn danh tiết lộ.
Ông Peter Navarro - cố vấn về chính sách thương mại của Nhà Trắng, một nhân vật gây tranh cãi vì những quan điểm có phần "diều hâu" với Trung Quốc - sẽ không xuất hiện trong cuộc gặp Trump - Tập.
Hồi đầu tháng này, ông Navarro - tác giả cuốn sách Death by China (tạm dịch: Chết bởi Trung Quốc) - đã cáo buộc các ông trùm Phố Wall là tay sai của Trung Quốc.
Trong lúc Bắc Kinh và Washington đang cố gắng chốt danh sách, việc loại ông Navarro có thể xem là một tín hiệu tích cực. Trong cuộc phỏng vấn với Đài Fox ngày 20-11, Cố vấn trưởng kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Tổng thống Trump đang cố gắng thêm vào một chút lạc quan trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.
"Tổng thống tin rằng Bắc Kinh đang muốn đạt được một thỏa thuận với Washington. Đã có những cuộc trao đổi rất cụ thể giữa Mỹ và Trung Quốc ở tất cả các cấp trong chính phủ" - ông Kudlow tiết lộ.
Với việc loại cố vấn Navarro, những quan chức Mỹ có thể tham dự cuộc gặp Trump - Tập bao gồm ông Kudlow, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad.
Về phía Trung Quốc, Phó thủ tướng Lưu Hạc, cánh tay phải của ông Tập trong vấn đề thương mại, được kỳ vọng sẽ xuất hiện. Một số nhân vật khác có thể là Chủ nhiệm Văn phòng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Đinh Tiết Tường và ông Dương Khiết Trì, cố vấn thân cận của ông Tập về chính sách đối ngoại.
Bắc Kinh tranh thủ tập hợp lực lượng
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Phó thủ tướng Lưu Hạc sẽ có chuyến thăm 3 ngày "đáng chú ý" đến Đức. Trong thời gian tham dự Diễn đàn Trung Quốc - châu Âu ở thành phố Hamburg, ông Lưu sẽ gặp Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz.
Được thành lập từ năm 2004, Diễn đàn Trung Quốc - châu Âu nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ kinh doanh giữa hai nền kinh tế. Bắc Kinh thường cử các quan chức từ phó thủ tướng trở lên làm trưởng đoàn cho sự kiện mỗi hai năm một lần này.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, chuyến đi lần này của ông Lưu có ý nghĩa hoàn toàn khác. "Trung Quốc và châu Âu đang chung một thuyền trước cơn sóng do chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ của ông Trump tạo ra.
Bắc Kinh phải có sự phối hợp chính sách với Liên minh châu Âu (EU) và các thành viên nếu muốn bảo vệ hệ thống thương mại đa phương. Trường hợp Trung Quốc khuất phục trước áp lực của Mỹ, EU sẽ là người tiếp theo ngã xuống" - ông Lu Xiang, chuyên gia nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định với SCMP.
Mỹ - Trung đấu khẩu ở WTO
Theo Hãng tin Reuters, trong cuộc họp tại trụ sở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở Thụy Sĩ ngày 21-11, đại diện Mỹ tại WTO Dennis Shea cáo buộc Trung Quốc đang sử dụng tổ chức này để thúc đẩy các chính sách "phi thị trường", làm méo mó thị trường thế giới và tạo ra cuộc khủng hoảng thừa trong ngành nhôm thép.
Đáp lại, một quan chức không rõ tên của Trung Quốc nói thẳng Bắc Kinh không muốn chơi trò đổ thừa qua lại, nhấn mạnh Mỹ chẳng biết gì về nền kinh tế Trung Quốc. Quan chức này cũng chỉ trích Washington đạo đức giả và che giấu các vi phạm rành rành những nguyên tắc của WTO.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận