"Ngân hàng cột điện" hoành hành ngay trước ngân hàng thật - Ảnh: MẠNH DŨNG
Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng đồng loạt ra quân triệt phá, ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê hay còn gọi là "tín dụng đen" và bước đầu đã mang lại kết quả rất đáng khích lệ. Nhiều tổ chức tội phạm cho vay nặng lãi, với hàng loạt đối tượng đã bị bắt giữ, truy tố.
Tuy nhiên, việc ra quân, triệt phá này chỉ mới là giải quyết phần ngọn, còn nguyên nhân gây ra "tín dụng đen" chưa được giải quyết tận gốc. Nhiều người cho rằng sau một thời gian tạm lắng "tín dụng đen" sẽ "mọc" trở lại với thủ đoạn tinh vi hơn để thích nghi, đối phó với lực lượng chức năng.
Ngoài việc thường xuyên, liên tục ra quân triệt phá các băng nhóm hoạt động "tín dụng đen" cần ngăn chặn từ gốc, từ nguyên nhân phát sinh ra chúng. Theo tôi các cơ quan chức năng cần triển khai các biện pháp sau:
Thứ nhất, biện pháp quản lý hành chính. Thông thường để hợp thực hóa hoạt động "tín dụng đen" các đối tượng thường núp bóng dưới hình thức hoạt động các công ty, doanh nghiệp như các cơ sở cầm đồ, các công ty cho vay tài chính, câu kết với các nhóm đòi nợ thuê hoạt động ở nhiều tỉnh, thành.
Do đó, cần quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đăng ký kinh doanh, hoạt động của các công ty có dấu hiệu hoạt động "tín dụng đen". Trường hợp phát hiện dấu hiệu kinh doanh núp bóng thì lập tức thu hồi giấy phép hoạt động, chấm dứt hoạt động và xử lý nghiêm những đối tượng liên quan.
Thứ hai, biệp pháp kinh tế. Bên cạnh tạo sự thông thoáng trong cho vay tín dụng để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn thì cần kiểm soát chặt chẽ sự tăng trưởng tín dụng ở khu vực ngân hàng. Đặc biệt, cần kiểm soát, làm rõ mối liên thông hệ thống "tín dụng đen" và các ngân hàng thương mại. Bởi vì, nhiều trường hợp các đối tượng sử dụng tiền vay từ ngân hàng để cho vay nặng lãi, theo kiểu "mỡ nó, rán nó", "tay không bắt giặc".
Vì thế, kiểm soát được nguồn vốn tín dụng sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn "tín dụng đen".
Thứ ba, cần phổ biến, nâng cao kiến thức cho người dân về tài chính ngân hàng. Từ đó, giúp họ cảnh giác, tránh xa thủ đoạn lôi kéo cho vay nặng lãi, "alo, có tiền". Điều này giúp họ tránh được sự cuốn hút vào các dây chuyền vay nặng lãi và sau đó vỡ nợ, dính vào "tín dụng đen" mà không hay biết.
Thứ tư, khuyến khích người dân tố giác tội phạm. Có thể nói nguyên tắc quan trọng nhất để các đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động là đe dọa, ép buộc làm tê liệt ý thức phản kháng của người dân nhằm buộc họ phải trả lãi suất "cắt cổ" cho chúng. Đa số người dân lỡ bị "dính" bị "vướng" vào "tín dụng đen" không dám tố cáo trực tiếp những kẻ cho vay nặng lãi, dù biết rõ cho vay nặng lãi là vi phạm pháp luật, vì sợ bị trả thù.
Vì vậy, cần có cơ chế thụ lý các thông tin tố cáo nặc danh, ẩn danh về hoạt động "tín dụng đen" và sớm vào cuộc xử lý thì hiệu quả sẽ rất cao.
Ngoài ra, cần sửa đổi quy định pháp luật về thế chấp, mua bán tài sản. Theo đó, không công nhận việc viết giấy tay vay nợ, thế chấp nhà ở và tài sản lớn khác phải đăng ký quyền sở hữu như ôtô, nhà đất. Trường hợp tòa án thụ lý tranh chấp loại này nếu phát hiện có dấu hiệu hoạt động "tín dụng đen" lập tức chuyển cho cơ quan công an để điều tra, làm rõ để xử lý các đối tượng liên quan.
Như vậy, hạn chế tình trạng cố tình lách luật khi hợp thức các thỏa thuận cho vay nặng lãi bằng hợp đồng vay mượn tiền, thế chấp tài sản. Cùng với đó là triệt phá các băng nhóm đòi nợ thuê vì đòi nợ thuê và "tín dụng đen" như con đĩa 2 vòi, song hành cùng nhau hút máu người dân lương thiện.
Theo tôi, nếu triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp trên sẽ góp phần ngăn chặn từ gốc "tín dụng đen" đang tràn lan hiện nay góp phần ổn định tình hình an ninh trật xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận