Người dân tiêm vắc xin tại Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tính từ 17h ngày 17-10 đến 17h ngày 18-10, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.168 ca nhiễm mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 3.159 ca ghi nhận trong nước (giảm 16 ca so với ngày trước đó) tại 45 tỉnh, thành phố (có 1.261 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP.HCM (968), Bình Dương (439), Đồng Nai (393), Sóc Trăng (174), An Giang (109), Kiên Giang (99), Tiền Giang (94), Cà Mau (77), Long An (68), Đồng Tháp (61), Phú Thọ (58), Bạc Liêu (48), Đắk Lắk (46), Quảng Nam (45),
Thanh Hóa (42), Gia Lai (40), Trà Vinh (33), Khánh Hòa (31), Hậu Giang (28), Bình Thuận (28), Cần Thơ (27), Nghệ An (25), Nam Định (22), Kon Tum (20), Hà Nam (20), Quảng Ngãi (19), Tây Ninh (18), Bình Định (15), Quảng Bình (15), Vĩnh Long (14),
Thừa Thiên Huế (12), Bến Tre (9), Bình Phước (9), Bà Rịa - Vũng Tàu (8), Quảng Trị (8), Phú Yên (6), Ninh Thuận (6), Tuyên Quang (6), Hà Nội (6), Đắk Nông (4), Bắc Ninh (4), Thái Bình (3), Ninh Bình (1), Hà Giang (1).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (-138), Đồng Nai (-124), Bình Dương (-98).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (+110), Phú Thọ (+50), Tiền Giang (+48). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.260 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 867.221 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 862.531 ca, trong đó có 790.163 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Hiện có 2/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình. Có 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (418.692), Bình Dương (225.853), Đồng Nai (59.015), Long An (33.806), Tiền Giang (15.105).
Số bệnh nhân khỏi bệnh được công bố trong ngày là 1.136. Tổng số ca được điều trị khỏi đến nay là 792.980 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.543 ca, trong đó:
- Thở oxy qua mặt nạ: 2.358
- Thở oxy dòng cao HFNC: 509
- Thở máy không xâm lấn: 121
- Thở máy xâm lấn: 534
- ECMO: 21
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Số bệnh nhân tử vong giảm cả nước, nhưng TP.HCM vẫn cao
Trong ngày ghi nhận 75 ca tử vong, trong đó tại TP.HCM (51), Bình Dương (14), Đồng Nai (3), Sóc Trăng (1), Lâm Đồng (1), Cà Mau (1), Đà Nẵng (1), Tây Ninh (1), Tiền Giang (1), An Giang (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 86 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.269 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong ngày 17-10, có 1.312.650 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 63.434.180 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 45.281.937 liều, tiêm mũi 2 là 18.152.243 liều.
Bộ Y tế chỉ đạo ngành y tế tỉnh Phú Thọ, tỉnh mới ghi nhận ổ dịch cộng đồng chưa rõ nguồn lây, tiếp tục mở rộng điều tra dịch tễ, truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với các bệnh nhân, thực hiện cách ly y tế kịp thời và đảm bảo không để lọt các trường hợp tiếp xúc gần.
Lấy mẫu xét nghiệm diện rộng các trường hợp nguy cơ (bao gồm: người thân; giáo viên, học sinh Trường THCS Chu Hóa, Trường tiểu học Chu Hóa; người tiếp xúc gần...), tiến hành xét nghiệm khẳng định và trả lời kết quả nhanh nhất để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Bộ Y tế tiếp tục xây dựng công cụ báo cáo trực tuyến để các tỉnh/thành phố tự cập nhật, công khai các vùng dịch và cấp độ dịch ở tất cả các địa phương trong cả nước, phù hợp với quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12-10 của bộ trưởng Bộ Y tế.
Tỉnh Phú Thọ: Toàn tỉnh đang ở cấp độ 2 (số ca mắc mới đạt 2,6 ca/100.000 dân/tuần; tỉ lệ tiêm vắc xin người từ 65 tuổi trở lên chưa đạt yêu cầu).
Cấp huyện: toàn tỉnh có huyện Lâm Thao, Phù Ninh và thành phố Việt Trì được đánh giá ở cấp độ 2; các huyện, thị còn lại ở cấp độ 1 (không phát hiện ca mắc trong hai tuần qua).
Cấp xã: toàn tỉnh có 1 xã được đánh giá ở cấp độ 4 (Chu Hóa - TP Việt Trì); 1 xã được đánh giá ở cấp độ 3 (Hùng Sơn - Lâm Thao); 9 xã được đánh giá ở cấp độ 2 và các xã/phường/thị trấn khác được đánh giá ở cấp độ 1.
- Ngày 18-10, Sở Y tế TP.HCM cho biết Bệnh viện thu dung, điều trị COVID-19 quận 11 đã chính thức đi vào hoạt động theo chủ trương mỗi quận, huyện cần phải có 1 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 trong tình hình mới.
Bệnh viện có chức năng tổ chức thu dung, điều trị cho người bệnh thể nhẹ, vừa, nặng và không có triệu chứng theo các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, với quy mô 300 giường bệnh, trong đó có 250 giường có hệ thống oxy trung tâm, 25 giường hồi sức tích cực.
- Phú Thọ đã điều động gần 1.000 nhân viên y tế tại 12 đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tham gia công tác rà soát, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tại địa bàn thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao và Phù Ninh.
Phú Thọ ghi nhận 123 ca mắc mới, chưa rõ nguồn lây ban đầu. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu làm rõ nguyên nhân để lây lan dịch bệnh ở Trường tiểu học và THCS Chu Hóa và xử lý kỷ luật nếu có vi phạm.
- Thông tin trên Cổng tiêm chủng quốc gia cho biết đến 12h ngày 18-10, cả nước đã tiêm được 64.116.359 liều vắc xin COVID-19, trong đó ngày 17-10 đã tiêm 1.514.583 liều. Số lượng tiêm của ngày 17-10 và ngày 16-10 tương đương nhau.
Khoảng 62% người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, tỉ lệ tiêm đủ liều đạt 25% người từ 18 tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận