15/10/2022 09:06 GMT+7

Tìm về phong vị gốc của phở

VŨ TUẤN - HÀ THANH
VŨ TUẤN - HÀ THANH

TTO - Sáng 14-10, vòng sơ khảo khu vực phía Bắc cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon" 2022 tổ chức tại Hà Nội. 21 thí sinh tham dự trình diễn 21 bí quyết nấu phở ngon khác nhau với những bát phở độc đáo.

Tìm về phong vị gốc của phở - Ảnh 1.

Ban giám khảo chúc mừng các thí sinh vượt qua vòng sơ khảo - Ảnh: NAM TRẦN

Chuỗi sự kiện Ngày của phở khởi động từ cuối tháng 9. Từ khi phát động cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon", hôm nay cuộc thi chọn ra được top 5 thí sinh để bước vào tranh tài tại vòng chung kết.

Người trẻ tìm về cách nấu phở truyền thống

Thí sinh Vương Đức Bằng, dân tộc Mông ở Quản Bạ, Hà Giang, gây bất ngờ tại cuộc thi với món phở ngô. Nước dùng, thịt bò chế biến theo cách truyền thống nhưng sợi bánh phở được làm từ ngô. Bằng cho hay lương thực chính của người Mông ở vùng cao Hà Giang là ngô. Họ chế biến ra nhiều món như ngô hấp (mèn mén), bánh ngô, cháo ngô...

Đến với cuộc thi, Bằng mong muốn mang đến một cách nấu phở rất riêng vừa giữ được hương vị truyền thống của người miền xuôi, lại kết hợp được với nguyên liệu, thói quen ẩm thực của đồng bào vùng cao. 

Toàn bộ nguyên liệu từ bánh phở, thịt bò, nước dùng và những loại gia vị, rau thơm... là sản vật của bà con vùng cao Hà Giang được Bằng mang xuống thủ đô để tranh tài cùng các thí sinh.

Bằng đang làm đầu bếp cho một khu du lịch ở Quản Bạ, anh từng nấu món phở ngô để giới thiệu với khách du lịch những nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người Mông địa phương.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Châu, Việt kiều Úc, trình diễn ở cuộc thi cách nấu phở truyền thống. Nước xương được anh ninh kỹ, kết hợp với mía, sá sùng để tạo độ ngọt và tỉ lệ chuẩn các loại gia vị gừng, hồi, quế... 

Anh Châu cho hay bí quyết nấu phở ngon không phải từ những nguyên liệu gì lạ, nhưng độc đáo là ở chỗ dùng những nguyên liệu ấy ra sao, kết hợp mùi, vị thế nào... mới là yếu tố để tạo nên một bát phở ngon.

Phần thi của thí sinh Ngọc Châu được ban giám khảo đánh giá rất cao vì tìm lại được chất mộc mạc và tinh túy của những nguyên liệu, phương pháp nấu phở truyền thống.

"Khi xướng tên thí sinh 001 hoàn thành xong phần thi đầu tiên, tôi rất hồi hộp, cũng rất vui. Nhận được nhận xét của ban giám khảo, tôi sẽ thay đổi nhìn nhận lại những gì mình chưa làm được, cũng bởi nấu phở phải học hỏi không ngừng, nếu yêu thì phải học hỏi", anh Châu nói.

Thí sinh Đồng Văn Quang (ở Nam Định) mang đến cuộc thi cách nấu phở truyền thống của làng Giao Cù - một trong những cái nôi cổ xưa nhất của phở. Phở Nam Định đậm đà, tạo ngọt và kích thích vị giác bằng nước mắm ngon. Cách điều vị bằng nước mắm rất khó, nếu sai tỉ lệ, chọn nước mắm khác độ đạm, khác mùi... sẽ có tác dụng ngược khiến bát phở quá dậy mùi hoặc quá đậm.

Nghệ nhân ẩm thực dân gian Phạm Thị Ánh Tuyết vui mừng chia sẻ, các bạn thí sinh tranh tài tại cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon" đã tìm về truyền thống ẩm thực Việt Nam. 

"Hôm nay ở cuộc thi này hầu hết thí sinh là người trẻ tuổi. Các bạn cần hiểu và nghiên cứu sâu thêm về văn hóa ẩm thực phở Việt, bất kỳ vùng miền nào như Hà Nội, Nam Định... Các bạn cần nghiên cứu sâu để hiểu về từng nguyên liệu, đặc trưng vùng miền. 

Chẳng hạn hôm nay chúng tôi ấn tượng nhất với thí sinh người dân tộc Mông ở Quản Bạ (Hà Giang) đã mang đặc trưng văn hóa ẩm thực, truyền thống "mèn mén" sáng tạo ra món phở ngô", bà Tuyết nhận xét.

Trong số các giám khảo tại vòng sơ khảo có ông Kajiwara Shinsuke, trưởng phòng marketing Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, cho biết việc các thí sinh sáng tạo để tạo ra điểm mới là cách làm hay nhưng các bạn cần phải hiểu rõ thêm về truyền thống phở Việt. 

"Đồng hành với báo Tuổi Trẻ tổ chức Ngày của phở, chúng tôi mong muốn truyền tải đến mọi người hiểu hơn về truyền thống của phở, cũng như hiểu rõ cách làm phở theo phong cách truyền thống, từ đó giúp mọi người có sự sáng tạo kết hợp với truyền thống để có những sáng tạo cái mới để lan tỏa về ý nghĩa, văn hóa của phở không chỉ ở Việt Nam mà còn lan rộng ra thế giới", ông Shinsuke chia sẻ.

Định vị giá trị của phở

Ngày của phở 12-12 năm nay sẽ được tổ chức tại tỉnh Nam Định với chủ đề "Tinh hoa hội tụ". Từ nay đến hết tháng 12, hàng loạt hoạt động quảng bá cho món phở sẽ được tổ chức. Trong đó, đáng chú ý là các hoạt động trải nghiệm chế biến và thưởng thức phở cho các phu nhân đại sứ tại Việt Nam.

Cũng tại Nam Định, trong khuôn khổ Ngày của phở sẽ diễn ra hội thảo "Hương phở bay xa" nhằm lắng nghe, tìm kiếm những ý tưởng đóng góp cho công cuộc phát triển phở đi khắp năm châu - phối hợp cùng Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam tổ chức... 

Cùng với đó, tại gala Ngày của phở chính thức diễn ra tại công viên Vị Xuyên (Nam Định) với những thương hiệu độc đáo từ các vùng miền hội tụ cùng những anh tài xứ phở Nam Định...

Đặc biệt, lần đầu tiên series "Bạn hiểu phở nhiều chưa?" với chương trình "Phở xuống phố" có sự đồng hành của hoa hậu H’Hen Nie, ca sĩ Hà Vân và MC Vũ Mạnh Cường cùng các TikToker đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của gần 40 quán phở hai miền Nam - Bắc cùng hàng trăm thực khách.

Nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết năm nay ban tổ chức chương trình lựa chọn tổ chức chuỗi sự kiện tại tỉnh Nam Định - là một trong những nơi khai sinh ra món phở Việt - Nam Định.

"Đây là một trong những nơi tinh túy nhất của văn hóa ẩm thực nói chung, đặc biệt món phở Việt nói riêng, là nơi tập trung và quy tụ các nghệ nhân cũng như đầu bếp phở Việt để lan tỏa món phở Việt ra với mọi người", ông Toàn nói.

Theo nhà báo Xuân Toàn, Nam Định được ví là mảnh đất sản sinh ra nhiều nghệ nhân, đầu bếp về phở và thành danh từ món phở. Đặc biệt, chính tại nơi này nổi danh với làng Vân Cù có "tuyệt kỹ phở", có rất nhiều người sau khi đi xa lập nghiệp trở về đã thành công với thương hiệu phở Nam Định.

Ban tổ chức cuộc thi cho biết các thí sinh được lựa chọn vào top 5 rất đa dạng, trong đó có thí sinh tại vùng cao ở nơi khó khăn Hà Giang, nguyên liệu không chỉ hạt gạo mà còn là hạt ngô, có thí sinh Việt kiều từ Úc trở về nước cũng đăng ký tham gia cuộc thi.

"Chúng ta nấu ra một món phở ngon, thông qua tô phở truyền được văn hóa truyền thống, văn hóa ẩm thực Việt để nâng cao giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Qua đó góp phần nâng cao giá trị của hạt gạo Việt", nhà báo Xuân Toàn mong muốn.

Ông Lã Quốc Khánh, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, gửi lời cảm ơn đến báo Tuổi Trẻ là cơ quan khởi động đầu tiên về Ngày của phở. Ông cũng gửi lời chúc mừng năm thí sinh đã bước tiếp vào vòng trong đã tạo ra được bát phở ngon mà hôm nay mọi người được thưởng thức.

Bước sang năm thứ sáu, rất nhiều đơn vị, tổ chức đã đồng hành cùng Ngày của phở 12-12 để tạo ra sự lan tỏa trong công chúng về phở, không dừng lại ở người Việt tự hào về món phở Việt mà lan tỏa hứng khởi ra vớ bạn bè quốc tế. 

Với sứ mệnh không chỉ bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa trong ngành ẩm thực, ông Khánh bày tỏ vui mừng được hợp tác với báo Tuổi Trẻ để thông qua Ngày của phở có thể giới thiệu, công bố món phở truyền thống Việt ra với du khách trong và ngoài nước, từ đó đóng góp tích cực cho hoạt động du lịch Việt Nam, quảng bá ra bạn bè thế giới.

pho

Họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày của phở 12-12 - Ảnh: NAM TRẦN

Ngày của phở 12-12 năm nay là chuỗi sự kiện do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, phối hợp cùng Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, UBND tỉnh Nam Định tổ chức. Gala Ngày của phở sẽ diễn ra tại Nam Định từ 10 đến 12-12, có sự đồng hành của Acecook Việt Nam, No.1, Sasco, Sâm Ngọc Linh K5, Tương ớt Chinsu...

Sự kiện họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày của phở 12-12 có sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, và sự đồng hành của Trung tâm Phụ nữ và phát triển cùng các đơn vị trên, tổ chức vào chiều 14-10.

MINH HUỲNH

Bắt gặp ‘siêu nhân Gao’ ăn phở tại Hà Nội Bắt gặp ‘siêu nhân Gao’ ăn phở tại Hà Nội

Chàng ‘Gao đỏ’ Noboru Kaneko và ‘Gao xanh’ Takeru Shibaki đã có mặt tại Hà Nội, cùng thưởng thức món ăn truyền thống của người Việt Nam.

VŨ TUẤN - HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên