Ảnh mô phỏng bề mặt một hành tinh quay quanh ngôi sao lùn TRAPPIST-1 - Ảnh: ESO/M. Kornmesser |
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature ngày 2-5 của nhóm nhà thiên văn quốc tế, dẫn đầu là Bỉ, ba hành tinh có kích thước tương đương Trái đất này quay quanh một ngôi sao lùn ở một khoảng cách đủ gần để nhận được lượng nhiệt cần thiết hình thành nên nước trên bề mặt, một điều kiện quan trọng để nuôi dưỡng sự sống.
Đây cũng là lần đầu tiên họ phát hiện hành tinh xung quanh loại sao này, mở ra những vùng tìm kiếm mới đầy hứa hẹn cho những người mơ mộng về sự sống ngoài hành tinh.
Phù hợp với sự sống
Các nhà khoa học đã dùng kính thiên văn TRAPPIST ở trạm quan sát La Silla đặt tại Chile để theo dõi ngôi sao TRAPPIST-1, nằm trong chòm sao Bảo Bình, trong 62 đêm từ tháng 9 đến tháng 12-2015.
Họ phát hiện ngôi sao TRAPPIST-1 mờ nhẹ đều đặn theo một khoảng thời gian, một dấu hiệu chứng tỏ có vài vật thể trong quỹ đạo của ngôi sao đi ngang qua giữa nó và Trái đất.
Qua phân tích chi tiết, các nhà khoa học phát hiện ba hành tinh có cùng kích cỡ với Trái đất quay quanh TRAPPIST-1.
“Lần đầu tiên chúng tôi thấy những hành tinh có kích thước và nhiệt độ gần giống với Trái đất, nên về lý thuyết có thể nuôi dưỡng nước và sự sống trên ít nhất một phần bề mặt của chúng và với các thành phần khí quyển có thể được nghiên cứu kỹ bằng công nghệ hiện đại” - nhà nghiên cứu Michael Gillon của Đại học Liège (Bỉ) hào hứng kể trên trang Popular Mechanics.
Các hành tinh ở rất gần ngôi sao lùn, hai hành tinh gần nhất quay hết quỹ đạo của nó chỉ trong 1,5 - 2,4 ngày, trong khi hành tinh thứ ba là 4 - 73 ngày. Hai hành tinh bên trong bị khóa thủy triều, đồng nghĩa với việc một nửa của nó luôn là ngày và nửa còn lại luôn là đêm.
Tuy nhiên, theo giáo sư Adam Burgasser của Trung tâm khoa học không gian và vật lý học thiên thể Đại học California San Diego, hai hành tinh gần nhất nhận được bức xạ từ ngôi sao lùn nhiều gấp bốn lần bức xạ Mặt trời tỏa xuống Trái đất, cho thấy chúng nằm trong “vùng sự sống”, được xác định bằng khoảng cách từ hành tinh đến ngôi sao mà nó quay quanh.
Với nhiệt lượng mà chúng nhận được, các nhà khoa học cho rằng bề mặt các hành tinh này không quá nóng, cũng không quá lạnh và có thể có các điều kiện để tạo thành nước.
Hành tinh thứ ba nhận được lượng bức xạ thấp hơn một nửa và được đánh giá là hành tinh lý tưởng nhất cho sự sống.
Ngôi sao lùn, được đặt tên là TRAPPIST-1, không phải là loại ngôi sao mà các nhà khoa học hi vọng có thể tìm thấy các hành tinh xung quanh nó, dù các ngôi sao như vậy có rất nhiều trong dải ngân hà.
Nó là loại sao đang ở giai đoạn cuối với nhiệt độ chỉ bằng một nửa và kích thước bằng 1/10 so với Mặt trời. Nó đỏ và rất mờ nên hầu như không thể thấy bằng mắt thường hay các kính thiên văn nghiệp dư.
Do đó các ngôi sao lùn mờ nhạt thường bị bỏ qua cho đến khi nhà nghiên cứu Gillon định nghiên cứu chúng.
Trúng xổ số
“Các hệ thống xung quanh những ngôi sao nhỏ này là nơi duy nhất chúng ta có thể phát hiện sự sống trên các ngoại hành tinh bằng công nghệ hiện tại. Vì vậy đó là nơi chúng tôi bắt đầu tìm kiếm” - ông Gillon nói.
Công nghệ hiện tại phân tích bước sóng của ánh sáng ngôi sao khi nó đi qua khí quyển của một hành tinh để phân tích các thành phần trong bầu khí quyển đó.
“Nhưng với tất cả các ngoại hành tinh có thể có sự sống được phát hiện đến nay, việc nghiên cứu chi tiết khí quyển của chúng là điều bất khả thi vì các ngôi sao chủ thể quá sáng và quá lớn sẽ lấn át tín hiệu từ các hành tinh” - ông Gillon giải thích.
Nhưng hệ hành tinh mới phát hiện ở rất gần, chỉ cách 40 năm ánh sáng, nên việc nghiên cứu khí quyển và dấu hiệu sự sống của chúng sẽ dễ hơn nhiều.
“Chúng ta có thể nghiên cứu khí quyển cùng cấu tạo của chúng và chỉ trong thế hệ này thôi, có thể đánh giá liệu chúng có thể phù hợp với sự sống hay không - đồng tác giả nghiên cứu Julien de Wit, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, nói - Tất cả những điều này đều nằm trong tầm với. Nó như một giải xổ số trong lĩnh vực này vậy”.
Theo AP, các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu khí quyển của ba hành tinh trên bằng kính viễn vọng Spitzer của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và kính viễn vọng không gian Hubble cũng sẽ vào cuộc nghiên cứu vào tuần sau.
“Chúng ta biết rằng sự sống trên Trái đất cần nước, năng lượng và các hợp chất hữu cơ. Ba yếu tố này rất thường có trong vũ trụ - ông Gillon nói - Nhưng điều chúng ta không biết là liệu chúng có đủ (để tạo nên sự sống) hay không, hay sự sống chỉ là một sự tình cờ trong vũ trụ”.
Tuy nhiên, giới khoa học nhận định việc phát hiện một hệ hành tinh xoay quanh một ngôi sao nhỏ như vậy mở ra một hướng nghiên cứu mới. “Đây chỉ mới là bắt đầu - ông Julien de Wit khẳng định - Cuộc phiêu lưu lớn vẫn còn ở phía trước”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận