Một buổi học bằng tiếng Anh của sinh viên khoa CNTT - chương trình tiên tiến Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG
Nhiều sinh viên chưa nhận ra nguyên tắc cốt lõi này dẫn tới việc không có phương pháp học tiếng Anh khoa học và đem lại tiến bộ.
Nghe giảng - học bài chưa đủ
Cách đây 6 năm, Chu Tuấn Tú (sinh năm 1993, TP.HCM), sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM, thường than thở tiếng Anh là môn học của người khác chứ không phải của mình.
Tú kể từ năm nhất đến năm 4 luôn theo các khóa học tiếng Anh đều đặn, về nhà làm bài tập thường xuyên nhưng khả năng nói tiếng Anh vẫn giậm chân tại chỗ. Mỗi khi gặp người nước ngoài lại không thể thốt ra một câu hoàn chỉnh, dù là những tình huống đơn giản như chỉ đường.
Cũng như Tú, không ít sinh viên trăn trở mình cũng không đến nỗi "dốt" nhưng học bài hôm nay thì quên bài tuần rồi, và ôn lại những từ vựng tuần rồi thì chẳng nhớ nổi những cụm từ học tháng trước. Khi số lượng từ vựng và bài học ngày càng nhiều trong khi vẫn chưa có cách quản lý những gì đã học, sinh viên thường chán nản và dễ dẫn đến bỏ cuộc.
Nguyễn Văn Bảo Quốc (1997, quê Tiền Giang), hiện là sinh viên năm cuối khoa ngữ văn Anh Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ trước đây đêm nào Quốc cũng học bài đến rất khuya, ngồi đọc lớn những từ đã học trong ngày, lặp đi lặp lại.
"Tới đầu năm 3 mình nhận thấy cách học trước đây chỉ giúp mình nhớ những từ riêng lẻ chứ không giúp mình phản xạ khi đặt những câu dài. Mình không hiểu được trọn vẹn ý nghĩa người ta nói và phát âm chưa chuẩn" - Quốc nói.
Một giảng viên tiếng Anh người nước ngoài tại Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ nhiều học trò của ông học một cách rất kỳ lạ: vào lớp thường không hoạt động, bất kể là giờ luyện đọc và nghe, khi đặt một câu hỏi nào đó thường hiếm khi giơ tay trả lời dù đó là cơ hội giao tiếp.
"Tiếng Anh không chỉ là một môn ngữ để đi thi mà đó là một văn hóa, tựa như một hồ nước để đắm chìm vào bên trong rồi qua ngày ngôn ngữ mới có thể thấm vào trong tâm trí bạn, giúp bạn thuần thục" - giảng viên này nhấn mạnh.
Cần môi trường để thụ đắc
ThS Nguyễn Xuân Triều, giảng viên khoa ngữ văn Anh Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho rằng lĩnh hội một ngôn ngữ có ít nhất 2 cách thức: learning (sự học) và acquisition (sự thụ đắc).
Learning nghĩa là chú tâm, và có chủ đích hướng tâm mình để học, ghi nhận và ghi nhớ một điều gì đó, như việc bạn vô lớp ngồi học hay vào bàn học với mục đích học rõ ràng. Acquisition là một cách lĩnh hội khác - không có chủ đích - như việc coi một bộ phim tiếng Anh chỉ vì giải trí.
"Bạn không hề có chủ đích học cái gì trong đó cả, nhưng một cách vô thức, bạn lại học được một điều hay, chẳng hạn về ngữ điệu hay từ lóng trong bộ phim đó" - thầy Triều chia sẻ.
Thầy Triều giải thích thêm, acquisition thường chậm hơn learning nhưng tự nhiên hơn. Những người có nhiều acquisition thường có cách sử dụng tiếng Anh giống với người bản ngữ hơn là những bạn chỉ sử dụng phương pháp learning.
Theo thầy Triều, để tối ưu hóa aquisition, người học cần có môi trường mà tiếng Anh là công cụ giao tiếp chính, cần có sự cọ xát với tiếng Anh liên tục như coi một tập phim, trò chuyện, giải thích vấn đề, thảo luận... bằng tiếng Anh.
Trường hợp của Tuấn Tú (kể trên) là một ví dụ. Sau nhiều năm không sử dụng tiếng Anh, Tú quyết tâm học ngôn ngữ này thêm một lần nữa trước khi tìm kiếm một cơ hội mới cho bản thân.
Không có chủ đích nhưng lúc này Tú sử dụng ứng dụng nhắn tin Hangouts, giúp có thể chat với người nước ngoài, và nhận thấy giao tiếp không khó như mình tưởng. Tú nói giao tiếp được bằng tiếng Anh dù chỉ là những câu đơn giản cũng làm bạn có thêm động lực học, từ đó giúp Tú đạt mốc 600 điểm trong bài thi TOEIC.
Trong khi đó, từ khi nhận ra cách học chưa chuẩn của mình, Bảo Quốc ý thức tạo môi trường cho chính mình bằng nhiều cách khác nhau như dùng phần mềm gọi video (Skype) kết bạn và nói chuyện với những người nước ngoài.
Quốc cũng đăng ký làm trợ giảng tại một trung tâm tiếng Anh để có thêm cơ hội tiếp xúc với ngôn ngữ và dễ học hỏi các giảng viên bản xứ trong thời gian rảnh. Ngoài ra, Quốc cùng một người bạn thử đón khách du lịch theo hình thức homestay: cùng nhau ăn ở và sinh hoạt để mài giũa tiếng Anh.
"Nếu có điều kiện hãy làm hình thức homestay này, đảm bảo chỉ sau tầm 3 tháng, khả năng nói tiếng Anh sẽ được nâng cao. Quan trọng người học nên chủ động tìm ra cách thức phù hợp với mình" - Quốc cười nói.
Việc học vẫn là gốc
Môi trường sử dụng ngôn ngữ có ảnh hưởng lên chất lượng học tiếng Anh nhưng theo thầy Triều, đó không phải là yếu tố duy nhất. Môi trường sử dụng tiếng Anh góp phần lớn vào sự tự nhiên và thoải mái trong giao tiếp, giúp người học có điều kiện tiếp xúc và trau dồi tiếng Anh ở tần suất cao, qua đó giúp tối đa hóa acquisition, nhưng không hoàn toàn thay thế được learning.
Learning giúp sự lĩnh hội ngôn ngữ một cách nhanh chóng, hiệu quả, bài bản, lớp lang và có hệ thống. Môi trường Anh ngữ sẽ giúp người học rèn giũa thêm ngôn ngữ mình dùng, thêm chỗ này, bớt chỗ kia, thêm sự tự nhiên, uyển chuyển nhưng không thể thay thế sự học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận