18/02/2025 17:09 GMT+7

Tìm lý do giá gạo xuất khẩu giảm, nhưng giá trong nước vẫn cao

Thị trường quốc tế ghi nhận gạo Việt Nam xuất khẩu giảm sâu, duy trì ở mức dưới 400 USD/tấn. Đối lập với giá gạo xuất khẩu, nhiều bà nội trợ ra chợ mua gạo với mức giá… như chưa hề có chuyện giá gạo đang giảm!

Tìm lý do giá gạo xuất khẩu giảm, nhưng giá trong nước vẫn cao - Ảnh 1.

Giá gạo Việt xuất khẩu giảm, nhưng nhiều bà nội trợ ra chợ mua gạo với mức giá không đổi so với đỉnh giá năm 2024 - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Ngày 18-2, Tuổi Trẻ Online ghi nhận thị trường giá gạo nội địa tại các chợ truyền thống, siêu thị ở TP.HCM. Tại các chợ, đa số giá gạo... vẫn không giảm.

Cụ thể, tại chợ Tân Định (quận 1, TP.HCM), gạo nở có mức 16.000 - 17.000 đồng/kg, gạo thơm Mỹ 19.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa dao động 23.000 - 24.000 đồng/kg, gạo Tám Thái 20.000 đồng/kg; cao nhất là 38.000 đồng/kg gạo ST25.

Đây là mức giá mà chị My - chủ đại lý gạo chợ Tân Định - khẳng định là gần như không đổi so với đỉnh giá năm ngoái.

Chị My lý giải: "Lương nhân viên đứng quầy năm nay tăng, chi phí sạp, kho bãi mọi thứ đều tăng và tiền tươi thóc thật. Nhiều đầu mối không cho giãn nợ như các năm, gạo giảm ở đâu chứ ở chợ vẫn vậy vì chi phí xung quanh không giảm".

Tương tự, tại siêu thị trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) bán rất nhiều loại gạo với khoảng từ 17.000 đồng đến gần 40.000 đồng/kg. Còn các loại gạo thơm ST25 có mức 189.000 - 230 đồng/túi 5kg.

Chị Nguyễn Thị Thanh (ngụ quận 3, TP.HCM) kể vừa mua gạo ST25 túi 5kg có mức 228.000 đồng. "Tôi ghé vào siêu thị mua gạo, cầm trên tay 300.000 đồng vì mức giá đã nằm lòng với tôi cũng như các bà nội trợ khác, bởi giá này y như giá của 3 - 4 tháng trước", chị Thanh khẳng định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phan Văn Có - giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice - thừa nhận gạo Việt xuất khẩu đang giảm mạnh do phải cạnh tranh các nước trong khu vực, nhưng gạo ở chợ, siêu thị các thành phố lớn không giảm, chủ yếu do khâu trung gian khống chế giá.

"Gạo Việt được tiêu thụ mạnh ở các thành phố lớn, chủ yếu gạo thơm, gạo ngon, gạo chất lượng cao. Vận chuyển từ vùng trồng lên thành phố mất nhiều chi phí, cộng chi phí mặt bằng kho xưởng tăng, đây là hai lý do cơ bản để gạo đến tay người tiêu dùng ở thành phố lớn không thể giảm được.

Ngoài ra, các hộ kinh doanh gạo ở thành thị không muốn bán giảm, vì bảo toàn giá để bảo toàn lợi nhuận", ông Có phân tích.

Tương tự, theo các doanh nghiệp gạo, các chi phí liên quan như vận chuyển, lưu kho, nhân công đều tăng; hao hụt trong quá trình bảo quản gạo nhiều nên khiến giá gạo bán ra thị trường khó giảm nhanh.

Về phía các siêu thị, chủ yếu tập trung vào phân khúc gạo trung và cao cấp, ít biến động, trong khi các hợp đồng cung ứng giữa siêu thị và nhà phân phối dài hạn nên giá bán lẻ ít bị tác động ngay khi giá gạo nguyên liệu giảm.

Gạo Việt "tụt" giá thấp nhất trong nhóm 4 nước xuất khẩu

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện mỗi kg lúa thường tại ruộng bình quân 5.400 đồng, lúa thơm 7.000 - 8.500 đồng. Tại kho, giá lúa thơm giảm xuống 8.000 - 9.500 đồng một kg, thấp hơn 40 - 50% so với năm ngoái.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang duy trì ở mức dưới 400 USD/tấn.

Cập nhật số liệu từ VFA, ngày 18-2, giá gạo Việt tiêu chuẩn 5% ở mức 395 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 372 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 310 USD/tấn.

Hiện gạo xuất khẩu của Việt Nam đang thấp nhất trong nhóm 4 nước xuất khẩu hàng đầu, gồm Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan.

Giá lúa rẻ, giá gạo xuất khẩu giảm, sao ra chợ mua gạo giá vẫn cao? - Ảnh 2.Người dân miền Tây ùn ùn đi mua gạo về dự trữ vì giá gạo rẻ

Những ngày qua, hàng ngàn lượt người dân đổ về các nhà máy xay xát, công ty chế biến lúa gạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang để mua gạo về dự trữ, bởi gạo đang rớt giá khoảng 200.000 đồng mỗi bao loại 50kg.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên