18/01/2025 12:45 GMT+7

10 tấn gạo bán trong vòng 1 tiếng, ngành công thương lý giải

Ngày 18-1, người dân vẫn tiếp tục đến các nhà máy xay xát, công ty xuất khẩu gạo để mua gạo về dự trữ, thậm chí nhiều người còn dùng xe tải chở gạo đến các vùng sâu, vùng xa để bán cho người dân.

10 tấn gạo bán trong vòng 1 tiếng, ngành công thương lý giải - Ảnh 1.

Không chỉ bán tại các nhà máy xay xát, các công ty xuất khẩu gạo, mà hiện nay nhiều công ty còn có xe tải chở gạo đến các vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Tiền Giang bán cho người dân - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

10 tấn gạo bán trong vòng 1 tiếng

Sáng cùng ngày, tại một bãi đất trống gần UBND xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, hàng chục người dân đang vây quanh một chiếc xe tải chở đầy gạo để mua gạo giá rẻ. Có hai loại gạo được rao bán, đó là gạo Sa Mơ và gạo Thơm với giá lần lượt là 600.000 đồng và 750.000 đồng mỗi bao loại 50kg.

Nhiều người vây quanh xe tải chở gạo để mua về dự trữ ăn dần, vì sao? - Video: MẬU TRƯỜNG

"Mấy hôm trước tui mua tại nhà máy còn rẻ hơn vậy nữa, nhưng giá này cũng đã rẻ hơn trước đây chừng 200.000 đồng mỗi bao rồi. Hôm nay tôi mua thêm một bao Sa Mơ nữa về để ăn dần", ông Nguyễn Văn Dũng, ngụ thị xã Cai Lậy, nói.

Chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ, chiếc xe tải chở hơn 10 tấn gạo đã bán hết. Hầu hết người dân ghé mua từ 50kg đến 100kg về dự trữ để ăn dần, vì giá đang rẻ hơn rất nhiều so với giá cách đây khoảng 1 tuần. Nguyên nhân khiến giá gạo đang giảm và các nhà máy xay xát, các công ty phải xả kho bán lẻ cho người dân -được các thương nhân cho biết- là do xuất khẩu đang gặp khó khăn, không có đơn hàng mới.

Lý giải rõ hơn về nguyên nhân khiến giá gạo giảm, ông Lưu Văn Phi - giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang - cho biết thị trường nhập khẩu gạo từ Việt Nam lớn nhất hiện nay là: Philippines, Indonesia… hiện đã ngưng nhập khẩu.

Trong khi đó theo ông Phi, qua khảo sát ý kiến các thương nhân xuất khẩu gạo, hiện Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, lượng gạo dồi dào đang tạo ra sức ép giảm giá trên thị trường. Lượng gạo dự trữ cao cho phép Ấn Độ tăng cường xuất khẩu mà không làm ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam bị ảnh hưởng

Cũng theo một số chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu gạo, đối với nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường lớn của Việt Nam, Philippines là thị trường nhập khẩu lớn nhất đã tạm ngừng nhập khẩu gạo. Bên cạnh đó, kế hoạch hợp tác giữa Philippines và các nước như Pakistan, Ấn Độ cũng gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Còn với Indonesia, mới đây giới chức trách nước này đã tuyên bố sẽ không nhập khẩu một số sản phẩm nông sản, bao gồm gạo trong năm 2025, nhờ nguồn dự trữ và sản lượng trong nước dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu. Thay vào đó, Indonesia sẽ thu mua gạo của nông dân trong nước để dự trữ.

Đây đều là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, do đó việc hạn chế việc nhập khẩu gạo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của các đơn vị trong nước. Bên cạnh đó, đầu năm các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa có đơn hàng mới nên xuất khẩu gạo giảm.

10 tấn gạo bán trong vòng 1 tiếng, ngành công thương lý giải - Ảnh 2.

Nhiều người dân tranh thủ giá gạo đang rẻ mua về dự trữ. Trong ảnh: Người dân mua 100kg gạo về để dự trữ, ăn dần - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

10 tấn gạo bán trong vòng 1 tiếng, ngành công thương lý giải - Ảnh 3.

Ngày 18-1, nhiều kho, nhà máy xay xát và các công ty vẫn tiếp tục bán lẻ gạo với giá rẻ hơn bình thường khoảng 200.000 đồng mỗi bao loại 50kg - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Ngành công thương lý giải nguyên nhân xuất khẩu gạo bị chững lại - Ảnh 4.Người dân miền Tây ùn ùn đi mua gạo về dự trữ vì giá gạo rẻ

Những ngày qua, hàng ngàn lượt người dân đổ về các nhà máy xay xát, công ty chế biến lúa gạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang để mua gạo về dự trữ, bởi gạo đang rớt giá khoảng 200.000 đồng mỗi bao loại 50kg.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên