09/07/2022 06:31 GMT+7

Tìm lối ra cho 'máy mượn, máy đặt'

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Doanh nghiệp cung ứng trang thiết bị vật tư y tế được xem là đơn vị đứng giữa bệnh viện và cơ quan quản lý nhà nước. Họ hiểu khá rõ các bất cập cũng như nhiều 'thỏa thuận ngầm' trong mượn - đặt máy tại các cơ sở y tế.

Tìm lối ra cho máy mượn, máy đặt - Ảnh 1.

Hệ thống máy đặt - máy mượn đang hoạt động tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: DUYÊN PHAN

Một giám đốc doanh nghiệp vật tư y tế khá lớn ở Việt Nam cho rằng lùm xùm xoay quanh các hệ thống máy mượn - đặt (phổ biến là đặt) trong các bệnh viện là một điều không đáng có. 

Bởi lẽ hình thức này đã được áp dụng từ lâu ở hầu hết các bệnh viện và có đánh giá là "được nhiều hơn mất", góp phần mang lại hiệu quả về kinh tế cho bệnh viện và chẩn đoán điều trị cho bệnh nhân.

Khả năng "bắt tay", lạm dụng chỉ định cao

Theo tìm hiểu, hiện có hai loại máy đang được các bệnh viện mượn, đặt nhiều bao gồm chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm. Trong đó, mục tiêu của doanh nghiệp khi đặt máy xét nghiệm là thu lợi nhuận từ việc bán hóa chất độc quyền. 

"Hầu hết các máy đặt đều theo dạng hóa chất đóng, tức độc quyền phân phối hóa chất. Bản chất của doanh nghiệp đầu tư phải có lợi nhuận, lúc đó họ phải cộng tất cả các chi phí sao cho đảm bảo thu hồi vốn. Như vậy giá hóa chất sẽ tăng lên so với giá mặt bằng chung", giám đốc doanh nghiệp trên nói.

Theo ông, thường với các máy đặt, doanh nghiệp cung ứng sẽ "hứa hẹn" chiết khấu cao. Do đó, khi một đơn vị được gọi vào bệnh viện đặt máy, mọi vấn đề "không hoàn toàn trong sáng".

Việc này có thể hiểu lãnh đạo bệnh viện và doanh nghiệp có thể cơ cấu giá theo thỏa thuận, điều này sẽ kéo theo việc lạm dụng các chỉ định nhằm tối ưu việc khai thác và thanh toán các dịch vụ từ máy đặt, máy mượn. 

Cứ nằm trong danh mục bảo hiểm y tế là chỉ định tối đa để bảo hiểm thanh toán hoặc nếu bảo hiểm y tế không thanh toán bệnh nhân sẽ bù tiền.

Cũng theo giám đốc doanh nghiệp trên, từng có lãnh đạo một địa phương can thiệp cho công ty "ruột" được đặt máy trong bệnh viện. Vị này dẫn chứng một mẫu xét nghiệm máu tính theo 1 chỉ số đường huyết thì tiền hóa chất mất khoảng 3.000 đồng, nhưng cơ cấu giá được tính cao lên từ 5.000 - 7.000 đồng. 

Từ đó kéo theo đầu vào của bệnh viện sẽ tăng, nguồn thu giảm và khoản chênh lệch sẽ được gửi lại cho một số lãnh đạo bệnh viện.

Kiểm soát cách nào?

Một giám đốc doanh nghiệp cung ứng vật tư y tế khác ở TP.HCM lại cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Bộ Tài chính có công văn yêu cầu không thực hiện máy mượn hoặc cho phép máy đặt trong bệnh viện. Ông cho rằng có thể cơ quan quản lý đã nhận thấy có sự "bắt tay" giữa bệnh viện và đơn vị cho mượn - đặt máy. 

Ông nói: "Hình thức này tốt nhưng không tránh khỏi việc một số cá nhân có động cơ lạm dụng trục lợi, đây là điều khiến mọi người đánh giá vấn đề theo một lăng kính tiêu cực mà chưa nhìn khách quan về các hiệu quả mà hình thức này mang lại. Do đó thay vì cấm, theo tôi phải "kiểm soát quyền lực" bằng cơ chế quản lý chặt chẽ hơn".

Với tư cách là một doanh nghiệp thường xuyên liên hệ bệnh viện "xí chỗ" đặt máy, ông này nói rằng trong cơ chế làm dự án đấu thầu trang thiết bị lớn và cơ chế liên doanh - liên kết chỉ trừ một thứ có thể minh bạch được, đó là đấu thầu vật tư tiêu hao hóa chất thường xuyên sử dụng. 

Bởi đây là sản phẩm có giá trị thấp, không thể "cài cắm" được nên đỡ được vấn đề tiêu cực. Còn lại tất cả các loại máy móc đưa lên, máy càng to, dự án càng lớn thì cơ chế "bắt tay" càng sâu!?

Lãnh đạo Bộ Tài chính: không cho phép để tránh phụ thuộc

Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm 8-7, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định quy định không cho phép cơ sở khám chữa bệnh được mượn máy hoặc cho phép đặt máy trong bệnh viện, tránh tình trạng phụ thuộc vào đơn vị cho mượn - đặt máy.

Trong công văn vừa gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế rà soát đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập.

Trường hợp Nhà nước chưa đảm bảo được đầy đủ, trong khi các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng biếu, tặng, cho, tài trợ, viện trợ máy móc thì cần phải xác lập sở hữu toàn dân và xử lý tài sản theo đúng quy định pháp luật.

Giải pháp nào xử lý trường hợp bệnh viện công thiếu máy móc, trang thiết bị, không đáp ứng hiệu quả công tác khám chữa bệnh? Đại diện Bộ Tài chính cho rằng đây là trách nhiệm của Bộ Y tế. Bộ Y tế cần rà soát, đánh giá để đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh.

Trường hợp thiếu máy móc, trang thiết bị y tế thì Bộ Y tế phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Giáo dục và y tế là hai lĩnh vực được ngân sách nhà nước luôn ưu tiên chăm lo và đầu tư.

L.THANH

"Không thể dừng"

Đó là khẳng định của giám đốc một bệnh viện lớn tại TP.HCM liên quan đến việc Bộ Tài chính nhiều lần "tuýt còi" nhưng Bộ Y tế và các bệnh viện không dừng hình thức máy mượn - đặt trong bệnh viện.

"Nếu sợ công ty làm giá thì đàm phán giá rồi thống nhất toàn quốc. Hơn nữa, hiện nay các công ty đa quốc gia đều chốt giá bán trên toàn thế giới như giá điện thoại và xe hơi. Theo tôi, đây là hiện thực khách quan, không nên cố chấp để rồi mất niềm tin vào cán bộ cũng như ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe người dân", vị này nói.

* Ông Cao Thành Trung (cán hộ Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu quốc gia, Bộ Kế hoạch và đầu tư):

Nên đấu thầu dịch vụ phi tư vấn

Ngay cả với quy định pháp luật hiện hành thì các bệnh viện công vẫn có thể áp dụng hình thức đấu thầu dịch vụ phi tư vấn để chọn doanh nghiệp đặt máy, cho mượn máy. Theo đó, các bệnh viện sẽ đấu thầu để thuê dịch vụ của doanh nghiệp.

Trong trường hợp cần thiết, các bệnh viện cũng có thể báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho chỉ định thầu các doanh nghiệp đặt máy, cho mượn máy theo điều 22 Luật đấu thầu.

Việc đấu thầu lựa chọn đơn vị đặt máy, cho bệnh viện mượn máy sẽ bảo đảm tính minh bạch, là cơ sở khách quan để bệnh viện chọn đơn vị A mà không chọn đơn vị B để cung ứng dịch vụ. Mục đích cuối cùng là tối đa lợi ích cho người bệnh.

BẢO NGỌC

NamTran-bvThanhNhan(HaNoi (2) 2(Read-Only)

Bệnh nhi vàng da được điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN

* Ông Lê Văn Phúc (trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam):

Chờ ý kiến của Bộ Y tế để thanh toán tiếp hay dừng

Trước năm 2015 không có quy định nào cho phép đặt máy tại bệnh viện. Đến 2015, khi đi kiểm tra nhiều cơ sở khám chữa bệnh, chúng tôi phát hiện nhiều cơ sở y tế có máy diện mượn - đặt. Trong đó có cả những hợp đồng ràng buộc luôn về số dịch vụ dùng máy mỗi năm hay số hóa chất sử dụng…

Chúng tôi đã báo cáo tình hình này và đề nghị Bộ Y tế, là đơn vị quản lý nhà nước, có hướng dẫn. Hướng dẫn sau đó là các đơn vị tổ chức đấu thầu vật tư, hóa chất thì đơn vị trúng thầu mới được đặt máy. Nhưng điều vướng là hợp đồng 1 năm, 2 năm, sau này đấu thầu lại thì vẫn đơn vị đó trúng vì máy là "máy đóng", không thể máy này nhưng hóa chất nọ mà phải cùng loại.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục kiến nghị, năm 2017 Bộ Tài chính có công văn và sau đó Chính phủ có nghị định 151 về các hình thức xã hội hóa tại cơ sở y tế công lập, trong đó không có hình thức đặt - mượn máy mà chỉ có cho, tặng hoặc thuê máy.

Năm 2018, Bộ Y tế đã hướng dẫn tiếp tục thanh toán cho các trường hợp máy đặt - mượn đã trúng thầu hóa chất. Tuy nhiên, tháng 5 vừa qua, Bộ Y tế đã hướng dẫn ngưng cho thanh toán dịch vụ sử dụng thiết bị này và sau đó lại cho phép thanh toán lại.

Ở vị trí là cơ quan chi trả phí khám chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm, chúng tôi sẽ thực hiện đúng hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước: Nếu Bộ Y tế hướng dẫn thanh toán tiếp thì chúng tôi thanh toán, nếu hướng dẫn dừng thì chúng tôi dừng, hay yêu cầu chuyển sang hình thức thuê mới thanh toán thì chúng tôi đều tuân thủ.

Ngày 7-7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản hỏi ý kiến Bộ Y tế về vấn đề này.

LAN ANH ghi

* TS Nguyễn Việt Hùng (nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý và đấu thầu, Bộ Kế hoạch và đầu tư):

Cần có quy định, kiểm soát

Tôi cho rằng Quốc hội đã cho các bệnh viện cơ chế tự chủ nên về nguyên tắc các bệnh viện được liên doanh, liên kết với bên ngoài trong hoạt động khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, mọi rắc rối hiện nay là do chúng ta không có quy định hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Tư nhân họ có tiền đầu tư máy xét nghiệm hiện đại và cung ứng hóa chất chạy máy, còn bệnh viện có bác sĩ và kỹ thuật viên vận hành máy trong quá trình khám chữa bệnh, sự hợp tác giữa hai phía rất tốt.

Thực tế nhiều năm qua sự hợp tác này đã phát huy hiệu quả trong khám chữa bệnh của các bệnh viện công. Vì thế, cần sớm bổ sung quy định pháp luật liên quan tới hợp tác liên doanh, liên kết giữa các bệnh viện công và tư nhân trong hoạt động đặt máy, cho mượn máy.

Theo điều 1 của Luật đấu thầu thì phạm vi điều chỉnh của luật không bao gồm hoạt động liên doanh, liên kết giữa Nhà nước và tư nhân. Khi sự thỏa thuận giữa bệnh viện công và tư nhân trong việc đặt máy, cho mượn máy không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu thì không thể bắt các bệnh viện phải đấu thầu thuê máy xét nghiệm của tư nhân.

Vì vậy, chủ trương cho bệnh viện công được tự chủ của Quốc hội cần được cụ thể hóa bằng một quy định mới, hướng dẫn các bệnh viện thực hiện. Trong mối quan hệ hợp tác đặt máy, mượn máy giữa tư nhân và bệnh viện công, cần có một cơ quan quản lý nhà nước đứng vai trò trung gian để giám sát, tránh những hành vi lợi dụng, trục lợi, móc túi người bệnh trong hoạt động khám chữa bệnh.

Trước khi bổ sung quy định mới cho hoạt động này cần đánh giá tổng kết yếu tố tích cực, tiêu cực của hoạt động đặt máy, mượn máy tại các bệnh viện công những năm qua. Và các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành quy định để quản lý, kiểm soát tiêu cực chứ không để "mất bò mới lo làm chuồng" như hiện nay.

* Luật sư Trương Thanh Đức (giám đốc Công ty Luật ANVI):

Thiếu quy định nên nhập nhèm

Nguồn lực của Nhà nước không bao giờ đủ để đầu tư máy móc, thiết bị khám chữa bệnh hiện đại cho tất cả các bệnh viện công trên cả nước. Vì không đáp ứng hết nhu cầu khám chữa bệnh của người dân nên mới nảy sinh hợp tác liên doanh, liên kết giữa bệnh viện công với các doanh nghiệp tư nhân trong hàng chục năm qua.

Chúng ta cần bổ sung quy định pháp luật rõ ràng theo hướng tạo điều kiện cho hoạt động đặt máy, mượn máy tại các bệnh viện công hiện nay chứ không nên cấm đoán vì chưa có quy định.

Trong bối cảnh ngành y tế rơi vào tình trạng thiếu thuốc men, vật tư, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh cho người dân, việc yêu cầu dừng hoạt động đặt máy, mượn máy là không phù hợp. Người thiệt cuối cùng là bệnh nhân.

Ngoài ra, hoạt động liên doanh, liên kết giữa bệnh viện công và tư nhân rất hiệu quả, vấn đề là không có quy định pháp luật để quản lý hoạt động này dù rất cần thiết và phù hợp với cuộc sống. Vì không có quy định nên mới nảy sinh tình trạng nhập nhèm giá cả, hạch toán sai, lỗi ở đây là thiếu quy định pháp luật.

Trong trường hợp phải bổ sung quy định về đấu thầu thuê máy xét nghiệm tại các bệnh viện thời gian tới, theo tôi, cần có cơ chế riêng chứ không thể áp dụng như đấu thầu thuê mua máy móc thông thường bởi việc thuê mua máy, thiết bị y tế có những đặc thù riêng.

BẢO NGỌC ghi

Tại sao “tuýt còi” không dừng?

TTR_thiet bi 3 (1) 2(Read-Only)

Hệ thống máy xét nghiệm máu tại một bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Vấn đề được nhiều người đặt ra là vì sao nhiều lần Bộ Tài chính "tuýt còi" nhưng Bộ Y tế và các bệnh viện vẫn không dừng hình thức hợp tác máy cho mượn, máy đặt?

Giám đốc một doanh nghiệp vật tư y tế lý giải rằng trên lý giải hình thức máy mượn - đặt trong các bệnh viện phát sinh từ khá lâu nay. Do đó đến nay quy mô áp dụng quá lớn khi hầu như các bệnh viện đều sử dụng, thậm chí có bệnh viện 100% là máy mượn - đặt.

Nếu dựa theo công văn của Bộ Tài chính thì các bệnh viện đều sai. Và nếu phải dừng hình thức này, các bệnh viện không thể một sớm một chiều có đủ các trang thiết bị sử dụng khám chữa bệnh khi ngân sách eo hẹp, quy trình mua sắm nhiêu khê.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng khác có liên quan đến các thanh toán bảo hiểm trong lịch sử.

"Nếu các bệnh viện áp dụng (sử dụng máy đặt - máy mượn) sai có nghĩa các thanh toán bảo hiểm trước đây đều sai. Nếu để mổ xẻ vấn đề này chắc chắn sẽ có nhiều người bị xử lý liên quan đến làm thất thoát ngân sách nhà nước, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đó là lý do câu chuyện vẫn sẽ lùm xùm chưa có hồi kết, từ Bộ Y tế cho đến cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ khó có ai dám giải quyết, bởi giải quyết không khác gì tự lấy đá ghè vào chân mình", vị giám đốc này nói.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện nay đang có 3 hình thức hợp tác phổ biến giữa các doanh nghiệp và bệnh viện, đó là liên doanh - liên kết; hợp đồng đặt máy bán hóa chất và cùng khai thác dịch vụ chung; hợp đồng cho thuê - mượn máy có trả chi phí.

Thực tế, các đơn vị đang luẩn quẩn giữa các hình thức này, cứ mỗi lần Bộ Tài chính "tuýt còi", Bộ Y tế lại ra một thông tư, sau đó là một văn bản giải thích, hướng dẫn các đơn vị áp dụng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam thấy vậy cũng lại dừng thanh toán một thời gian, sau đó quay lại thanh toán tiếp.

Để giải quyết vấn đề này, theo lãnh đạo một số doanh nghiệp cung ứng vật tư y tế và bệnh viện thì chỉ Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ khó có thể giải quyết được, bởi đây là "vấn đề lịch sử" từ chủ trương kêu gọi khuyến khích xã hội hóa y tế, công - tư hợp tác đầu tư.

"Đây là chủ trương đúng nhưng các văn bản đi kèm không theo kịp để kiểm soát, "nắn" đi đúng hướng. Điều này dẫn đến một số biến tướng trong liên doanh - liên kết, cho thuê - mượn và đặt - tặng máy... xảy ra thời gian gần đây ở các bệnh viện. Chỉ có sửa hoặc bổ sung các văn bản luật liên quan một cách đồng bộ may ra mới giải quyết triệt để được vấn đề này", đại diện một doanh nghiệp nói.

Hầu hết các chuyên gia trong ngành y tế đều cho rằng Nhà nước nên duy trì cơ chế máy đặt - máy mượn trong các bệnh viện. Tuy nhiên tại thời điểm hợp đồng, cần đưa ra cơ cấu giá chi phí liên quan đến việc đặt máy và phải được thống nhất, thay vì cơ cấu giá mới chỉ tính ở mức phân bổ khấu hao theo máy, chưa tính chi phí hóa chất xét nghiệm trên một mẫu cụ thể như hiện nay.

"Đây là hình thức khá phổ biến được áp dụng ở gần như các bệnh viện từ tuyến tỉnh đến trung ương. Tại sao lại phổ biến, chắc chắn phải là một hình thức phù hợp và chứng minh được hiệu quả thực tiễn. Như vậy Nhà nước cần có cơ chế bổ sung và luật hóa vấn đề đã được xã hội công nhận", giám đốc một bệnh viện lớn ở TP.HCM nói.

Lại lùm xùm máy mượn, máy đặt tại bệnh viện công Lại lùm xùm máy mượn, máy đặt tại bệnh viện công

TTO - Chuyện máy mượn, máy đặt tại bệnh viện công lại lùm xùm chưa có hồi kết, đặc biệt sau công văn của Bộ Tài chính khẳng định 'pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công không có quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị được mượn tài sản để sử dụng.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên