06/05/2023 11:07 GMT+7

Tìm lời giải bài toán lao động trẻ mất việc

HÀ THANH
và 1 tác giả khác

Là thành phần lao động chính với khoảng 10,8 triệu người (21,4% lực lượng lao động cả nước), tuy nhiên quý I năm 2023 ghi nhận tình trạng lao động trẻ thất nghiệp, một thách thức lớn với nền kinh tế.

Công nhân Công ty Sungwoo Vina tại Khu công nghiệp Thuận Thành 3 (Bắc Ninh) đang sản xuất theo đơn hàng của Samsung trong phòng sạch - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Công nhân Công ty Sungwoo Vina tại Khu công nghiệp Thuận Thành 3 (Bắc Ninh) đang sản xuất theo đơn hàng của Samsung trong phòng sạch - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Tại diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên 2023 ngày 5-5, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nêu thực trạng bình quân 10 thanh niên có một bạn thất nghiệp, số lao động trẻ đang làm việc hiện nay có nguy cơ mất việc cao gấp ba lần so với các lao động lớn tuổi hơn.

Thanh niên cần phải học trước, đào tạo nghề trước thay vì kiếm tiền trước. Có vậy mới có việc làm bền vững, thu nhập cao hơn.

Ông LÊ VĂN THANH (thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Nguy cơ của một "thế hệ bị phong tỏa"

Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh nói nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do bị cắt giảm đơn hàng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất nên một bộ phận không nhỏ người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống, trong đó có lao động trẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hà - văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) - cũng chỉ ra đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến thế hệ trẻ. Một "thế hệ bị phong tỏa" không chỉ giảm việc làm, giảm tỉ lệ tham gia vào thị trường lao động mà còn là vấn đề sức khỏe, tinh thần của người trẻ. Việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế số là đích đến trong tương lai song cũng tạo ra không ít thách thức.

"Đó là vấn đề kỹ năng của thanh niên để tham gia vào thị trường lao động, thích ứng điều kiện mới" - ông Hà nói.

Do đó, vai trò của các cơ quan liên quan chính là tạo cơ chế để thanh niên "vừa là chủ thể tham gia, vừa hiến kế chính sách", trang bị công cụ và kỹ năng, cung cấp nguồn lực để thanh niên nắm bắt xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số.

Ông nói thế hệ gen Z cần nhanh nhạy trong nắm bắt công nghệ, làm chủ các kỹ năng (làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, lập kế hoạch…), tăng nhận thức về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả.

TS Vũ Minh Tiến - viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho rằng với tình trạng giảm giờ làm, giảm thu nhập, mất việc làm rất cao hiện nay, việc cứu trợ, hỗ trợ lao động là rất quý nhưng gốc của vấn đề phải là giải quyết, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

"Sàn việc làm" qua app

Ông Đinh Quang Quý - ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội - nhận định chính sách, quản lý đang đi chậm hơn so với thị trường lao động, nhu cầu của thanh niên, người lao động. 

Ông cho rằng trước sự bùng nổ của cách mạng 4.0, mọi thứ đều có thể xuất hiện trên app, website. Nhiều công ty đăng tuyển lao động trên mạng nhưng có không ít băn khoăn về độ xác thực để lao động trẻ yên tâm vào công ty đó nên rất cần rõ ràng trong quản lý để doanh nghiệp, thanh niên yên tâm.

Ông Quý chỉ ra hiện 63 tỉnh, thành đã có sàn giao dịch việc làm nhưng "chưa có kiểu sàn nào như sàn chứng khoán" ở Hà Nội và TP.HCM, và điều này đặt ra vai trò của các cơ quan quản lý. 

Cùng với "nhiệt tình, sôi nổi, nhiệt huyết, cống hiến", thanh niên cũng phải nhìn nhận mình đang ở đâu để trau dồi các kỹ năng, kỹ năng số đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Ông Lê Văn Thanh nói các bạn trẻ muốn chuyển đổi nghề có thể đến trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội để đăng ký đào tạo, được tư vấn giới thiệu việc làm. Tuy vậy, có tâm lý chung là thanh niên chỉ muốn học nghề nhanh, 1 - 2 tháng, như vậy sẽ khó mà làm việc bền vững.

Trao đổi về những chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ, đại tá Nguyễn Quốc Hải, trưởng Phòng Quân số - Chính sách (Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu), cho biết bộ đội sau khi xuất ngũ được cấp một thẻ học nghề tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm học nghề. 

Ông Hải cũng đề nghị cơ quan chức năng rà soát, kịp thời sửa đổi cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ, kéo dài thời hạn thẻ học nghề từ 12 lên 24 tháng.

Cùng với đó, cần đảm bảo tốt ngân sách thanh toán thẻ học nghề cho thanh niên xuất ngũ. Các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp cần kết nối, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ ngay tại địa phương. 

"Chính sách tạo điều kiện tốt cho thanh niên xuất ngũ ổn định cuộc sống, có việc làm, thu nhập tốt sẽ động viên thanh niên khác hăng hái lên đường nhập ngũ" - ông Hải bày tỏ.

Diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023 do Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn tổ chức, kết nối trực tiếp ở điểm cầu Hà Nội và trực tuyến 67 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy - chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam - nói lực lượng lao động thanh niên luôn giữ vị trí to lớn trong các hoạt động sản xuất, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước. Chính vì vậy, Nhà nước ngày càng hoàn thiện các chính sách về việc làm cho thanh niên.

"Các vấn đề, câu hỏi và kiến nghị chính đáng của thanh niên sẽ được tổng hợp đầy đủ ngay sau diễn đàn để gửi đến các bộ, ngành giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật" - anh Huy cho biết.

Lao động trẻ có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần lứa tuổi lớn hơnLao động trẻ có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần lứa tuổi lớn hơn

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết bình quân trong 10 thanh niên thì có 1 thanh niên thất nghiệp, số lao động trẻ đang làm việc hiện nay có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên