28/11/2022 08:41 GMT+7

Thức dậy bỗng mất việc

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Làn sóng sa thải nhân sự đang có xu hướng lan rộng và khá bất ngờ, không chỉ lao động phổ thông mà một số nhân viên lâu năm và nhân sự cấp cao cũng chung số phận.

Thức dậy bỗng mất việc - Ảnh 1.

Hãy tận dụng thời gian học thêm kỹ năng, mở rộng mối quan hệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của bản thân - Ảnh: C.NHẬT

Dẫu lờ mờ nghe thông tin công ty sẽ sa thải nhân sự số lượng lớn từ vài tháng trước song bạn Thảo Nguyên (29 tuổi) - chuyên viên cấp cao một công ty bất động sản - vẫn không khỏi sốc khi nhận được thông báo chính thức.

Dù bạn thuộc đối tượng lao động nào thì điều quan trọng là bạn nhận ra thế mạnh, nguồn lực của bản thân ở đâu để vững vàng đương đầu với thử thách.

LÊ TRẦN HOÀNG DUY (thạc sĩ tâm lý)

Lo vì nợ, sợ vì hoài nghi chính mình

Thảo Nguyên làm ở công ty đã nhiều năm và thu nhập rất tốt, có vị trí nhất định nên từng nghĩ sẽ không bao giờ phải đối mặt với tình cảnh này. 

Hiện bạn vẫn đang phải trả nhiều khoản vay cố định mỗi tháng nên áp lực rất lớn. "Lĩnh vực của tôi giờ chỉ có cắt giảm, người ở lại cũng bị giảm lương thưởng chứ không nơi nào tuyển dụng mới nên mọi thứ thật ảm đạm", Thảo Nguyên ngậm ngùi chia sẻ.

Không bị áp lực lớn về tài chính nhưng Quang Tuấn (32 tuổi), từng là nhân viên một công ty công nghệ, cho biết cảm xúc buồn và hoài nghi giá trị bản thân giày vò tâm trạng suốt thời gian qua. 

Với anh, công ty cũ không trân trọng nhân sự và "bóc lột" theo nhiều nghĩa nên anh buộc phải nghỉ. Trong khi đó, các công ty anh nộp đơn chưa thấy ai gọi vì hiện nhiều công ty công nghệ lớn trong lẫn ngoài nước đều liên tục sa thải. 

"Đi làm nhiều năm, khoản tiết kiệm đủ sống trong thời gian này, nhưng tôi thấy mệt mỏi vì cảm giác mình vô dụng", Tuấn bộc bạch.

Thạc sĩ tâm lý Lê Trần Hoàng Duy cho rằng không quá khó hiểu với những nỗi sợ, ám ảnh trên vì liên quan đến việc họ phải thắt chặt chi tiêu và giảm khả năng chăm lo cho người thân. 

"Việc tạm thời tạo ra ít hơn các giá trị cho cộng đồng, tổ chức hay cho gia đình còn làm tổn thương đến lòng tự trọng, đến cảm giác tạo ra thành tựu và hình ảnh, giá trị bản thân ở người trẻ" - anh Duy phân tích.

Bình tĩnh đối diện

Chia sẻ chi tiết, anh Hoàng Duy nói theo tính chất của "Tháp nhu cầu" thì có sự khác nhau đáng kể về mặt cảm xúc khi thất nghiệp giữa các nhân viên cấp cao và nhân viên cấp trung hoặc thấp. 

Nếu là lao động bậc trung, bạn thường nghĩ về việc làm sao có công việc và thu nhập đảm bảo nhu cầu cơ bản, nhưng nhân sự cấp cao lại quan tâm đến nhu cầu được tôn trọng hoặc cơ hội để bản thân phát triển hết tiềm năng.

Nói cách khác, việc bị thất nghiệp dẫn đến cuộc khủng hoảng của sự an toàn vì lao động cấp thấp và cấp trung không còn công việc để lo cho những nhu cầu căn bản, còn nhân sự cấp cao gặp khủng hoảng về bản sắc hay hình ảnh bản thân. 

Anh Duy phân tích nếu nhân sự trẻ cấp trung chỉ cần điều chỉnh tiêu dùng khi thất nghiệp thì nhân sự cấp cao (thường lớn tuổi hơn) sẽ đối mặt nỗi lo cả về tài chính do ảnh hưởng đến các cá nhân phụ thuộc lẫn dự định tương lai. Họ dễ căng thẳng hơn khi rơi vào trạng thái thất nghiệp.

"Nhân sự cấp cao có "điểm cộng" là có mối quan hệ rộng, sự ổn định về mặt tâm lý và trải nghiệm sống tương đối nên khả năng xử lý, đương đầu cũng không đến mức đáng bi quan" - anh Duy nói.

Nói về cảm giác vô dụng, trống rỗng khi bị thất nghiệp ở một số bạn trẻ, thạc sĩ - bác sĩ CKI Nguyễn Trung Nghĩa (Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) cho rằng việc không hoàn thành mục tiêu không có nghĩa chúng ta vô giá trị. 

Bác sĩ Nghĩa nói mục tiêu là thứ chúng ta muốn đạt được, giá trị là kiểu người mình muốn trở thành. Và có nhiều phương thức để đạt được giá trị mà việc làm cùng tiền bạc chỉ là hai trong số đó.

"Chẳng hạn bạn hướng đến trở thành một người tử tế. Ngoài cho tiền hay đóng góp quỹ, bạn có thể lắng nghe và dành thời gian cho những số phận kém may mắn cần sự sẻ chia", bác sĩ Nghĩa chia sẻ.

Cơ hội "làm mới" bản thân

Nhìn từ góc độ người làm nhân sự, anh Kevin Tùng Nguyễn (sáng lập viên kiêm CEO JobHopin) nói phản ứng đầu tiên cần làm là không nên quá tiêu cực về con đường phía trước, xem như cơ hội để "lùi một bước, tiến ba bước", biến trở ngại thành cơ hội.

Cụ thể, anh Kevin Tùng Nguyễn cho rằng có thể xem là cơ hội nghỉ ngơi tạm thời để nạp lại năng lượng rồi tiến xa hơn. 

Bởi khi hối hả trong guồng quay công việc, chúng ta thường rất khó có thời gian suy nghĩ về những gì bản thân thật sự muốn, phù hợp về lâu dài và không dám để mình ra khỏi "vòng tròn an toàn". 

Nhìn một cách tích cực, việc bị sa thải là cơ hội để bạn học thêm ngoại ngữ, kỹ năng mới thông qua các khóa học online, hội thảo...

"Các bạn có thêm thời gian để đọc sách báo, mở rộng mối quan hệ hoặc thử sức làm freelancer (lao động tự do) cũng là trải nghiệm đáng quý. 

Nếu bạn tự tin vào chuyên môn, bản thân năng động, vậy sao không thử tham gia sáng tạo nội dung trên trang mạng xã hội - vừa giúp bạn hoàn thiện kỹ năng, trau dồi kiến thức vừa có thể kiếm thêm thu nhập", anh Kevin Tùng Nguyễn gợi ý.

Mất việc: Sự khốc liệt của thị trường lao động Mất việc: Sự khốc liệt của thị trường lao động

TTCT - Tính chất của lao động và công ăn việc làm đang trải qua một cuộc chuyển đổi sâu sắc, cùng với nỗi lo suy thoái kinh tế lớn dần.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên