22/12/2015 13:30 GMT+7

Tìm lại chân dung mẹ

HÀ MI
HÀ MI

TT - 45 năm cầm bút cọ để vẽ hàng ngàn chân dung, nhưng ông cho rằng mình hạnh phúc nhất là khi vẽ chân dung mẹ Việt Nam anh hùng qua lời kể hoàn toàn bằng nét bút chì.

Họa sĩ Thành đang phác thảo chân dung một bà mẹ Việt Nam anh hùng - Ảnh: H.M.
Họa sĩ Thành đang phác thảo chân dung một bà mẹ Việt Nam anh hùng - Ảnh: H.M.

Cuối năm 2014, tỉnh Đồng Nai tổ chức trao và truy tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng. Chúng tôi thấy nhiều người thân của các mẹ đã ôm những di ảnh còn mới bước vào hội trường, kèm theo những giọt nước mắt hạnh phúc. Họ vui sướng vì lâu lắm rồi mới có được ảnh của các mẹ.

Hỏi ra thì biết người đã phác họa chân dung các mẹ không ai khác là họa sĩ Võ Tấn Thành.

Muốn có ảnh thờ sau ngày vinh danh

Thì ra khi chuẩn bị lễ trao và truy tặng danh hiệu cao quý này, TP Biên Hòa có 10 mẹ được vinh danh nhưng bốn mẹ Ma Thị Tịnh, Nguyễn Thị Hợi, Nguyễn Thị Khuê, Phạm Thị Sâm không có di ảnh.

Chính quyền đã tìm đến họa sĩ Thành để nhờ ông tái hiện hình ảnh của các mẹ. Điều khó đối với ông là các mẹ đã mất từ mấy mươi năm trước, ở nhiều miền trên đất nước nên phải đi lại xác minh, nghe mô tả của nhiều người mới phác họa được.

Kể về hành trình phục dựng di ảnh của mẹ Ma Thị Tịnh (1897-1947) hi sinh tại Bắc Kạn, ông Lâm Văn Tình, phó Phòng Lao động - thương binh và xã hội TP Biên Hòa, cho biết trong thông tin của người thân mẹ là Mai Ngọc Tấn gửi về khiến không ít người làm chính sách trăn trở.

Ông Tấn mô tả: “Đã 67 năm rồi nghe bà được phong mẹ Việt Nam anh hùng, tôi rất mừng nhưng hoàn toàn không biết hình hài bà ra sao...”.

Ông Tình tâm sự trước các thông tin tưởng chừng như vô vọng ấy, ông đã cùng họa sĩ Thành đến nhà người thân của mẹ, thu thập thêm thông tin và chi tiết.

Người thân cho biết mẹ là người dân tộc Tày, thời điểm hi sinh thường đội khăn mỏ quạ. Rồi một vị lãnh đạo ở Bắc Kạn cung cấp thêm cho họa sĩ Thành rằng mẹ Tịnh có khuôn mặt chữ điền, sóng mũi lõm...

Cứ tiếp tục thu thập từng chi tiết như: tai thụt, gò má cao, nhô nhô, lông mày thưa, mắt không sâu, mặc áo nâu, cân nặng..., họa sĩ Thành ngồi vào giá vẽ phác thảo ra ba bức ảnh gửi cho người thân và gửi riêng cho vị lãnh đạo ở Bắc Kạn từng thấy mẹ Tịnh để nhận diện.

Sau lần đầu tiên, người thân của mẹ Tịnh đã nhận diện, yêu cầu chỉnh sửa.

“Khi bức chân dung thứ hai được đưa đến gia đình mẹ Tịnh thì hầu hết đều bật khóc nói đó là mẹ Tịnh vì đã giống đến 97%”. Ông Lâm Văn Tình kể như vậy và cho biết hình ảnh các mẹ qua sự phục dựng của họa sĩ Thành đều giống trên 90%.

Sau những chuyến đi đến nhà người thân của các mẹ Việt Nam anh hùng để nghe mô tả, họa sĩ Võ Tấn Thành đúc kết:

“Cái khó để phục dựng chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng chính là thần thái và ánh mắt. Bởi ở mỗi một nét vẻ, vóc dáng riêng nhưng luôn chứa đựng sự đôn hậu, chất phác, chịu cam chịu khổ của người phụ nữ Việt Nam”.

“Trong ngày vinh danh, tôi thấy người thân ngấn nước mắt ôm di ảnh các mẹ mà xúc động vô cùng. Đó là hạnh phúc lớn nhất của tôi khi dành thời gian để nghiên cứu, phục dựng từng bức ảnh qua lời kể” - họa sĩ nhớ lại.

Chân dung những bà mẹ VN anh hùng được họa sĩ Thành phục dựng qua lời kể - Ảnh: H.M.
Chân dung những bà mẹ VN anh hùng được họa sĩ Thành phục dựng qua lời kể - Ảnh: H.M.

Như cách trả ơn người đã khuất

Giờ đây, trong ngôi nhà của ông không chỉ là những bản mô tả về nhân thân, vóc dáng liệt sĩ mà hồ sơ lưu của ông ngày càng dày lên với các dữ liệu của từng bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Bà Nguyễn Thị Năm, vợ họa sĩ, tự hào: “Đầu tiên ông vẽ cho cha mẹ, anh em của những người không có hình ảnh thờ cúng. Nhiều người thấy quá giống, có độ tin cậy cao nên chính quyền và những người làm chính sách cho người có công tìm đến mong ông hợp tác”.

Bà Năm nói sau mỗi tấm chân dung được hoàn thành, người ta đã trả ơn ông bằng những giọt nước mắt cảm phục.

Họ còn cẩn thận hơn ghi những dòng chữ công nhận độ chính xác về di ảnh của người thân và đóng dấu xác nhận của chính quyền địa phương như xác tín niềm tin rồi gửi lại cho ông.

Người ta thắp một nén nhang, tuôn trào nước mắt bên cạnh lư hương gần giá vẽ trước khi ôm di ảnh đi mà lòng bà quặn thắt.

Ngồi cạnh ông, chúng tôi hỏi sau những thành công từ những di ảnh phục dựng được người thân và chính quyền công nhận, ông có còn đau đáu điều gì không, họa sĩ Thành tâm sự: “Hằng ngày vẫn có nhiều người liên hệ, tìm đến tôi để mong phác họa, phục dựng ảnh cho người thân để đặt lên bàn thờ thờ cúng.

Tôi vẫn mong Nhà nước, những người làm chính sách có một đề án phục dựng chân dung các mẹ thì tôi sẽ góp sức tái hiện hình ảnh các mẹ đã hi sinh mà không có ảnh thờ và lưu niệm. Ngày nào còn vẽ được thì tôi vẫn làm hết sức”.

Trong căn nhà nhỏ của ông Thành chứa đựng nhiều ân tình, nhiều cánh thư, nhiều bức trướng ghi tạc lời tri ân của người thân các liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình các nạn nhân trong các vụ án ở mọi miền đất nước.

Điều lớn hơn đối với họ, những tấm hình trên bàn thờ đã giúp con cháu, dòng họ nhận diện về tổ tiên của mình. Nhiều người đã động viên ông hãy tiếp tục khắc họa nên những chân dung qua lời kể vì biết rằng còn bao gia đình mất mát người thân nhưng không có di ảnh.

Là một người trong cuộc, ông Lê Văn Đông - tổng giám đốc Tổng công ty Mía đường 2 - tâm sự: “Thật khó có thể lý giải về biệt tài của anh Thành. Anh ấy đã tái hiện ảnh của cha tôi như một phép mầu”.

Ông Đông kể cha ông là liệt sĩ Lê Lắm hi sinh từ năm 1968 trong chiến dịch Tổng tiến công năm Mậu Thân. Khi đó ông còn quá nhỏ không biết mặt và nhiều người trong gia đình cũng ly tán, không ai còn lưu lại bức ảnh nào của cha.

Ngày đất nước thống nhất, bao nhiêu người thân vẫn muốn có tấm ảnh của cha để thờ nhưng không biết cách nào.

Từ nhiều thông tin, ông Đông kể năm 2009 chính ông và những người thân thu thập các tin tức về cha ông, các đặc điểm để đến gặp họa sĩ Thành. Họa sĩ ngồi lắng nghe, ghi chép rồi không lâu sau đó ông đưa chân dung phác họa để gia đình góp ý.

“Chỉ sau chỉnh sửa một lần, mẹ và các chú tôi, đồng đội cha tôi đã xác nhận đúng đến 99%. Thật là một phép mầu” - ông Đông nói rằng gia đình không bao giờ quên ơn họa sĩ vì chính họa sĩ đã tái hiện người cha của ông sau 40 năm hi sinh.

Tâm sự những điều biết về họa sĩ Thành, ông Lê Văn Đông nói ông cũng biết họa sĩ Thành giúp rất nhiều người tìm lại hình ảnh người thân đã hi sinh.

“Anh ấy có biệt tài và mang lại những điều vô giá cho những người thân liệt sĩ. Tôi nghĩ anh ấy có rất nhiều biệt tài trong khắc họa chân dung nên anh ấy xứng đáng được vinh danh và mời anh ấy giúp thêm cho nhiều gia đình liệt sĩ không có ảnh thờ...” - ông Đông tâm sự.

Họa sĩ Thành nói mỗi lần gặp người thân liệt sĩ, trở về nhà ông căng mắt nhập tâm vào giá vẽ, cây bút mà thẳm sâu từ trái tim ông muốn cho người đi, người ở lại đều ấm lòng.

Khi lật từng hồ sơ lưu hơn 200 di ảnh liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng ở khắp mọi miền đất nước, ông rưng rưng: “Khi mỗi tấm chân dung được hoàn thành, tôi xem đó như cách trả ơn người đã khuất. Bởi có quá nhiều người hi sinh thân mình mà không kịp để lại tấm ảnh cho người thân tưởng nhớ trong dịp giỗ chạp, lễ tết”.

_________

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: Bắt “ma nhớt” hiện hình

>> Kỳ 1: Người phác họa chân dung sát thủ máu lạnh Trần Văn Điểm

>> Kỳ 3: Võ Tấn Thành: người tái hiện hình ảnh liệt sĩ tuổi 20

HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên