Chị đồng thời giữ vai trò phó chủ tịch Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu, Hội Chuyên gia và tri thức người Việt Nam tại Đan Mạch, giám đốc Mạng lưới y tế Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global).
Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ, TS Thu Hiền nhắn gửi: "Cứ mạnh dạn trải nghiệm qua công việc chuyên môn và hoạt động cộng đồng, tôi tin mỗi bạn trẻ sẽ tìm ra đam mê phù hợp năng lực của mình".
Ước mơ lớn nhưng đừng viển vông!
* Khám phá và tìm ra thế mạnh, đam mê của bản thân với nhiều bạn trẻ không đơn giản. Kinh nghiệm của chị là gì?
- Khi hướng dẫn sinh viên nhưng chưa xác định rõ hướng đi, tôi thường đặt các câu hỏi: Bạn thực sự muốn theo đuổi điều gì trong cuộc đời? Việc gì làm bạn thấy có năng lượng và có thể làm tốt nhất mà nếu thất bại bạn vẫn không nản lòng?
Đừng lựa chọn công việc chỉ vì danh tiếng, kiếm nhiều tiền hay cơ hội đi nước ngoài. Đó không phải là tiêu chí cốt lõi.
Còn trẻ, các bạn cứ trải nghiệm nhiều nhất có thể, trong các môi trường khác nhau để biết năng lực của mình ở đâu. Không chỉ trải nghiệm nghề nghiệp mà cả giao tiếp xã hội, hoạt động cộng đồng. Thử nghiệm luôn có đúng - sai nhưng càng dấn thân càng hiểu thực tế công việc, bạn sẽ nhận ra mình thật sự thích gì, rất hữu ích cho sự lựa chọn sau này.
* Chị đang nói đến việc mỗi người tự hoạch định cho mình hướng đi phù hợp?
- Để đạt mục tiêu ở một vị trí hoặc vai trò nào đó sẽ cần có kỹ năng nào, tiêu chí gì, từ đó chia nhỏ thành các giai đoạn. So sánh giữa mục tiêu và năng lực hiện tại để biết mình đang ở đâu, cần bao nhiêu năm nữa để đạt đến mơ ước.
Với các bạn nữ còn cần tính cả giai đoạn xây dựng gia đình, thai sản, chăm sóc con cái... Mỗi người có thể lập kế hoạch từng năm, kiểm soát tiến độ hằng tháng so với kế hoạch đề ra.
Điều quan trọng là mỗi người hiểu được trình độ, năng lực của bản thân. Cũng cần xác định mình có đủ đam mê cho công việc ấy không, đừng sa đà tưởng tượng những điều đẹp đẽ và hay ho, nhất là với lĩnh vực khoa học.
Nếu không đam mê, những khó khăn sẽ khiến các bạn rất dễ nản. Bên cạnh mục tiêu và ước mơ, phải có kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể, kết quả rõ ràng. Ước mơ lớn nhưng nếu không thực hiện và không phù hợp năng lực cũng chỉ là ước mơ viển vông.
Ở đâu cũng đóng góp cho quê hương
* Chị được biết đến với nhiều tâm huyết cho các dự án cộng đồng. Vì chị thích hay còn lý do nào khác?
- Tôi tâm niệm dù sống ở đâu cũng phải có trách nhiệm xã hội và đóng góp cho cộng đồng, hướng về quê hương. Trẻ sẽ làm theo những gì bố mẹ làm, chứ không phải những gì bố mẹ nói. Khi các con nhìn thấy sự nỗ lực và cam kết của bố mẹ, trẻ sẽ học theo một cách rất tự nhiên.
Tôi mong các con yêu cái gốc và văn hóa Việt Nam nên thường dẫn theo đến với hoạt động cộng đồng như dạy tiếng Việt, nhặt vỏ chai để gây quỹ...
Dù ở đâu, mỗi người đều có thể đóng góp cho Tổ quốc. Tôi đã hướng dẫn nhiều sinh viên Việt Nam học thạc sĩ, tiến sĩ, hợp tác trong các bài báo nghiên cứu, các dự án tư vấn, mang những công nghệ tiên tiến triển khai tại Việt Nam...
Ở Đan Mạch, người Việt Nam cũng giữ vai trò quản lý trong các dự án lớn của châu Âu. Đó là cách đóng góp bằng việc đánh dấu nhân hiệu Việt trên thế giới.
* Kế hoạch cho hoạt động cộng đồng sắp tới của chị như thế nào?
- Chúng tôi lên kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh về y tế tại Việt Nam để trao đổi thông tin, cách các bệnh viện lớn và hệ thống y tế ở những nước tiên tiến sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Dự kiến có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành thế giới và đại diện từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Tại Đan Mạch, sẽ có các webinar về kỹ năng an toàn dành cho phụ nữ khi sử dụng Internet, tránh mất tài khoản hay lừa đảo qua mạng, cách nuôi dạy con, phụ nữ trong khoa học, hoặc giúp người Việt Nam đang sinh sống tại Đan Mạch và các nước Bắc Âu tiếp cận hệ thống y tế Đan Mạch.
Gia đình tôi đang thực hiện một vài quyển sách. Trong đó có sách thiếu nhi mà tôi viết cùng con gái, vừa giúp con trau dồi tiếng Việt, vừa tạo ra một quyển sách do người Việt xuất bản tại Đan Mạch. Chúng tôi còn thực hiện sách về các dự án khoa học cho trẻ em và các hoạt động cha mẹ có thể làm cùng con để có những khoảng thời gian kết nối.
* Việc bình đẳng giới trong ngành STEM nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung, theo chị có khả thi?
- Các bạn nữ học ngành STEM sẽ vất vả hơn các ngành khác, nhất là khi có gia đình, con cái. Vì ngành thay đổi rất nhanh và đòi hỏi cập nhật liên tục, chưa kể cần thời gian dài ở phòng thí nghiệm nên nếu muốn vươn lên dẫn đầu hoặc đạt vị trí nào đó, mỗi tuần bạn phải dành ít nhất 60 tiếng cho công việc.
Việc bình đẳng giới trong ngành STEM cần sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và hỗ trợ của xã hội. Liệu bao nhiêu người chồng sẵn sàng ủng hộ, khích lệ vợ mình dành 48 - 60 tiếng/tuần cho nghiên cứu khoa học?
Ở Đan Mạch không phân biệt dựa trên giới tính mà chỉ nhìn vào năng lực và hiệu quả công việc. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, tỉ lệ nữ theo đuổi ngành khoa học tự nhiên còn ít, lại dễ rơi rụng vì nhiều lý do.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận