19/01/2022 10:10 GMT+7

Tìm chỗ đứng cho các nền tảng giải trí Việt

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ, các đạo diễn, nhà sản xuất đều kỳ vọng trong tương lai gần, OTT (Over The Top - các nền tảng giải trí trực tuyến) nội địa hoàn toàn có thể khởi sắc, cạnh tranh với OTT nước ngoài.

Tìm chỗ đứng cho các nền tảng giải trí Việt - Ảnh 1.

Bà Lưu Thị Thanh Lan - giám đốc Galaxy Play - giới thiệu các dự án phim độc quyền phát hành trong năm 2022 chiều 18-1 - Ảnh: BTC

Trước đây những phim chiếu rạp, truyền hình được ra mắt một thời gian rồi thôi, diễn viên chưa có nhiều lựa chọn trong công việc. Việc phát triển OTT nội địa thật sự là tín hiệu vui với diễn viên khi có thêm nhiều cơ hội đóng phim. Điều này cũng thật sự tốt với sự phát triển của điện ảnh.

Diễn viên Diễm My 9X

Đạo diễn Hoàng Anh cho biết lý do chị tin rằng OTT nội địa hoàn toàn có thể cạnh tranh, vì nội dung sẽ gần gũi về mặt văn hóa và dễ tiếp cận về mặt ngôn ngữ hơn các nội dung cung cấp bởi OTT nước ngoài.

Giá cả thuê bao hợp lý

Theo đạo diễn Hoàng Anh, dịch vụ trên các OTT Việt Nam cũng đa dạng, ngoài cung cấp dịch vụ xem phim, họ còn cung cấp các dịch vụ về truyền hình trực tuyến, các giải bóng đá mà người Việt Nam ưa thích như Ngoại hạng Anh...

Bên cạnh đó, giá cả thuê bao cũng là ưu điểm của OTT nội địa. Tuy nhiên, các OTT nước ngoài đang cố gắng cải thiện ở những vấn đề này để thu hút thêm nhiều thuê bao, họ mua nhiều phim Việt Nam hơn và đang thử nghiệm lồng tiếng cho phim.

Vì vậy, theo Hoàng Anh: "Để OTT nội địa phát triển cần đầu tư nhiều hơn nữa vào nền tảng công nghệ và nội dung. Người dùng cần có những trải nghiệm tuyệt vời về tốc độ truy cập, về tính năng tìm kiếm, về sự cá nhân hóa khi sử dụng.

Nội dung độc quyền cần phải nâng lên nhiều hơn nữa về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay, các OTT nội địa đang cố gắng sản xuất khá nhiều nội dung độc quyền nhưng chất lượng đa số không cao về cả nội dung và kỹ thuật chế tác".

Hoàng Anh nhấn mạnh bài học từ một nền tảng OTT xuyên biên giới phổ biến là "họ đã dùng các nội dung chất lượng cao để khẳng định sự đẳng cấp của mình, từ đó thu hút người dùng".

Theo nghệ sĩ Hồng Vân - một trong các nghệ sĩ có đầu tư làm nội dung giải trí cho các nền tảng mạng, mỗi nền tảng OTT nên phân luồng khán giả, định hình phong cách khác nhau.

"OTT nào mạnh sẽ định hướng một đường đi lâu dài và hơn thua nhau ở vốn đầu tư để mua hoặc sản xuất nội dung hay, đồng thời xây dựng cho mình những ngôi sao độc quyền", nghệ sĩ Hồng Vân nói.

Sân chơi tự do: cơ hội và thách thức

Đạo diễn Võ Thanh Hòa thẳng thắn cho rằng sự ra đời, phát triển của OTT sẽ giết chết cách làm phim cũ kỹ, sự thành bại sẽ được quyết định trực tiếp bởi nội dung.

"Không nhìn đâu xa, Thái Lan và Hàn Quốc có thể làm phim chiếm lĩnh toàn cầu nhờ vào OTT. Cánh cửa OTT là cánh cửa rất lớn để chúng ta ra thế giới. Việc so sánh OTT xuyên biên giới với OTT nội địa có vẻ như không hợp lý.

Cuộc chiến này khó khăn như châu chấu đá xe. Nhưng tôi tin OTT nội địa vẫn có chỗ đứng và đủ sức cạnh tranh với những ông lớn, bởi mình có đặc điểm khách hàng riêng của mình".

Một vấn đề khác được giới làm nghề quan tâm là câu chuyện hậu kiểm các sản phẩm giải trí, đặc biệt là phim phát trên các nền tảng mạng.

Đây có thể là đòn bẩy để giới sản xuất mạnh dạn hơn trong việc đầu tư tìm kiếm đề tài, đưa đến cho khán giả các món ăn tinh thần đặc sắc hơn. Tuy nhiên, phương án hậu kiểm cũng đặt ra thách thức cho người làm nghề.

Nhà sản xuất Đỗ Quang Minh cho hay: "Hậu kiểm thay vì tiền kiểm sẽ giúp phim đến được khán giả nhanh hơn, tuy vậy các đạo diễn nếu chủ quan sẽ bị hớ và nếu phim bị tháo xuống thì thiệt hại cho nhà đầu tư nhiều". Theo ông, Luật điện ảnh sửa đổi bổ sung nên làm rõ hơn các điều khoản liên quan.

Trong khi đó, đạo diễn Võ Thanh Hòa bày tỏ hy vọng thị trường OTT như một cầu nối trung gian để nhà ban hành luật, nhà quản lý văn hóa và những nhà làm phim, những người trẻ tìm kiếm những tiếng nói chung, tạo ra sản phẩm mới có thể táo bạo hơn, không ảnh hưởng đến những điều khoản cho phép của phim Việt Nam.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội - cho biết hiện các ý kiến đóng góp cho Luật điện ảnh sửa đổi vẫn chia hai luồng tiền kiểm và hậu kiểm.

Ủng hộ tư duy quản lý mới nhưng ông Sơn còn nghi ngại với phương án hậu kiểm bởi còn băn khoăn về năng lực quản lý, điều kiện kỹ thuật của cơ quan chức năng khi áp dụng hậu kiểm với các nền tảng xuyên biên giới.

"Chấp nhận mở cửa là chấp nhận sẽ đón được cả gió độc và gió lành. Làm sao hạn chế tối đa gió độc thì phải suy nghĩ, tìm kiếm giải pháp", ông Sơn nói.

T. ĐIỂU

* Ông Lưu Đình Phúc (cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử):

Dễ người dễ ta và chế tài mạnh để xử lý sai phạm

ảnh đi cùng bài chân trang (2) 5(read-only)

Các OTT trong nước hiện hầu hết chiếu phim Trung Quốc, Hàn Quốc - Ảnh chụp màn hình

Theo Luật điện ảnh hiện nay, khi phim phát hành ra phải có giấy phép phát hành. Các doanh nghiệp OTT của mình trước khi phát hành một bộ phim phải chịu tiền kiểm nhưng các OTT nước ngoài thì không. Như vậy, OTT trong nước đang phải chịu sự cạnh tranh bất bình đẳng với các OTT ngoại.

Vừa qua, chúng tôi có trình Chính phủ dự thảo sửa đổi nghị định 06 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình để quản lý các nền tảng xuyên biên giới.

Theo đó, nghị định được sửa đổi theo tinh thần là phải áp dụng tiền kiểm với các OTT nước ngoài như quy định của Luật điện ảnh hiện tại thông qua các đài truyền hình của Việt Nam hay cơ quan báo chí Việt Nam.

Các kênh truyền hình trả tiền nước ngoài vào Việt Nam hiện vẫn đang làm thế, phải thông qua một cơ quan báo chí của Việt Nam. Nhưng nghị định sửa đổi này chưa được thông qua vì phải đợi Luật điện ảnh sửa đổi.

Luật điện ảnh sửa đổi đang bàn thảo giữa hai phương án tiền kiểm hoặc hậu kiểm. Những người chọn hậu kiểm vì lo ngại lượng phim quá lớn trên nền tảng OTT nước ngoài không thể thực hiện được việc tiền kiểm cho hàng chục ngàn bộ phim.

Nhưng thực ra hoàn toàn có thể làm được vì không phải là cấp phép kỹ càng từng bộ phim mà có thể đưa về các đài truyền hình, cơ quan báo chí của Việt Nam, sử dụng công nghệ hiện đại, ta có thể rà soát cấp phép nhanh chóng.

Trường hợp lựa chọn hậu kiểm, ta phải có đủ chế tài mạnh để xử lý những sai phạm. Và nếu đã hậu kiểm với OTT nước ngoài cũng cần hậu kiểm với OTT trong nước, dễ người dễ ta. Liên quan tới việc quản lý OTT nước ngoài, nếu phim của họ vi phạm pháp luật Việt Nam mình vẫn yêu cầu gỡ được.

Ngoài ra, các nền tảng OTT nước ngoài hoạt động xuyên biên giới phải theo quy định của Luật an ninh mạng, tức phải đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam nhưng họ chưa thực hiện điều này.

Để phát triển OTT trong nước, ngoài giải pháp về chính sách, theo tôi chính các OTT trong nước cũng phải thay đổi để cạnh tranh được với các hãng nước ngoài như thực hiện chuyển đổi số để thích nghi, phải nâng cao chất lượng các chương trình, các phim của mình để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng...

Hiện nay các kênh nước ngoài đều đưa phim của mình về nền tảng OTT của chính mình chứ không bán cho các OTT trong nước nữa, khiến OTT trong nước bị thiếu nội dung hay từ nước ngoài trong khi nội dung tự sản xuất lại không hấp dẫn, phong phú.

Hiện nay, các OTT trong nước hầu hết chiếu phim Trung Quốc, Hàn Quốc, thật khó để cạnh tranh với các OTT nước ngoài đầu tư rất nhiều tiền làm các phim hoành tráng.

THIÊN ĐIỂU ghi

'Giải trí tại gia' mở cơ hội cho OTT nội địa

TTO - Sự phát triển của ứng dụng OTT trở nên phổ biến với người dùng Việt bởi nhiều tiện ích, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát. Và thời gian tới, thói quen "giải trí tại gia" của người xem càng mở ra cơ hội cho giới sản xuất.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên