Truyền hình OTT đã trở nên quen thuộc với nhiều gia đình nhờ có nhiều lựa chọn để giải trí - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nội đang cung cấp các dịch vụ OTT TV cho rằng họ đang gặp nhiều bất công khi cạnh tranh với các doanh nghiệp xuyên biên giới ngay trên chính "sân nhà". Vì sao?
22 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT TV trong nước chỉ đạt doanh thu 190 tỉ đồng trong năm 2021. Trong khi đó, thống kê từ cuối năm 2020 đã cho thấy doanh thu của các OTT TV xuyên biên giới tại Việt Nam lên đến hàng nghìn tỉ đồng.
Theo Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử
OTT TV ngày càng quen thuộc
Trong thời gian giãn cách xã hội, hai con gái của anh Nhật Vinh (TP Thủ Đức, TP.HCM) đều phải ở nhà gần như 24/7 và xem cái gì đó trên tivi, điện thoại, iPad... là "món" giải trí thường ngày. "Người lớn cũng thế thôi nếu không phải làm việc gì khác. Nhà tôi dùng dịch vụ Netflix, ClipTV, FPT Play vì những ứng dụng này có nhiều lựa chọn xem phim, giải trí hơn hẳn dịch vụ truyền hình truyền thống" - anh Vinh nói.
Tương tự, anh Thanh Dân (quận 7) cũng cho biết thời gian xem tivi của các thành viên gia đình anh tăng lên rõ rệt.
Anh Dân chia sẻ: "Gia đình tôi chủ yếu sử dụng 3 dịch vụ. Tôi thường sử dụng dịch vụ ClipTV xem tin tức VTV1 vào mỗi sáng. Các con tôi mỗi ngày được cho phép 2 tiếng xem tivi vào lúc 8h tối. Chúng xem qua dịch vụ Netflix kids và YouTube kids".
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tivi gần như được bật suốt ngày trong nhiều gia đình tại TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội.
Bên cạnh việc theo dõi các chương trình tin tức thời sự về tình hình, diễn biến dịch bệnh COVID-19, giải trí chiếm đại đa số thời gian xem tivi còn lại của các thành viên trong gia đình.
Các dịch vụ truyền hình OTT TV như FPT Play, ClipTV, Netflix, MyTV, NetTV... với nhiều nội dung và thể loại, giờ giấc chủ động hơn truyền hình truyền thống.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông, tính đến thời điểm cuối năm 2021, thuê bao OTT TV tại Việt Nam đạt xấp xỉ 3,7 triệu, chiếm hơn 20% tổng thuê bao truyền hình trả tiền cả nước, trong khi một thống kê không chính thức vào thời điểm cuối năm 2020 cho thấy số thuê bao chỉ khoảng 1 triệu.
Như vậy có thể thấy trong năm 2021 lượng thuê bao dịch vụ OTT TV tại Việt Nam đã tăng rất mạnh.
"Đại chiến" nội - ngoại
Cũng theo thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông, Việt Nam hiện có 22 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT TV. Dẫn đầu thị trường OTT TV trong nước hiện nay là các doanh nghiệp có sẵn hạ tầng viễn thông lớn, như FPT (với dịch vụ FPT Play), Viettel (Next TV), VNPT (MyTV)...
Các doanh nghiệp này có điểm chung lợi thế là ngoài kinh doanh dịch vụ truyền hình còn kinh doanh nhiều dịch vụ viễn thông khác trên cùng hạ tầng truyền dẫn. Song song đó còn có các dịch vụ OTT TV khác có nhiều nội dung nổi trội, thu hút khá đông người dùng như Galaxy, VieON, ClipTV...
Bên cạnh dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước, các OTT TV xuyên biên giới cũng ngày càng phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam nhờ sự bùng nổ của Internet băng rộng, có thể kể đến như Netflix, WeTV, IQIYI, iFlix, Apple TV...
Vì vậy, các chuyên gia trong ngành nhận định thị trường OTT TV tại Việt Nam đang chứng kiến một cuộc "đại chiến" giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài thông qua ứng dụng OTT TV xuyên biên giới.
Chẳng hạn, xét về hạ tầng, doanh nghiệp nội (FPT, Viettel, VNPT) có lợi thế về đường truyền, sự gần gũi với người dùng trong nước...
Xét về mặt nội dung, các OTT TV nội hơn hẳn ở lĩnh vực truyền hình, thể thao, đặc biệt là các chương trình trực tiếp. Trong khi đó, các OTT TV xuyên biên giới lại vượt trội ở mảng phim ảnh, video theo yêu cầu (VOD)...
Xét về mặt doanh thu, các dịch vụ xuyên biên giới lại đang thống lĩnh thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, theo thống kê của App Annie - một công cụ nghiên cứu thị trường ứng dụng chuyên nghiệp dành cho các nhà phát triển, nổi tiếng toàn cầu - chỉ tính riêng trên điện thoại dùng hệ điều hành Android vào đầu năm 2020, Netflix đã có 1,6 triệu người dùng dịch vụ tại Việt Nam, WeTV có hơn 630.000 người dùng, IQIYI có hơn 445.000 người dùng.
Nếu lấy doanh thu trung bình của Netflix với một người dùng tại Việt Nam là 200.000 đồng/tháng thì dịch vụ này sẽ có tổng doanh thu lên đến 320 tỉ đồng/tháng.
Những con số từ thống kê của App Annie chỉ là thời điểm đầu năm 2020, trong khi từ đó đến cuối năm 2021 lượng người dùng các dịch vụ này đã tăng rất mạnh.
Qua đó cũng có thể thấy doanh thu của các OTT TV nội "lép vế" như thế nào so với OTT TV xuyên biên giới ngay chính trên "sân nhà" của mình.
Netflix là một trong những OTT TV xuyên biên giới phổ biến nhất tại VN - Ảnh: T.T.D.
Bất công cho doanh nghiệp nội?
Mặc dù chiếm tỉ trọng doanh thu rất lớn nhưng các OTT TV xuyên biên giới chưa được Bộ Thông tin và truyền thông cấp phép cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam. Do đó, xét về mặt tuân thủ pháp luật, các OTT TV đang vi phạm nghiêm trọng trong nhiều năm nay.
Việc vi phạm còn bao gồm hành vi "bỏ qua" các yêu cầu về biên tập, kiểm soát nội dung trước khi cung cấp đến người dùng. Theo Bộ Thông tin và truyền thông, nội dung không biên tập gây rủi ro rất lớn và có thể tác động lâu dài đến nhận thức của người dân cả nước.
Chẳng hạn, một số phim trên dịch vụ Netflix có các nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam (như: Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta phát vào tháng 8-2020, Bà ngoại trưởng tháng 9-2020); nội dung vi phạm văn hóa (như: Vũ công nhỏ đáng yêu, 365 ngày, Polar, loạt truyền hình thực tế Too hot, too handle)...
Đặc biệt có những phim làm sai lệch lịch sử đấu tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc như phim tài liệu Vietnam war. Bên cạnh việc không tuân theo bất kỳ sự quản lý nào về mặt hoạt động và quản lý nội dung, các OTT TV xuyên biên giới cũng không đóng bất kỳ đồng thuế nào tại Việt Nam.
Trong khi đó, theo chia sẻ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT TV trong nước, họ phải tuân thủ pháp luật cũng như nhiều quy định, nghĩa vụ liên quan đến cấp phép hoạt động; chỉnh sửa, dịch và kiểm duyệt nội dung phát hành; tỉ lệ giữa các kênh trong nước và các kênh nước ngoài... cũng như thuế và phí cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.
"Thực hiện các nghĩa vụ về thuế gây áp lực lớn cho OTT TV nội khi đưa ra giá thành bán cho người dùng cuối. Đó là chưa kể đến nạn vi phạm bản quyền đang tràn lan ở Việt Nam khiến ngành này rủi ro rất lớn vì đầu tư quá nhiều bản quyền nhưng doanh thu thì quá bé" - giám đốc một OTT TV nội cho biết.
Hơn nữa, theo đánh giá của nhà mạng Viettel, việc không bị kiểm duyệt khiến nội dung các dịch vụ OTT TV xuyên biên giới trở nên đa dạng và cung cấp rất nhanh, miễn phí đến người dùng trong khi OTT trong nước phải trả phí rất lớn cho các hoạt động này (kiểm duyệt, cung cấp, mua bản quyền...).
Các nhà sản xuất nội dung tại Việt Nam (đài truyền hình, công ty sản xuất phim...) hiện rất hào hứng đưa nội dung lên các OTT xuyên biên giới để kinh doanh theo mô hình miễn phí nội dung, thu doanh thu từ quảng cáo.
Trong khi đó các OTT có giấy phép trong nước phải trả phí cao để tiếp sóng nguyên vẹn nội dung này từ các đơn vị sản xuất nội dung nội bộ.
"Điều này khiến các OTT trong nước khó phát triển vì vừa phải trả chi phí đầu tư nội dung cao, vừa bị kiểm duyệt chặt chẽ, do vậy phát sinh bộ máy lớn để tiền kiểm nội dung và nộp các khoản lệ phí hoạt động" - đại diện Viettel cho biết.
Người dùng Việt ngày càng thích các dịch vụ truyền hình qua mạng Internet (OTT TV) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ứng dụng hay dịch vụ OTT là thuật ngữ được sử dụng nhiều trong cung cấp nội dung chương trình trên không gian mạng Internet, được xem là nền tảng công nghệ mới của thế giới nhiều năm trở lại đây.
Dịch vụ OTT cung cấp nội dung như video nội dung chương trình, phim ảnh... được đóng gói phát trên các ứng dụng, cũng giống như các kênh truyền hình truyền thống cung cấp nội dung chương trình.
Phải dùng luật để quản lý
Trước thực trạng còn nhiều điểm khác biệt trong điều kiện kinh doanh của OTT TV, có ý kiến cho rằng phải nhanh chóng áp dụng luật pháp vào việc quản lý và tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng.
Khi không bình đẳng thì cần quy định mới
Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) nhận định lĩnh vực dịch vụ OTT TV đang đứng trước một số thách thức không nhỏ về áp lực cạnh tranh không bình đẳng của OTT nội và OTT xuyên biên giới.
Vì vậy, để có thể duy trì thị trường dịch vụ ổn định, cạnh tranh và phát triển lành mạnh, cần thiết phải có những quy định mới sát thực tiễn để quản lý các dịch vụ OTT xuyên biên giới vào Việt Nam nhằm ngăn chặn kịp thời các hoạt động hết sức nguy hại, như xâm lăng văn hóa, phổ biến các giá trị sống thiếu chọn lọc đến giới trẻ, làm méo mó thị trường dịch vụ trong nước và làm suy yếu ngành sản xuất nội dung trong nước.
Mới đây, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ban Tuyên giáo trung ương và các bộ liên quan kiến nghị về hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông OTT trực tuyến xuyên biên giới của các đơn vị nước ngoài đưa vào Việt Nam.
Trong đó văn bản có nêu thực trạng dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới tại Việt Nam thời gian qua đã không qua cấp phép, chưa có cơ chế kiểm duyệt nội dung trước dẫn đến các nguy cơ tiềm ẩn, trong đó có các nguy cơ về an ninh quốc gia.
Netflix được nhiều hãng sản xuất tivi đưa lên phím truy cập nhanh trên remote tivi - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Không ai được đứng ngoài luật
Trước thực tế kể trên, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cho rằng thời gian qua, một số tổ chức nước ngoài, cụ thể như Liên minh Internet châu Á (AIC), Hiệp hội Công nghiệp video châu Á (AVIA), Hiệp hội Điện ảnh Hoa kỳ (MPAA) và một số tổ chức khác đưa ra các yêu sách, điều kiện phi lý mang tính áp đặt cho thấy sự thiếu tuân thủ pháp luật nước sở tại như đề nghị bỏ thủ tục đăng ký cấp phép, bỏ tỉ lệ nội dung chương trình/kênh nước ngoài không vượt quá 30%, không cần qua biên tập, biên dịch, chỉ hậu kiểm duyệt nội dung... không theo quy định Luật báo chí, Luật điện ảnh, Luật quảng cáo khi cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam.
Vì thế, hiệp hội đã kiến nghị một số vấn đề liên quan đến các tổ chức nước ngoài cung cấp thông qua dịch vụ ứng dụng viễn thông xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam:
1. Phải thực hiện thủ tục về đăng ký cấp phép hoạt động theo quy định và tất cả nội dung trước khi cung cấp tại Việt Nam phải thông qua khâu biên tập, biên dịch, kiểm duyệt. Tất cả các khâu này đã có quy định tại Luật báo chí, Luật điện ảnh để đảm bảo quản lý nhà nước chặt chẽ về nội dung chương trình truyền hình, nội dung phim ảnh giống như các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT trong nước.
Nếu chưa tuân thủ quy định về thủ tục, điều kiện cấp phép thì không cho tham gia cung cấp dịch vụ vào thị trường Việt Nam.
2. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật kèm theo chế tài đủ mạnh để kiểm soát việc tuân thủ các quy định về kiểm duyệt nội dung theo Luật điện ảnh và Luật báo chí đối với tất cả các phim, chương trình truyền hình.
3. Quy định việc kê khai doanh thu (phí dịch vụ và doanh thu quảng cáo kê theo) phát sinh tại Việt Nam để áp dụng đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế tương tự như đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ trong nước.
4. Đưa các dịch vụ cung cấp nội dung xuyên biên giới vào danh mục kiểm soát đặc biệt, đồng thời tăng cường kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
5. Quan tâm nhiều hơn nữa đến giới báo chí, đội ngũ làm nội dung chương trình truyền hình trong nước vì đây chính là lực lượng đã được đào tạo lý luận chính trị, bản lĩnh, có năng lực phản biện, phản đối các thông tin xấu độc trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận