
Hội thảo do Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC) phối hợp cùng Công ty TNHH một thành viên HDFPV tổ chức - Ảnh: C.T.
Hội thảo "Phát triển hệ sinh thái Drone/UAV thông minh trong giáo dục đào tạo và công nghiệp" tại TP.HCM ngày 16-5 đặt vấn đề trong bối cảnh thiết bị bay không người lái trở thành một công nghệ cốt lõi, ảnh hưởng nhiều ngóc ngách cuộc sống hiện nay.
Cần kiến tạo bản sắc riêng
Theo PGS.TS Lê Quốc Cường, phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, ngành công nghiệp thiết bị bay không người lái đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Drone/UAV không chỉ là công cụ kỹ thuật mà đang dần trở thành nền tảng chiến lược, mở ra không gian mới cho giáo dục STEM, quốc phòng, nông nghiệp chính xác, logistics và đô thị thông minh.
"Không chỉ theo kịp mà phải kiến tạo bản sắc riêng, vươn lên làm chủ công nghệ, dẫn dắt thị trường trong những phân khúc có lợi thế", ông Cường nêu mục tiêu.
"Chìa khóa" để hiện thực hóa điều này là phát triển hệ sinh thái toàn diện, lấy giáo dục và đào tạo làm trung tâm.
Ở đó cần sự kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp và cộng đồng đổi mới sáng tạo.
Ông Cường nói sẵn sàng biến Khu công nghệ cao TP.HCM thành trung tâm thử nghiệm, sáng tạo và thương mại hóa công nghệ Drone/UAV hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Một học sinh trải nghiệm lái thử thiết bị bay không người lái qua ứng dụng mô phỏng. Đây cũng là một hoạt động bên lề của hội thảo tại Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC) - Ảnh: C.T.
Lớp đào tạo toàn diện về công nghệ thiết bị bay không người lái
Thiếu tá Phạm Công Nguyên, trợ lý quân lực (Ban chỉ huy quân sự quận Phú Nhuận, Bộ tư lệnh TP.HCM), chỉ ra những khó khăn, hạn chế của ngành công nghiệp này tại Việt Nam như chưa có trường lớp, trung tâm, chương trình hay giáo trình giới thiệu, tiếp cận và đào tạo sử dụng.
Chủ yếu vẫn là tự tìm hiểu qua mạng, hoạt động các nhóm tự phát và chưa có sự quản lý của chính quyền.
"Người tiếp xúc với drone FPV không có định hướng rõ ràng, chưa nhận thức tính pháp lý, bảo đảm an toàn và các quy định của pháp luật trong vận hành drone", thiếu tá Nguyên nhấn mạnh.

Rất nhiều nhận định được đưa ra, cho rằng thiết bị bay không người lái đang trở thành một công nghệ cốt lõi, ảnh hưởng từng ngóc ngách của mọi vấn đề - Ảnh: C.T.
Thạc sĩ Bùi Quốc Anh, giám đốc Trung tâm Dữ liệu (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng để theo kịp, thậm chí làm chủ ngành công nghiệp mới này thì việc tổ chức một hệ thống giáo dục và đào tạo thông minh trong lĩnh vực drone/UAV là hết sức cần thiết, hoàn toàn khả thi.
"Chúng ta thiếu xây dựng đội ngũ nhân sự, mảnh ghép quan trọng như có máy bay nhưng thiếu người lái", ông Quốc Anh ví von.
Theo ông Quốc Anh, chương trình đào tạo drone phải bao quát, bảo đảm được kiến thức (cấu tạo, nguyên lý, ứng dụng), kỹ năng (vận hành, bảo trì - bảo quản, lập trình), thực hành (mô phỏng ứng dụng), học liệu số và học tập cá nhân hóa với AI.
Hiện có nhiều nền tảng công nghệ hỗ trợ việc này, nhất là hạ tầng với các nhà lưới thi đấu, sân tập bay mô phỏng, công cụ, giáo cụ, thiết bị hỗ trợ thông tin.
Ý kiến khác nói phương pháp giảng dạy bộ môn này cũng phải đổi mới, theo mô hình dạy và học kết hợp, giáo viên cần đạt chuẩn quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận