Bà Nguyễn Hồng Phương - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị - cho hay chuyển đổi số giúp nông dân Quảng Trị nâng cao chất lượng nông sản, chi phí thấp nhưng đạt lợi nhuận cao nhất.
Chuyển đổi số, nông dân thêm lợi nhuận
Bà Phương đánh giá chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững.
Có thể kể đến các mô hình ứng dụng quy trình công nghệ cao, Internet vạn vật (IoT) vào sản xuất hoa lan đại hồ điệp, hoa lily, dâu tây, cà chua siêu ngọt, dưa lưới đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Đây là những cây trồng ôn đới nhưng đã có thể trồng được ở vùng đất gió Lào nắng nóng như Quảng Trị nhờ ứng dụng công nghệ cao.
Đến nay, diện tích ứng dụng thiết bị bay không người lái vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng đạt trên 10.000ha. Công tác cấp và giám sát mã số vùng trồng được 30 mã số vùng trồng tại các địa phương với quy mô 2.306ha.
Trên 95% sản phẩm OCOP tham gia bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Postmart… Kênh bán hàng thương mại điện tử đã giúp cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng Quảng Trị có cơ hội đến với tay người tiêu dùng khắp cả nước một cách nhanh hơn.
"Đây là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất, từ đó thay đổi nền nông nghiệp từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp", một nền nông nghiệp tích hợp "đa giá trị", nông nghiệp sinh thái, bền vững, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, làm chủ khoa học kỹ thuật", bà Phương nói.
Mọi người đều có tư duy số trong hoạt động hằng ngày
Ông Hoàng Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho hay tỉnh này cũng không thể đứng ngoài cuộc chuyển đổi số.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án với 40 nhiệm vụ trên cả 3 trụ cột chính gồm kinh tế số, chính quyền số và xã hội số.
"Hằng năm, tỉnh bố trí 40 tỉ đồng, là một nỗ lực lớn với tỉnh có ngân sách khó khăn như Quảng Trị. Chúng tôi tranh thủ vận động tối đa các nguồn lực khác, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số và kinh tế số", ông Nam nói.
Năm 2023, chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị tăng 2 bậc so với năm 2022, trong đó một số chỉ số quan trọng như chính quyền số, kinh tế số và xã hội số có những chuyển biến tích cực.
Tỉ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh ước đạt 9,03% và đứng thứ 26 trong toàn quốc. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng số được quan tâm đầu tư phát triển; mạng lưới viễn thông và Internet băng thông rộng phủ sóng rộng, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tỉnh đang đặt mục tiêu vào năm 2025, kinh tế số chiếm 10% tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP và đến năm 2030 tăng lên 15%, tỉnh vào nhóm khá chuyển đổi số cả nước.
"Điều này đòi hỏi quyết tâm lớn, có hệ thống giải pháp hoàn thiện. Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế xã hội nhằm xây dựng, hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số của tỉnh, phù hợp từng địa phương, lĩnh vực.
Tỉnh hướng đến xây dựng một xã hội số trong đó tất cả mọi người đều có tư duy số trong các hoạt động hằng ngày", ông Hoàng Nam nói.
Nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia và Ngày chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị 10-10, tỉnh Quảng Trị khai trương Kho dữ liệu dùng chung tỉnh Quảng Trị.
Việc xây dựng kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh nhằm tạo ra không gian lưu giữ các dữ liệu số trên không gian mạng, phục vụ nhu cầu chia sẻ dữ liệu đã được chuẩn hóa, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành cũng như cung cấp nguồn dữ liệu mở cho người dân và doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận