08/03/2019 16:40 GMT+7

Tiết lộ cách Mỹ tìm bằng chứng buộc tội các tập đoàn Trung Quốc

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Lãnh đạo các tập đoàn viễn thông Trung Quốc khi đến Mỹ công tác hoặc quá cảnh tại nước này sẽ bị buộc nộp tất cả thiết bị điện tử cho cảnh sát kèm mật khẩu. Một số bằng chứng buộc tội đã được tìm thấy bằng cách đó.

Tiết lộ cách Mỹ tìm bằng chứng buộc tội các tập đoàn Trung Quốc - Ảnh 1.

Huawei bị các nước phương tây do Mỹ dẫn đầu cáo buộc là làm việc cho chính phủ Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Trong đơn kiện chính phủ Mỹ của tập đoàn Huawei ngày 7-3, chủ tịch luân phiên Huawei Guo Ping thậm chí còn cáo buộc Mỹ đã nhiều lần tấn công vào các máy chủ của Huawei, đánh cắp nhiều thư từ và các mã nguồn của tập đoàn này.

Trước đó ngày 1-3, bà Mạnh Vãn Chu - giám đốc tài chính toàn cầu (CFO) Huawei bị bắt tại Vancouver ngày 1-12-2018 theo yêu cầu của Mỹ, đã nộp đơn kiện chính phủ Canada vì xâm phạm quyền riêng tư trong lúc bắt giữ bà.

Theo cáo trạng, sau khi bị tịch thu hộ chiếu, bà Mạnh được các nhân viên an ninh Canada áp tải đến một khu vực tách biệt. Tại đây bà bị buộc phải giao nộp hai điện thoại di động, một máy tính bảng, một máy tính cá nhân cùng tất cả mật khẩu để cảnh sát xem những dữ liệu trong đó.

Chưa rõ cảnh sát đã tìm thấy được gì trên các thiết bị của bà Mạnh, nhưng theo hãng tin Reuters, bà ta không phải là người Trung Quốc duy nhất bị bắt giao nộp các thiết bị điện tử cho biên phòng ngay tại sân bay.

Các nỗ lực điều tra và buộc tội những tập đoàn viễn thông Trung Quốc đã được Mỹ tiến hành cách đây nhiều năm. Theo các nguồn tin gần với các cuộc điều tra chống lại Huawei và ZTE, các quan chức Mỹ đã tìm kiếm các thông tin có thể hỗ trợ cuộc điều tra bằng cách nắm hết lịch trình di chuyển của dàn lãnh đạo các tập đoàn này.

Một khi những người này đặt chân tới Mỹ, họ sẽ ngay lập tức bị yêu cầu nộp tất cả thiết bị điện tử mang theo. 

Chẳng hạn, trong lần bà Mạnh đến sân bay John F. Kennedy đầu năm 2014, các nhà điều tra đã tìm thấy những tài liệu về mối quan hệ của Huawei và Skycom - công ty bị Mỹ cáo buộc là công ty con của Huawei và vi phạm lệnh cấm làm ăn với Iran.

Bà Mạnh đã bị yêu cầu soi chiếu an ninh đến hai lần, nguồn tin của Reuters kể lại. Điện thoại và các thiết bị điện tử khác của bà này bị cảnh sát lấy đi và chỉ trả lại sau vài giờ. Giám đốc tài chính Huawei cũng được trả tự do ngay sau đó.

Trong cùng năm đó, tài liệu thu được từ máy tính cá nhân của giám đốc tài chính toàn cầu ZTE đã vén bức màn về các hoạt động làm ăn mờ ám của Huawei. Sau khi đáp máy bay xuống sân bay Logan cùng trợ lý, CFO của ZTE đã bị giữ lại nhiều giờ liền.

Tìm kiếm trong chiếc máy tính hiệu Lenovo của ông này, các nhà điều tra Mỹ phát hiện một tài liệu đề ngày 25-8-2011 nói về việc ZTE cần phải nhanh chóng thành lập các công ty bình phong để bán các thiết bị do Mỹ sản xuất cho các quốc gia bị Washington cấm vận.

Tài liệu được ký bởi bốn giám đốc điều hành hàng đầu của ZTE còn nhắc đến một công ty đối thủ có biệt danh F7, rằng công ty này đã thành lập các công ty bình phong và đang chiếm ưu thế trước ZTE.

Các mô tả trong tài liệu của ZTE hoàn toàn khớp với Huawei và nhiều nghị sĩ Mỹ tin rằng F7 không phải công ty nào khác mà chính là Huawei.

Chính quyền Bắc Kinh có lẽ đã biết được cách Mỹ tìm kiếm bằng chứng chống lại các tập đoàn viễn thông của họ. 

Hồi tháng 1-2019, hãng thông tấn Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết Bắc Kinh đã cấm lãnh đạo các tập đoàn nhà nước đem máy tính xách tay do công ty cấp ra nước ngoài trừ trường hợp bất đắc dĩ.

Theo yêu cầu của Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc, các tập đoàn phải có trách nhiệm rà soát, kiểm tra các dữ liệu nhân viên sẽ đem ra nước ngoài khi công tác. Tất cả chúng phải được lưu trong một USB bảo mật.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên