23/05/2019 10:42 GMT+7

Tiết kiệm nước không chỉ cho mình

NGUYÊN HẢI
NGUYÊN HẢI

TTO - Có thể bạn chưa ở tình cảnh phải tiết kiệm từng ly nước. Có thể bạn chưa biết nhiều nơi bà con bao năm vẫn mong chờ dòng nước sạch để ăn uống, tắm giặt. Và có một thực tế: quá nhiều người đang dùng phung phí nguồn nước sạch đang cạn dần.

Tiết kiệm nước không chỉ cho mình - Ảnh 1.

HS tiểu học được thầy cô chỉ dạy việc rót nước vừa đủ uống để tập thành thói quen tiết kiệm nước. Trong ảnh: HS Trường tiểu học Hồ Văn Huê (Q.Phú NHuận, TP.HCM) uống nước tại trường - Ảnh: TỰ TRUNG

2,1 tỉ người trên thế giới không có nước sạch để dùng. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ đạt tới 3,9 tỉ người - nghĩa là cứ 5 người trên thế giới sẽ có hơn 2 người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch.

Mất mát không nhìn thấy

Nhiều hồ chứa nước ngọt, sông suối trên thế giới đang dần cạn kiệt, các quốc gia đều đang đau đầu với xử lý để có nước sạch đáp ứng nhu cầu.

Tháng 3-2018, Chính phủ Nam Phi đã cảnh báo thực trạng này bằng thông điệp từ "Ngày không nước" ở thủ đô Cape Town. 

Theo đó, mỗi người dân không được dùng quá 50 lít nước/ngày để nấu ăn, rửa chén, vệ sinh... Và chính phủ phải tiến hành dự án tách muối trong nước biển để có nước cho người dân sử dụng.

Trong khi đó, nước ngọt đang bị sử dụng lãng phí, làm ô nhiễm nguồn nước sạch đang xảy ra phổ biến trên thế giới (và Việt Nam cũng vậy). 

Nguồn nước ngầm đang suy giảm ở tốc độ rất nhanh. Đó là điều không nhìn thấy tận mắt được nên ai cũng nghĩ nước là vô hạn, không thấy mất mát lớn nguồn tài nguyên quý giá cho sự sống.

Hầu hết người dân ở các thành phố lớn đều có đủ nước sinh hoạt để dùng. Một số vùng ven phải cầu viện đến nước châm từ bồn, bán giá cao. 

Song tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền núi đồi và Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn rất nhiều nơi nước sạch còn ở nơi xa, bà con vẫn ăn uống tắm giặt với nước phèn, nước nhiễm mặn, có nơi chắt chiu giữ từng ca nước ngọt quý giá, có nơi phải sống cùng nguồn nước ô nhiễm dư lượng chất độc hại.

Không chờ đến khi thiếu nước

Chỉ những người sống trong cảnh chắt chiu từng giọt nước, phải đi mua từng can nước mới biết cách dè sẻn nước. Hầu hết mọi người Việt hầu như ít trân quý nước. Nhiều người vẫn vô tư nhìn những dòng nước, giọt nước sạch chảy từ những vòi nước hư hỏng hoặc quên khóa chặt. 

Người ta vẫn thờ ơ nhìn nước sạch chảy tràn từ ống nước, vòi nước. Rất nhiều hành động xả rác, xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước sạch vẫn diễn ra mỗi ngày.

Không ít người vẫn cho rằng thất thoát nước thì công ty cấp nước phải lo. Điều đó tuy không sai nhưng chưa đủ. 

Cách sử dụng nước của mỗi nhà sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên nước và gìn giữ nguồn nước tốt hơn cho lâu dài. Cũng như cách nghĩ: nhà nào dùng nhà nấy trả tiền, tại sao phải tiết kiệm nước cũng không thể đúng cho mai sau khi nguồn nước sạch không phải vô hạn.

Tiết kiệm nước không chỉ là câu chuyện của những vùng thiếu nước, không phải là thời sự của mùa khô hạn, nắng gắt. Giờ nhiều điểm đến du lịch trong nước đã đối mặt nguy cơ thiếu nước sạch ngày càng nặng hơn. 

Dùng nước tiết kiệm ngay khi không thiếu nước là câu chuyện của sự văn minh bởi nước không của riêng ai. Gìn giữ chất lượng nguồn nước, góp phần làm chậm quá trình suy kiệt trữ lượng nước là chuyện mỗi người một tay.

Thay đổi từ những việc nhỏ

Gia đình tôi từ ngày còn dùng nước giếng đào, mẹ tôi luôn giữ lại nước rửa rau, rửa chén (không có dầu mỡ, xà phòng) để tưới cây trong vườn. Nước sau khi rửa chén có thể cọ sàn, làm mát sân nhà... Với nước giặt quần áo lần cuối, mẹ tôi tận dụng cho nhà vệ sinh. 

Nhiều người thân quen của tôi sống ở đô thị chuyển sang dùng các loại tẩy rửa 100% thiên nhiên, thảo mộc để gội đầu, rửa bát, giặt quần áo, lau nhà. Nhờ đó lượng nước được dùng để làm sạch giảm đi đáng kể, nước thải không có hóa chất được tận dụng tối đa vào việc khác.

Bạn bè tôi chú trọng việc giáo dục tinh thần tiết kiệm với trẻ em từ 5 tuổi. Không phải là lời nói suông mà thông qua việc ăn uống, tắm giặt hằng ngày luôn chỉ cho trẻ cách dùng nước tiết kiệm nhất. 

Chẳng hạn như mỗi lần uống nước chỉ nên rót vừa đủ uống, tránh đổ bỏ nước thừa. Khi ra bên ngoài, việc mang theo bình nước cá nhân cũng là cách tự kiểm soát mình uống đủ nước chưa cũng như giảm thiểu hoang phí nước sạch. 

Những điều nhỏ nhặt hơn nhưng thường bị lãng quên như đánh răng, rửa mặt, cạo râu, không mở vòi nước bỏ đó khi làm việc khác... cũng cần được lưu tâm.

Nhiều người tận dụng nguồn nước thải ra của máy điều hòa nhiệt độ để tưới cây, lau sàn. Chỉ bằng một hành động đơn giản: đặt một cái chậu hoặc xô ở nơi có đường ống xả nước từ máy lạnh là họ đã có thể thu được lượng nước kha khá. 

Và đây là nguồn nước an toàn để tưới cho rau chứ không chỉ cây cảnh, điều này đã được công nhận. Thay đổi từ những việc nhỏ, ai cũng có thể làm. Tại sao không?

Việt Nam nằm trong tốp 15 quốc gia có trữ lượng nước tự nhiên nhiều nhất thế giới. Song theo thống kê của Hội Tài nguyên nước quốc tế, Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia thiếu nước sạch. Lượng nước sạch bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình của thế giới, đến 2025 sẽ tiếp tục giảm đi một nửa.

Phải cấp bách tiết kiệm nước Phải cấp bách tiết kiệm nước

TTO -  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh như vậy tại lễ mittinh quốc gia hưởng ứng Ngày nước thế giới năm 2017, tổ chức sáng 22-3 ở TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh).

NGUYÊN HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên