29/03/2019 18:00 GMT+7

Cách trung tâm huyện vài cây số, hàng ngàn hộ dân 'khát' nước sạch

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Hàng ngàn hộ dân tại xã An Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) nhiều năm qua phải dùng nước nhiễm phèn, mặn để sinh hoạt. Đối với họ, nước sạch vẫn là một giấc mơ dù chỉ cách trung tâm huyện vài cây số.

Cách trung tâm huyện vài cây số, hàng ngàn hộ dân khát nước sạch - Ảnh 1.

Hàng ngàn hộ dân ở An Thủy phải lọc nước phèn để sinh hoạt - Ảnh: TRẦN LONG

Nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân thuộc An Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vẫn phải sử dụng nước nhiễm phèn, mặn ở mức nghiêm trọng để phục vụ sinh hoạt. Lo lắng tột cùng nhưng người dân không có nhiều lựa chọn, bởi hệ thống nước sạch của xã này hiện chỉ đủ công suất đáp ứng được gần một phần ba nhu cầu.

Theo tìm hiểu, xã An Thủy có tất cả 6 thôn với 2.750 hộ, nhưng chỉ có một thôn được sử dụng nước sạch. Số còn lại hàng chục năm qua phải dùng nước sông hoặc nước giếng nhiễm phèn, mặn để sinh hoạt. Đến mùa nắng thì tỉ lệ dân phải dùng nước phèn, mặn càng tăng lên. 

Nơi thiếu nước sạch nghiêm trọng nhất là ở ba thôn Thạch Bàn, Phú Thọ và Tân Lệ. Gần như hộ gia đình nào ở các thôn này cũng phải xây bể lọc trong nhà để lọc nước lấy từ sông Kiến Giang hoặc từ giếng múc lên. Bể lọc của nhiều gia đình chỉ sau một thời gian ngắn đều chuyển thành màu vàng khè.

Cách trung tâm huyện vài cây số, hàng ngàn hộ dân khát nước sạch - Ảnh 2.

Những bể lọc nước thủ công chỉ sau một thời gian ngắn là chuyển thành màu vàng - Ảnh: TRẦN LONG

Ông Lê Văn Thương - trưởng thôn Phú Thọ - nói người dân trong thôn phải bỏ tiền ra mua nước lọc hoặc hứng nước mưa để lọc rồi sử dụng cho ăn uống. Còn tắm rửa vẫn phải dùng nước phèn, mặn. Về mùa hè khô hạn thì có nhiều hộ phải dùng luôn nước giếng để ăn uống vì giá nước tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Đợi ở thôn Phú Thọ là một trong những hộ có "thâm niên" sống chung với nước nhiễm phèn. Ông cũng phải xây một bể lắng ngay bên giếng để lắng thủ công nước từ giếng trước khi sử dụng sinh hoạt, nhưng khi dùng nấu nước uống hay thức ăn vẫn thấy một lớp váng ở trên mặt. Thi thoảng ông phải chở thùng đi ngược lên thượng nguồn khoảng 3km để mua nước sạch về ăn uống. 

"Phải chấp nhận thôi. Mấy chục năm ni ăn uống như rứa rồi. Biết là sẽ sinh ra nhiều bệnh tật đó nhưng không có lựa chọn khác", ông chua chát.

Cách trung tâm huyện vài cây số, hàng ngàn hộ dân khát nước sạch - Ảnh 3.

Muốn có nước sạch, ông Nguyễn Văn Đợi, trú thôn Phú Thọ cũng như nhiều người dân khác ở đây phải chạy ngược lên thượng nguồn 3km mua nước - Ảnh: TRẦN LONG

Theo thống kê của UBND xã An Thủy, trung bình mỗi năm trên địa bàn có từ 25 đến 30 người chết vì bệnh ung thư và bệnh hiểm nghèo, số người chết đều tập trung ở các thôn Phú Thọ, Tân Lệ và Thạch Bàn. Có gia đình có đến 3 người chết vì ung thư. 

Tỉ lệ người chết và mắc bệnh cao trong những năm qua càng khiến người dân trong xã An Thủy lo lắng hơn về nguồn nước. Nên trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, vấn đề nước sạch đã được người dân đưa ra tìm giải pháp. Nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào được thực hiện.

Cách trung tâm huyện vài cây số, hàng ngàn hộ dân khát nước sạch - Ảnh 4.

Hầu hết giếng nước của người dân An Thủy đều nổi váng phèn - Ảnh: TRẦN LONG

Theo ông Võ Đình Thanh - chủ tịch UBND xã An Thủy, trên địa bàn xã An Thủy hiện chỉ có một thôn được dùng nước sạch. Còn các thôn khác nhà máy không đủ công suất để đáp ứng, nên phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, mặn.

Ông Thanh cho biết mới đây Sở Y tế, Sở Tài nguyên-môi trường cùng một số cơ quan chuyên môn của tỉnh Quảng Bình đã về lấy mẫu nước để kiểm nghiệm lại mức độ ô nhiễm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy mức độ ô nhiễm của nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn là nghiêm trọng.

Ông Đặng Đại Tình - chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy - nói huyện cũng đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với chính quyền xã khảo sát lại toàn bộ. "Sau khi có kết quả khảo sát, huyện sẽ lên phương án đầu tư hệ thống nước sạch cho dân", ông Tình nói.

Bơm nước nhiễm phèn nặng cho dân xài Bơm nước nhiễm phèn nặng cho dân xài

TT - Ba năm qua, hơn 200 hộ dân ở ấp Thạnh Phú, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) phải sử dụng nước nhiễm phèn nặng từ trạm cấp nước số 2 của ấp.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên