Chương trình “Phỏng vấn thử - thành công thật” đã thu hút đông đảo sinh viên thành phố đến tham dự để tìm cơ hội tiếp cận với nhà tuyển dụng và rèn luyện kỹ năng phỏng vấn tìm việc - Ảnh tư liệu |
Bạn đọc Hoàng Minh Quân viết: Hiện nay bộ máy hành chính chỉ cho phép tuyển chừng đó người nên dù có muốn tuyển thêm họ cũng không được phép. Không ai phủ nhận việc xin vào cơ quan nhà nước là có yếu tố quen biết hay phải có gì đó. Nhưng hãy tự nghĩ xem, đâu phải chỉ có con đường làm việc tại cơ quan nhà nước là con đường duy nhất. Hãy nhìn lại mình.
Bạn đọc Trường Giang chia sẻ: Cần tìm hiểu xem công việc đúng chuyên môn yêu cầu gì, mình có đáp ứng được không, xem xét thay đổi bản thân nếu cần thiết. Than vãn không giải quyết được vấn đề đâu. Nếu không thay đổi suy nghĩ "con ông cháu cha, quen biết và chạy tiền" thì rất khó để bạn xin được việc, trừ khi bạn có những thứ đó.
Bạn đọc Tuấn Tài cùng chung suy nghĩ: Không cố gắng, không trau dồi kỹ năng thì đừng bao giờ nghĩ tới chuyện xin được việc tử tế. Học đại học xong là ngừng học chắc. Mình ra trường cũng phải tự bươn trải kiếm sống nhưng chẳng bao giờ nghĩ xã hội thế này thế kia hay phải chạy chọt cả.
Bạn đọc Phong Vũ phân tích: Bây giờ ra trường không nhất thiết phải làm trong nhà nước, công chức. Có rất nhiều công ty tư nhân trong nước, công ty, tập đoàn nước ngoài tuyển dụng liên tục và rất nhiều vị trí công việc trong xã hội thiếu nhân sự. Chỉ cần khi đang là sinh viên bạn chịu khó làm thêm, trao dồi kỹ năng thì khi ra trường đi xin việc sẽ hết sức dễ dàng.
Cứ tìm việc trái ngành cũng được. Cứ làm việc siêng năng, làm việc đến cùng rồi thành công sẽ đến với chúng ta. Không nhất thiết phải là công chức. |
Bạn đọc Nguyen Hoang Viet kể lại câu chuyện của mình: "Tôi là con một cán bộ nhà nước và cũng có chức vụ. Khi tôi gần ra trường, bố tôi đột ngột mất, viễn cảnh tương lai về việc làm bỗng dưng hụt hẫng. Tôi tự phải thay đổi, cố gắng học tất cả những điều mình được dạy, kèm theo đó là trau dồi tiếng Anh. Quyết tâm cao độ đến mức tôi tiến bộ không ngừng".
"Ra trường trong khi bạn bè quyết định nghỉ ngơi hưởng thụ trước khi xin việc thì tôi đã dành thời gian rất nhiều vào viết CV và chuẩn bị khả năng phỏng vấn. Trải qua quá trình phỏng vấn nhiều nơi, tôi được hai công ty cùng lúc nhận vào làm, tôi đã chọn một công ty có vốn đầu tư nước ngoài để có cơ hội phát triển thêm cho bản thân".
"Đến giờ tôi vẫn phát triển tốt trên con đường của mình, có vợ, lương bổng chấp nhận được, tôi tự tin mình có thể làm nhiều điều khác mà không phải nhờ đến gia đình hay tiền bạc...".
Và bạn đọc Nguyen Hoang Viet bày tỏ: Số phận mình do mình tự quyết định. Đừng bao giờ đổ lỗi cho người khác. Đã là thế hệ trẻ phải phấn đấu không ngừng...
"Trước hết hãy tự nhìn lại bản thân mình" cũng là ý kiến của bạn đọc Skipton Nguyen .
Bạn đọc Skipton Nguyên nêu những câu hỏi: Vẫn biết xã hội có nhiều vấn đề nhưng cái chính của vấn đề là mình. Đừng đổ hết cho xã hội. Tại sao các bạn lại cứ phải cố sống cố chết lấy một cái biên chế? Tại sao cứ phải đâm đầu vào cái ngành học chả biết tương lai thế nào? Tại sao cứ ngồi đó than thân trách phận mà không lao ra ngoài kia kiếm một công việc khác tốt hơn? Tại sao không bỏ về quê trồng rau, nuôi bò kỹ thuật cao?...
Các ý kiến ở đây đều từ kinh nghiệm cá nhân. Có người đổ lỗi cho cá nhân. Có người đổ lỗi cho xã hội. Nhưng các bạn thiếu một cái nhìn tổng quát cho một xã hội gần 100 triệu dân. Có trường hợp các bạn có năng lực nhưng do lý do khách quan không quen biết gì đó, không phát huy được khả năng. Cũng có trường hợp đúng là do cá nhân thụ động chỉ biết trách móc các điều kiện bên ngoài mà không coi lại mình. Nhìn một cách tổng quát thì việc không có ô dù, xin xỏ không tìm được việc là có tồn tại. Ví dụ các ngành chủ yếu do nhà nước quản lý... hoặc các công ty gia đình thì chuộng đưa người nhà vào làm cho họ. Tôi mừng là đa số ý kiến đổ lỗi cho cá nhân. Điều đó chứng tỏ các bạn trẻ rất năng động, tự tạo ra cơ hội cho mình và xã hội đang thay đổi tích cực. Một số có thực lực mạnh thì thành công, một số bạn không đủ năng lực. Trong xã hội, thế nào cũng phải có người 10 điểm, người 5-6 điểm. Giải quyết các bạn không đủ năng lực như thế nào? Không lẽ không đi làm mà ở nhà, xã hội phí một người lao động. Đây là một trong các trách nhiệm của xã hội, không được phí. Họ có đúng là bất tài hay không hoặc chưa tìm ra được điểm mạnh của mình?! Ai cũng có tài, trách nhiệm của xã hội là giáo dục học sinh tìm ra được năng khiếu của mình và tạo môi trường để năng khiếu được phát triển. Tôi mong các cô bác lãnh đạo ở tất cả các cơ sở, nhất là giáo dục và y tế ... phải biết nhìn ra đâu là người có năng lực, nhiệt huyết hoài bão và cho các bạn một cơ hội cống hiến. Không để tình trạng chạy việc này diễn ra đến đời con đời cháu?! Người ta kiếm tiền để làm gì, cho con cho cháu, chẳng lẽ bác muốn con cháu các bác phải chạy việc hay sao? Xã hội mạnh nhất khi mọi người phát triển hết mức đúng theo khả năng của mình. |
* Mời bạn chia sẻ ý kiến, câu chuyện của mình qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận