21/11/2017 18:05 GMT+7

Tiếp khách ngoại, chỉ được dùng rượu, bia nội?

L.THANH
L.THANH

TTO - Cơ quan nhà nước chỉ dùng đồ uống là rượu, bia… sản xuất trong nước để tiếp khách quốc tế.

Đó là quy định tại dự thảo thông tư đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi, dự kiến sẽ có hiệu lực từ đầu năm sau.

Tại dự thảo thông tư quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan nhà nước, đơn vị phải thực hành tiết kiệm trong việc tiếp khách trong nước; việc tổ chức tiếp khách phải đơn giản, không phô trương hình thức.

Thành phần tham dự chỉ là những người trực tiếp liên quan. Không sử dụng ngân sách nhà nước để mua quà tặng đối với các đoàn khách đến làm việc.

Mọi khoản chi tiêu tiếp khách phải đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức tiếp khách phải trực tiếp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc chi tiêu sai quy định. 

Cụ thể:

Chi tiếp khách quốc tế: Mức chi tặng hoa đón, tiễn khách tại sân bay tối đa 500.000 đồng/người. Chi về thuê chỗ ở đã bao gồm cả ăn sáng, từ 800.000 - 5.500.000 đồng/người/ngày, tùy theo đối tượng.

Tiêu chuẩn ăn hàng ngày (bao gồm 2 bữa trưa, tối) có mức chi tối đa từ 500.000 đồng/ngày/người - 1.200.000 đồng/ngày/người, tùy theo đối tượng cụ thể. Mức chi ăn hàng ngày nêu trên bao gồm cả tiền đồ uống. "Rượu, bia, nước uống sản xuất tại Việt Nam để tiếp khách quốc tế" Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Chi tiếp khách trong nước: Mức chi giải khát 30.000 đồng (nửa ngày)/người. Mời cơm: 300.000 đồng/suất.

Về đối tượng mời cơm, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách địa phương quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm; mức chi mời cơm; mức chi giải khát. Đối với từng loại hình cơ quan thuộc tỉnh, trình HĐND tỉnh trước khi ban hành.

Còn đối với các bộ ngành, cơ quan ngang bộ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm; mức chi mời cơm; mức chi giải khát cho phù hợp với đặc điểm hoạt động của các cơ quan trực thuộc Bộ, ngành đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cho rằng chủ trương là để tiết kiệm.

Một chai rượu ngoại có giá trị vài ba chục triệu đồng. Tiêu pha như thế bằng tiền ngân sách thì rất xót xa tiền của dân.

Nếu biết xót xa tiền thuế của dân, của nước thì sẽ góp phần lành mạnh hơn cho xã hội trong điều kiện chưa chấm dứt được việc tiếp khách có bia, rượu.

Tại buổi thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội hôm 24-10 vừa qua, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) đã phải nói thẳng là tình trạng chi tiêu ở ta còn lãng phí vô cùng.

Ông Cương nhắc lại việc mà ông nói không thể quên được là khi đi khảo sát để làm Luật chính quyền địa phương, đến một địa phương ở miền Trung, khi nói đến ngân sách của địa phương, một vị phó chủ tịch tỉnh nói một tháng tiếp khoảng 30 đoàn của Trung ương.

"Đoàn ở Trung ương đến địa phương thì vừa chiêu đãi, vừa liên hoan. Tình trạng chi tiêu ăn uống biết dùng từ gì cho chính xác. Chiêu đãi mời cơm nếu giảm được thì chi tiêu hành chính sẽ giảm nhiều. Không cần đến mức uống chai rượu bằng giá trị cả một con trâu" ông Cương nhấn mạnh.

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên