25/11/2018 12:14 GMT+7

Tiếng kèn harmonica ở Sài Gòn

ĐỖ TRƯỜNG
ĐỖ TRƯỜNG

TTO - Mỗi tối thứ ba, trên con đường nhỏ có tên Hoa Lan ở Sài Gòn, tiếng kèn harmonica réo rắt như mời gọi dòng người hối hả dừng lại dăm ba phút để thưởng thức những giai điệu đẹp rất xưa cũ mà cũng rất mới mẻ.

Tiếng kèn harmonica ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Dàn nhạc harmonica Việt Nam trong một buổi biểu diễn tại Nhà hát VOH, TP.HCM - Ảnh: VNHO

Tiếng kèn ấy phát ra từ Dàn nhạc harmonica Việt Nam (Vietnam Harmonica Orchestra - VNHO) do nhà báo - nghệ sĩ Hoàng Mạnh Hà sáng lập và điều hành. Anh từng có nhiều năm là thư ký tòa soạn của báo Pháp luật TP.HCM, hiện vẫn đang làm báo và là giảng viên của Trường Âm nhạc B.A.C.H.

Từ vui chơi đến chuyên nghiệp

19h, các thành viên đến chỗ tập là một phòng nhỏ ở tầng 2 Trường âm nhạc B.A.C.H (39 Hoa Lan, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Căn phòng được vị hiệu trưởng Trường nhạc B.A.C.H dành cho  có chỗ tập luyện, không phải trả phí.

Ở đây có đủ loại kèn harmonica dòng chromatic: từ kèn solo, kèn bass, kèn alto, kèn chord cùng cất tiếng, hòa quyện với nhau, bổng trầm cao thấp, thả hồn vào giai điệu dìu dặt.

Hoàng Vân - làm việc trong ngành ngân hàng - nhún nhảy với cây chord dài lướt thướt; Hoài Hương - huấn luyện viên yoga, Thanh Nhất (bác sĩ) duyên dáng với cây chromatic; Thanh Tường - doanh nhân - với cây contrebass bự xự; Nguyên Thảo (sinh viên dược) - Tuấn Lâm (giảng viên nhạc) lả lướt với phím piano...

Ngoài ra, những sáng chủ nhật họ còn thong dong ngồi với nhau ở một quán cà phê hay góc công viên nào đó, tấu lên giai điệu ngân nga.

Thành lập năm 2013, được sự đỡ đầu của Trường âm nhạc B.A.C.H, VNHO có 30-50 thành viên sinh hoạt. Họ là học sinh, doanh nhân, luật sư, nhà báo và cả những bạn trẻ làm nghề tự do… Điểm kết nối họ là tình yêu dành cho cây kèn harmonica.

Nghệ sĩ Hoàng Mạnh Hà cho biết cơ duyên thành lập dàn nhạc đến từ một lần anh đăng thông tin mở lớp dạy kèn harmonica, để có sân chơi cho người yêu loại nhạc cụ này. Thế là hơn 30 thành viên đăng ký, kết quả ban đầu này khiến anh vừa vui vừa bất ngờ vì loại khí cụ này chưa được người dân chơi phổ biến.

"Tôi mê nhạc từ nhỏ. Lớn lên vì mưu sinh nên tạm gác lại đam mê. Bây giờ cuộc sống đã ổn định, tôi muốn dành nhiều thời gian cho âm nhạc, cùng các bạn xây dựng một môi trường âm nhạc nhiều cảm xúc" - nghệ sĩ Hoàng Mạnh Hà tâm sự.

Sao những nỗ lực tập luyện, đáng chú ý là năm 2015, dàn nhạc được Hiệp hội Giáo dục harmonica Hàn Quốc mời sang tham dự Festival harmonica quốc tế tổ chức tại Seoul. Và đó là lần đầu tiên Việt Nam có hẳn một dàn nhạc harmonica đi giao lưu, biểu diễn với bạn bè quốc tế.

Khi ta cười, tiếng kèn cười theo

Để có được "trái ngọt" đó, VNHO đã trải qua khá nhiều khó khăn như vấn đề nhạc cụ cho học viên mới, hay cách duy trì nhân sự trong một dàn nhạc.

Nhà báo Hoàng Mạnh Hà chia sẻ nhóm thường tổ chức đi phượt kết hợp biểu diễn tình nguyện, chia sẻ âm nhạc tại các mái ấm… Đó là cách kết nối thành viên và duy trì "lửa" đam mê.

Như mùa Noel năm 2015, Hoàng Mạnh Hà đưa dàn kèn harmonica đến chia sẻ câu chuyện âm nhạc cùng các em ở mái ấm Thiên Ân. Các em ở đây chăm chú lắng nghe, siêng năng tập luyện harmonica và khả năng cảm nhạc rất tốt. Hơn một năm trời, nhóm thường xuyên đến mái ấm dạy kèn harmonica và đã tặng 15 bộ kèn, mỗi bộ ba cây, cho các em nhỏ nơi đây.

Theo anh Hoàng Mạnh Hà, người thổi harmonica cần có hai yếu tố chính là không khiếm khuyết cơ thể như răng, môi… và có đam mê thực sự.

"Suy cho cùng, năng khiếu là đam mê. Khi có đam mê, người ta tập luyện không biết mệt mỏi cộng với đi đúng hướng thì sẽ học tốt. Người học còn phải biết kiềm chế "con quỷ" lười biếng trong mình. Do đó cần có một môi trường sinh hoạt để mọi người cùng đốt lửa cho nhau, tạo cảm hứng để tập luyện hăng say hơn" - Hoàng Mạnh Hà chia sẻ.

Chị Phan Hoàng Vân (tham gia VNHO được 4 năm) tâm tình nhạc cụ này giúp chị rèn luyện tinh thần kỷ luật, biết cách kiềm chế cái tôi khi biểu diễn cùng dàn nhạc, song cũng có cơ hội được solo thể hiện "chất" riêng của mình.

"Công việc của tôi làm bên ngân hàng, toàn con số căng thẳng. Việc tập kèn giúp giải tỏa áp lực và nỗi buồn cuộc sống, cũng như giúp tôi làm chủ được làn hơi của mình. Tinh thần vui tươi thì sức khỏe cũng được cải thiện" - chị Vân cho hay.

Bởi biết niềm vui tinh thần quan trọng nên trong lúc chơi nhạc, nghệ sĩ Hoàng Mạnh Hà vẫn không thôi nhắc học viên "phải cười lên, khi ta cười tiếng kèn cười theo". "Tiếng cười" ngọt ngào tình yêu cuộc sống ấy, từ cây kèn harmonica, cũng là dư âm đọng lại trong lòng người nghe...

Chơi và được đào tạo bài bản

Những năm 2010, nhiều câu lạc bộ (CLB), nhóm harmonica của các quận, trường ĐH ở Sài Gòn ra đời và hoạt động sôi nổi như CLB harmonica Gò Vấp, CLB harmonica 4F, CLB harmonica ĐHQG... Nhưng hoạt động được một thời gian, các CLB này dần đuối sức, hoạt động cầm chừng hoặc tan rã. Chủ nhiệm các CLB trên đều cho rằng nguyên nhân chính là do thiếu đường hướng và sân chơi thể hiện tài năng.

Riêng với VNHO, điều giúp dàn nhạc này trụ vững là có định hướng rõ ràng, học viên được đào tạo bài bản, học nhạc lý, nắm được ký, xướng âm, đọc được bản tổng phổ.

"Bộ sậu" dàn nhạc là những nghệ sĩ chuyên nghiệp như nghệ sĩ - nhà báo Hoàng Mạnh Hà giữ vai trò đào tạo và điều hành; chỉ huy dàn nhạc là tiến sĩ - nhạc trưởng Nguyễn Bách; nhạc sĩ Lê Quang Vũ, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đảm nhiệm vai trò hòa âm phối khí. Đến nay, VNHO đã bầu ra các bè trưởng như mô hình dàn nhạc giao hưởng.

Dàn nhạc cũng đã có cơ hội cọ xát trên những sân khấu lớn, những chương trình như Piano Sings (Trường âm nhạc B.A.C.H tổ chức), Festival hoa Đà Lạt 2017, chương trình nhạc giao hưởng của đài truyền hình quốc gia...

Harmonica Việt Nam: Cây kèn nhỏ bước vào cuộc chơi lớn Harmonica Việt Nam: Cây kèn nhỏ bước vào cuộc chơi lớn

Harmonica ở Việt Nam tưởng chừng chỉ là cuộc chơi nghiệp dư giải trí, ấy vậy mà đã có một dàn nhạc được thành lập âm thầm, nay đã lên đến 50 người, đủ sức trình tấu những nhạc phẩm phức tạp, thu hút người xem trong và ngoài nước.

ĐỖ TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên