09/04/2013 12:08 GMT+7

Tiếng đàn ta lư cuối cùng

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TT - “...Từ trên đỉnh núi cao chót vót thánh thót nhịp nhàng vang lời em ca
Theo nhịp bước quân đi trong tiếng đàn ta lư
Tính tính tính tính tính tính tính tính tang tang tình
Con chim ch’rao xinh hót trên cành vui mừng công anh
Bộ đội giải phóng quân ơi, anh thắng trận miền tây Khe Sanh...”.

(trích Tiếng đàn ta lưcủa Huy Thục)

cmjoVUNn.jpgPhóng to
Ông Mai Hoa Sen thỉnh thoảng vẫn đàn ta lư cho đám trẻ Pa Cô, Vân Kiều nghe - Ảnh: QUỐC NAM

Những năm chiến tranh chống Mỹ, bộ đội giải phóng theo đường Trường Sơn vào giải phóng miền Nam đã đi qua miền tây Quảng Trị. Ở đây, tiếng đàn ta lư đã để lại trong lòng họ những ký ức đẹp về tấm lòng của người Pa Cô, Vân Kiều. Đó là những giây phút bom đạn tạm lắng, tiếng đàn ta lư từ những chàng trai, cô gái Pa Cô, Vân Kiều lại vang lên tính tang giữa núi rừng như tiếp thêm sức mạnh để đào đường, tải đạn.

Hai người trong số đó là nhạc sĩ Huy Thục và nhạc sĩ Phương Nam đã bị “mê hoặc” bởi tiếng đàn này. Hai bài hát Tiếng đàn ta lư và Rừng xanh vang tiếng ta lư đã ra đời như thế. Theo âm vang của hai bài hát này mà tiếng đàn ta lư của người Pa Cô, Vân Kiều đã đi và sống trong lòng người hàng chục năm qua. Và bài hát Tiếng đàn ta lư của Huy Thục cũng là một trong ba bài hát được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. Còn Huy Thục sau bài hát này được bà con Pa Cô, Vân Kiều xem như người con của bản làng.

Nhưng bây giờ tìm đâu ra tiếng đàn ta lư?

Rừng xanh có tiếng ta lư

Ông là người cuối cùng còn có khả năng chế tác và chơi đàn ta lư trên vùng núi rừng Trường Sơn miền tây Quảng Trị. Dù ông đã nỗ lực truyền ngọn lửa ta lư cho các thế hệ kế cận, nhưng như cách nói của ông thì “lớp thanh niên trong bản bữa nay cũng chuyển qua thích nhạc trẻ hết rồi...”. Ông là Mai Hoa Sen, ở bản Ka Hẹp, xã Tà Rụt (Đakrông, Quảng Trị).

Ta lư tuy dễ mà khó

Chia sẻ về cách chế tác đàn ta lư, ông Sen cho biết đàn ta lư là loại đàn khá đơn giản. Chỉ gồm một khối gỗ hình bầu dục được đục rỗng làm thùng, sau đó nối thêm một khúc gỗ khác làm khung nối dây đàn. Điểm khó nhất trong chiếc đàn này là cách bố trí những phím đàn để có âm thanh chuẩn. “Việc này cần có sự cảm nhận âm thanh bằng cảm giác. Mà cảm giác chỉ đến khi người làm thật sự yêu tiếng đàn này” - ông chia sẻ.

Ông Sen năm nay đã bước qua tuổi 70. Từ khi còn là một đứa trẻ lên 10 ông đã biết đến chiếc đàn ta lư truyền thống của dân tộc mình. Khi đó bố ông chọn ông làm người kế thừa duy nhất nên đã tập cho ông cách chơi và cả cách chế tác chiếc đàn ta lư từ rất sớm.

18 tuổi, ông vào bộ đội chính quy sau nhiều năm làm giao liên tiếp tế cho bộ đội. Ông theo đơn vị đi chiến đấu ở rất nhiều chiến trường trên các tỉnh miền Trung. Đi chiến trường nào ông cũng mang theo bên mình chiếc đàn ta lư nhỏ. Thời điểm đó, người Pa Cô, Vân Kiều quê ông ai ai cũng biết chơi đàn ta lư. Chiếc đàn nhỏ hai dây như vật bất ly thân của người Pa Cô, Vân Kiều. “Người ra chiến trường mang theo đàn để gảy cho vui sau trận đánh. Người ở nhà làm dân công cũng mang theo đàn để động viên tinh thần sau bom đạn. Người ở nhà lên nương lên rẫy cũng có đàn trong gùi để quên mệt mỏi trong những phút nghỉ ngơi”, ông kể càng lúc càng say.

Đi bộ đội về cũng là lúc tóc ông lấm tấm bạc. Ông lại trở về với tiếng đàn ta lư quê mình. Những người cùng lứa với ông biết chế tác đàn ta lư thì người còn người mất bởi bom đạn. Ông trở thành “hàng hiếm” về loại nhạc cụ này. Ông bắt tay vào công việc chế tạo đàn ta lư để bán, vừa kiếm sống vừa được thỏa mãn đam mê với loại đàn này. Qua tay ông hàng trăm chiếc đàn ta lư đã ra đời. Hằng ngày trên chiếc xe đạp cọc cạch, ông đưa đàn ta lư lên khắp các vùng A Vao, A Bung, A Dơi, Pa Tầng... của miền tây Quảng Trị để bán. Đi bán mệt ông lại đem đàn ra ngồi gảy và hát. Một trong những lần đi bán đàn như thế ông đã tìm được một nửa cuộc đời mình...

...Trong những người đến mua đàn ta lư của ông khi qua bản A Vao có một cô gái trẻ cứ thẹn thùng khép nép. Đợi khi mọi người mua xong cô gái Pa Cô ấy mới dám tiến đến. “Tôi muốn mua đàn nhưng không có tiền” - cô gái thỏ thẻ. “Nếu cô không có tiền thì tôi tặng cô một chiếc cũng được” - người đàn ông gần tuổi tứ tuần nói với cô gái trẻ hơn mình gần 20 tuổi. Hai người yêu nhau như thế. Tuy nhiên, nhà ông với nhà cô gái cách xa nhau. Lâu lâu anh bán đàn mới có dịp đến một lần, trong khi hằng ngày cô gái có bao nhiêu chàng trai trong bản đến xin kết duyên. Một lần, khi ông đến thì gặp lúc trong nhà cô gái có rất nhiều trai bản đến. Ông ngại nên móc võng nằm phía ngoài rồi mang đàn ta lư ra gảy.

Nghe những khúc nhạc tình yêu ấy, cô gái trẻ Hồ Thị Pênh liền tìm đến với ông.

YMHRiy7D.jpgPhóng to
Bà Hồ Thị Đơn, ở bản Klu, xã Đăk Rông, huyện Đăk Rông (Quảng Trị), ngồi chơi đàn để nhớ lại thời trẻ. Cây đàn này bà được ông Mai Hoa Sen tặng cách đây mấy năm - Ảnh: QUỐC NAM

Truyền nhân ta lư

Chúng tôi đến tìm ông khi ông đang ở trên trang trại của gia đình. Đã 70 tuổi nhưng ông phải đem vợ lên núi để làm trang trại chăn nuôi kiếm sống. “Mấy năm trước tôi theo lời vận động của UBND huyện Đakrông dạy về cách chế tác các loại đàn sáo dân tộc mình cho lớp thanh niên trẻ của huyện. Được hai tháng tôi phải nghỉ để làm trang trại bởi gánh nặng cơm áo hằng ngày. Dạy đàn cũng mê nhưng phải đủ nuôi vợ con nữa”.

Ông đề xuất với bản làng cho tập hợp thanh niên trong bản đến nhà để ông truyền lại cách làm và chơi đàn ta lư cũng như các loại nhạc cụ dân tộc khác nhưng đám trẻ chẳng buồn đến, có đến cũng chỉ được một hai hôm rồi thôi. “Thuyết phục thì chúng nói bữa nay nghe nhạc trẻ hay hơn, tui cũng chịu”, ông nói.

Tuy nhiên không phải vì thế mà ông dửng dưng trước thời khắc quyết định của số phận cây đàn ta lư. Cả tuần ở trên rẫy làm trang trại, nhưng ông mang theo bên mình cây đàn ta lư để khi buồn đem ra đàn cho vợ nghe. Ông có bảy đứa con. Cũng như khi bố ông làm với ông, ông đã chọn một trong số đó là Mai Trung, sinh năm 1987, để phó thác trách nhiệm giữ bí quyết làm đàn ta lư. Dù không có niềm đam mê mãnh liệt như ông, nhưng may thay Mai Trung cũng thương bố nên cố gắng tiếp thu những bí quyết chế đàn bố truyền lại. Hai bố con có khi cả ngày hì hục với cây đàn để truyền bí quyết làm đàn. Giờ Trung là truyền nhân duy nhất của đàn ta lư ở vùng núi rừng này. “Cả núi rừng này chỉ còn mình tôi làm được đàn này, nhưng tôi chưa biết còn ở trên đời được bao năm. Chỉ mong nó (Trung) biết làm đàn ta lư để tiếng đàn này khỏi biến mất”, ông tâm sự.

________________

Kỳ tới: Đi tìm “cánh chim kơtia”

“Chim kơtia bay tới, nghiêng cánh chào Đắk Krông...”. Chim kơtia là chim gì? Tây nguyên đâu có Đắk Krông?

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên