24/10/2018 13:41 GMT+7

Tiền và dầu có cứu nổi Saudi Arabia khỏi viễn cảnh cô lập?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Nguy cơ bị cấm vận quốc tế treo lơ lửng, Saudi Arabia có vẻ tìm cách tự cứu lấy mình qua các khoản đầu tư và viện trợ.

Tiền và dầu có cứu nổi Saudi Arabia khỏi viễn cảnh cô lập? - Ảnh 1.

Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia - Ảnh: AFP

Giữa lúc sức ép quốc tế tăng cao vì cái chết đầy uẩn khúc của nhà báo Jamal Khashoggi, Saudi Arabia tỏ ra hào phóng trong viện trợ.

Đơn cử, ngày 23-10, Chính phủ Pakistan cho hay Saudi Arabia đã đồng ý khoản viện trợ 3 tỉ USD cho nước này, và khoản vay trả định kỳ 3 tỉ USD đối với mặt hàng nhập khẩu dầu, nhằm giúp Pakistan thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Tổng cộng 6 tỉ USD nêu trên là con số vượt qua dự báo của các nhà phân tích trước đó.

Hội nghị đầu tư ế ẩm

Thông tin về khoản viện trợ này xuất hiện khi Thủ tướng Pakistan Imran Khan tham dự hội nghị đầu tư mang tên Sáng kiến đầu tư tương lai (Future Investment Initiative), tổ chức ở Saudi Arabia.

Giữa tâm bão bê bối cùng những đe dọa tẩy chay, hội nghị này - vốn dĩ được mệnh danh như "Hội nghị Davos của vùng sa mạc", tuy vậy vẫn thu hút khoảng 3.000 người tham dự (theo số liệu của báo New York Times), nhưng thực tế thiếu vắng nhiều lãnh đạo chính trị cũng như tập đoàn hàng đầu từ các nước khác.

Lý do cũng là vụ nhà báo Khashoggi, khi nhiều nước bày tỏ thái độ không hài lòng với cách Saudi Arabia giải thích về việc nhà báo - nhà hoạt động đối lập này chết tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng chuyện kinh doanh vẫn phải tiếp diễn. Người đứng đầu công ty dầu mỏ Aramco của Saudi Arabia, ông Amin Nasser, cho biết "mọi người đều thấy đáng tiếc" về cái chết của Khashoggi, nhưng vương quốc này vẫn phải vượt qua điều đó, thúc đẩy tiếp tục các kế họach đầu tư.

Theo ông Nasser, các hợp đồng với tổng trị giá 50 tỉ USD đã được ký ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị này. "Chúng tôi thấy tiếc cho gia đình ông ấy và những gì đã xảy ra, nhưng sau tất cả thì các anh biết đấy, chúng ta phải vượt qua nó. Nhiều đối tác hiện đang ở đây. Chúng tôi đang kinh doanh ở đây".

Theo đánh giá của đài CNN, việc các giám đốc hàng đầu của các công ty lớn như JP Morgan Chase, Uber hay Siemen không đến dự cũng đã khiến hội nghị đầu tư này "mất vui".

Nguy cơ trừng phạt

Vụ nhà báo Khashoggi có thể xem là cú sốc thực sự cho Saudi Arabia về mọi mặt. Nó đang tiềm ẩn nguy cơ ngăn trở kế hoạch thay đổi thậm chí mang ý nghĩa sống còn của vương quốc này trong tương lai.

Saudi Arabia, một đại gia dầu lửa, đã ý thức rất rõ nguồn gốc của sự giàu có và tìm cách duy trì nó thông qua cải cách kinh tế. Thái tử Mohammed bin Salman, tâm điểm chỉ trích hiện tại, vốn là người được ca ngợi về những sáng kiến cải tổ, cả về mặt xã hội lẫn những kế hoạch kinh tế.

Từ khi muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ, Saudi Arabia đã là trung tâm của dịch vụ ngân hàng, công nghệ. Nhưng hi vọng ấy có thể gặp trở ngại lớn khi dòng đầu tư bị bóp nghẹt vì khủng hoảng ngoại giao xung quanh cái chết của Khashoggi.

Đến cả Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23-10 cũng phải thay đổi giọng điệu. Ông chỉ trích cách chính quyền Riyadh úp mở về Khashoggi và mở đường cho các biện pháp cấm vận.

"Họ đã đưa ra phiên bản đầu tiên tệ hại về câu chuyện này. Nó được thực hiện rất xấu xí, và việc che đậy này là một trong những trường hợp che đậy tồi tệ nhất lịch sử", ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.

Tiền và dầu có cứu nổi Saudi Arabia khỏi viễn cảnh cô lập? - Ảnh 2.

Tỉ phú Richard Branson (trái) và Thái tử bin Salman - Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cho biết chính quyền Mỹ đã nhận diện được một số nhân vật tình nghi liên quan tới cái chết của ông Khashoggi, trong đó "bao gồm những người trong cơ quan tình báo, tòa án Hoàng gia, bộ ngoại giao và các bộ ở Saudi Arabia".

Cũng theo ông Pompeo, chính quyền Tổng thống Trump sẽ thu hồi thị thực và cân nhắc áp lệnh trừng phạt lên các cá nhân nêu trên, và đây cũng chưa phải biện pháp cuối cùng mà Mỹ thực hiện.

Hiện tại thái độ tẩy chay của nhiều nước đối với Saudi Arabia đã thể hiện ở hội nghị đầu tư nêu trên. Ngoài các công ty, quan chức các nước như Pháp, Úc, New Zealand, Hà Lan… cũng không đến tham dự.

Còn từ nước Đức, quốc gia đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Angela Merkel tỏ ra quyết liệt với vụ này. Bà tuyên bố ngừng xuất khẩu vũ khí cho Saudi Arabia.

Ban tổ chức "Sáng kiến đầu tư tương lai" cho biết hơn 150 diễn giả và người điều phối tham dự sự kiện này. Ít nhất 40 người tham dự đã khẳng định không đến Saudi Arabia, bao gồm giám đốc điều hành của JP Morgan, Siemens, Blackrock, cũng như Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde.

Tỉ phú nổi tiếng Richard Branson cũng ngưng đàm phán về khoản đầu tư 1 tỉ USD của Saudi Arabia vào tập đoàn Virgin của ông, trong khi một số báo, đài như Bloomberg, CNN và Financial Times cũng không hỗ trợ diễn đàn này.

Mỹ cấm 21 công dân Saudi Arabia nhập cảnh sau vụ giết nhà báo Mỹ cấm 21 công dân Saudi Arabia nhập cảnh sau vụ giết nhà báo

TTO - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ tịch thu visa hoặc cấm nhập cảnh với 21 công dân Saudi Arabia bị cáo buộc có liên đới vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên