Phóng to |
Thi đại học xong, Tiến tranh thủ thời gian làm phụ hồ ở công trình để kiếm thêm tiền nhập học - Ảnh: Vân Anh |
Tiến vừa đỗ vào Trường đại học Nông lâm TP.HCM ngành công nghệ sinh học. Niềm vui chưa dứt thì nỗi buồn đã ập đến với bạn khi trước mắt Tiến là gia cảnh quá khó khăn - một ngõ cụt chưa thấy lối ra...
Cậu học trò nghèo học giỏi
Câu chuyện về “thằng Tiến phụ hồ” đậu đại học mấy ngày nay được mọi người dân ở ấp Tân Hòa, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, Tiền Giang đem ra bàn tán sôi nổi. Hàng xóm, bạn bè ai cũng mừng cho Tiến nhưng đều lo không biết Tiến lấy tiền đâu để nhập học, liệu có theo nổi những năm đại học không? Cha Tiến là thương binh hạng 2/4, vết thương do chiến tranh cứ hoành hành khiến ông không còn đủ khả năng lao động. Gia đình Tiến sống chung với bà nội đã già yếu, mẹ Tiến mất sau một cơn đau tim năm Tiến học lớp 6. Là con trai lớn trong nhà nên từ khi mẹ mất, gánh nặng dường như đổ dồn lên vai Tiến.
Hằng ngày Tiến vượt hơn 7km trên chiếc xe đạp cọc cạch đến trường. Dù khổ cực nhưng nhiều năm liền Tiến luôn đạt học lực giỏi. Tiến luôn tranh thủ ôn bài và học bài vào những giờ giải lao trên lớp vì vừa về đến nhà là Tiến phải lao vào giúp cha lo toan việc nhà và chăm sóc bà nội già yếu.
Cô Đỗ Thị Nên - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Tiến (Trường THPT Tân Hiệp), cho biết: “Em Tiến học giỏi, cần mẫn, siêng năng lại rất hiền. Ngoài giờ học em còn tranh thủ thời gian để đi làm thêm phụ giúp gia đình. Thấy hoàn cảnh của em, thầy cô bạn bè ai cũng thương nhưng chỉ giúp em được phần nào, chủ yếu là động viên tinh thần để em tiếp tục cố gắng vươn lên”.
Ngày Tiến nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trường đại học Nông lâm TP.HCM, nỗi vui mừng chưa tắt trên gương mặt dạn dày sương gió của em thì nỗi lo đã ập đến. Sắp đến ngày đi học mà các khoản học phí cần phải đóng Tiến vẫn chưa biết chạy đâu ra. Em trai Tiến hiện đã nghỉ học để đi làm thợ bạc, nhưng mới vào nghề cũng chỉ làm công để học nghề, chưa làm ra tiền...
Cha Tiến tâm sự: “Ngày nhận tin cháu đỗ đại học tôi mừng khôn tả, nhưng ngẫm nghĩ không biết xoay xở thế nào để sắp tới cho con nhập học. Nhà còn mỗi mình nó đi học. Tôi đang cố vay mượn xóm giềng ít tiền để cháu nhập học rồi tính tiếp”.
Cuộc chạy đua với số phận
Dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng Tiến vẫn luôn nỗ lực, phấn đấu để được đi học. Suốt những năm phổ thông, cứ những ngày được nghỉ học là Tiến lại theo một người chú gần nhà đi làm phụ hồ... Lên cấp III, chú út của Tiến làm thợ hồ, Tiến xin theo phụ, người ta trả được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Từ đó hễ lúc nào rảnh là Tiến lại chạy qua xin đi làm chung với chú. Hè tới thì Tiến ôm luôn gáo hồ toàn thời gian... Nhiều người làm chung thấy Tiến nhỏ nhưng chịu khó, hoàn cảnh khó khăn nên hay nói vui: “Thôi mày nghỉ học theo tụi tao đi làm luôn cho có nghề mà cũng có tiền”. Tiến trả lời gọn lỏn: “Con mà nghỉ học chắc chết quá!”.
Nguyễn Quốc Toàn - người làm hồ chung với Tiến - chia sẻ: “Ban đầu thấy nó nhỏ con cũng sinh nghi không biết có vác nổi thùng hồ không, ai dè nó cũng chì lắm. Nó chịu khó không ai bằng, đi làm có mệt cũng cắn răng chịu đựng chứ tôi chưa nghe nó than thở gì”.
Kể về chuyện mưu sinh của mình, Tiến tâm sự: “Sáng nào em cũng dậy từ sớm để nấu cơm mang theo, chỗ làm cách nhà 6-7km nên phải tranh thủ. Lúc trộn mẻ (trộn ximăng, cát, đá để làm vữa xây), đẩy cát, vác từng thùng hồ cho mấy chú xây em cũng nghĩ đến ngày mình bước vào giảng đường đại học. Mỗi lần mệt mỏi em lại nghĩ đến mẹ, mẹ thôi thúc em theo đuổi tiếp con đường học vấn. Chỉ có một nghề nghiệp ổn định mới giúp em tạo dựng cuộc sống tốt hơn để lo cho gia đình. Em mong bà nội và cha ở nhà giữ gìn sức khỏe”.
Chia sẻ về những dự định sắp tới của mình, Tiến bộc bạch: “Em sẽ kiếm việc làm thêm khi lên TP học và cố gắng học tốt đại học. Em muốn trở thành một kỹ sư sinh học, thu lượm nhiều kiến thức về công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm về giúp đỡ quê hương”. Đưa ra quyết tâm là vậy nhưng Tiến vẫn luôn canh cánh nỗi lo bởi Tiến biết trước mắt mình là một chặng đường dài đầy gian khổ đón đợi...
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Gắng lên những tân sinh viên nghèoCha vái cho con thi rớtĐường đến giảng đường vẫn còn xa vợiBứt phá hơn nữa để hoàn thành những giấc mơƯớc mơ xây dựng đồng bằng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận