Sắp gục ngã trước ngưỡng cửa đại học
Phóng to |
Chia sẻ với hoàn cảnh tân sinh viên Lâm Văn Vũ, ông Trần Quới (Q.2, TP.HCM) tặng em 5 triệu đồng và động viên em vượt khó, học giỏi - Ảnh: Q.Phương |
Đã có trên 1.800 suất học bổng “Tiếp sức đến trường” - 5 triệu đồng/suất - được Tuổi Trẻ trao cho hơn 1.800 tân sinh viên nghèo, đã chắp cánh cho các bạn bước vào giảng đường đại học, để các bạn viết tiếp ước mơ của cuộc đời. 1.800 suất học bổng so với hàng trăm nghìn tân sinh viên trúng tuyển chưa phải là nhiều. Vẫn còn đâu đó trên mọi miền đất nước này, nhiều bạn tân sinh viên nghèo cần được giúp đỡ.
Mỗi lá thư gửi về chương trình là một câu chuyện về hoàn cảnh nghèo và gửi gắm trong đó là tinh thần vượt khó, vượt khổ, là khát vọng vươn lên trong cuộc sống, vươn lên trong học tập. Quên sao được những câu chuyện làm thuê, làm mướn để có tiền nhập học của Lâm Văn Vũ (Quảng Ngãi), Phạm Thị Mỹ Duyên (Long An), Sầm Văn Thuộc (Lào Cai)... Quên sao được những tân sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ phải đi vay tiền để nhập học như Trần Tuấn Tú (Bình Dương), Nguyễn Tịnh Tâm (quê Hà Nội), Nguyễn Viết Khang (Thanh Hóa)... Và càng không thể quên những câu chuyện của những bậc làm cha làm mẹ ngày ngày phải đi làm thuê làm mướn, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để chắt chiu từng đồng, nhịn ăn nhịn uống cho con vào đại học.
Bên cạnh những nhà tài trợ lớn cho chương trình, giúp cùng lúc nhiều trăm triệu, nhiều tỉ đồng, “Tiếp sức đến trường” còn nhận được những sự trợ giúp và câu chuyện rất hay. Chúng tôi vẫn không sao quên được cảnh một phụ nữ gầy gò quê ở An Giang chở theo một bạn nữ sinh đến tòa soạn Tuổi Trẻ xin được tiếp sức đến trường vào một buổi trưa giữa tháng 9. Bà không phải là phụ huynh mà chỉ là một người hàng xóm. Bà biết gia cảnh của em nữ sinh quá khó khăn nên đã đi vận động bà con trong xóm người cho ít tiền để em lên phố nhập học.
Cũng lại có khá nhiều câu chuyện tưởng chừng như chỉ có trong cổ tích bởi người dưng nhưng lại bảo ban, lo lắng cho nhau hơn người nhà. Đó là câu chuyện của chú Việt ở Đức Huệ (Long An) đã đồng hành cùng cô học trò nghèo Phạm Thị Mỹ Duyên suốt ba năm học cấp III. Ngày Duyên đậu đại học, ông lại làm đơn gõ cửa khắp mọi nơi để xin học bổng. Khi Tuổi Trẻ đăng bài viết về Duyên, mỗi khi có mạnh thường quân giúp đỡ ông lại vui mừng gọi điện báo tin. Ông bảo: “Sẽ còn đồng hành với Duyên đến khi tốt nghiệp đại học mới thôi. Bởi thấy con bé nghèo mà học giỏi nên thương”. Và còn rất nhiều câu chuyện lung linh như thế!
Hãy gắng lên những tân sinh viên nghèo! Đừng bao giờ bỏ cuộc. Bởi xung quanh các bạn vẫn còn nhiều tấm lòng nhân ái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận