30/12/2018 09:50 GMT+7

Tiền mua nước ngọt nhiều hơn tiền gạo

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Cuối tháng 12-2018, nắng gay gắt thiêu đốt cồn Chày Mười (ấp Thới Hòa 1, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Đã vào mùa khô, mọi thứ ở đây héo hon vì thiếu nước ngọt.

Tiền mua nước ngọt nhiều hơn tiền gạo - Ảnh 1.

Vừa bắt đầu mùa khô, nguồn nước mưa dự trữ nhà chị Nguyễn Thị Mộng Tuyền - xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre - đã cạn, mỗi tháng chi 600.000 - 700.000 đồng tiền nước. Hai con chị Tuyền rửa tay kiểu xài nhín nước - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Anh Phạm Thanh Linh, cư dân ở cồn này, mồ hôi nhễ nhại, tranh thủ sửa sang lại giếng nước được đào trên một giồng cát.

"Nước ngọt" có vị mặn

"Khí hậu ở đây khắc nghiệt lắm, chỉ khoảng một tháng nữa thôi con người, cây trồng, vật nuôi đều héo queo vì thiếu nước ngọt nên giờ mình phải chủ động tích trữ nước" - anh Linh vừa nói vừa dùng ca nhựa vớt lớp bèo rồi múc một ca nước. Nếm thử, nước có vị mằn mặn đầu lưỡi, nhưng đây là nguồn "nước ngọt" duy nhất đối với người dân cồn Chày Mười.

Những lu, kiệu hứng nước mưa nhà dùng đã khô. Ngoài đồng, giữa ruộng dưa hấu, hầu hết người dân ở đây đều đào một cái giếng, dùng nguồn nước này để tưới cây. Gọi là giếng nhưng thực tế chỉ là một cái hố sâu khoảng 1,5m. "Đào sâu hơn nữa sẽ đến tầng nước mặn" - anh Linh giải thích.

Trước đây, người dân địa phương chủ yếu trồng xoài nhưng năng suất thấp, không đủ nước tưới nên họ dần chuyển qua trồng dưa hấu vì đây là cây ngắn ngày, mỗi năm có thể làm đến ba vụ, dễ chủ động nước tưới hơn.

Ban đầu người dân cũng trồng dưa hấu vào 6 tháng mùa mưa. Lâu dần, biết được mạch nước ngầm nằm cách mặt đất khoảng 1 - 1,5m nên người dân khai thác nguồn nước này để trồng dưa vào những tháng mùa khô. Gia đình anh Linh và em trai có 2 công dưa hấu, dù có giếng nhưng anh vẫn phải dùng màng phủ để tạo độ ẩm cho đất, chống nước bốc hơi, lúc kiệt nước, chỉ tưới dưa hấu bằng phễu để tránh lãng phí nước. 

"Riêng nước để nấu nướng và nước uống thì vẫn phải mua. Hằng tháng, xài nhín cũng hết mấy trăm ngàn đồng" - anh Linh nói.

Cách nhà anh Linh một bờ đê, nhà chị Nguyễn Thị Mộng Tuyền mới bắt đầu mùa khô nhưng các hồ chứa nước đã cạn tới đáy. Gia đình chị Tuyền có 4 người, do có hai con nhỏ nên xài nước nhiều hơn những gia đình khác. Theo chị Tuyền, cứ một tuần hoặc mười bữa, chị lại kêu ghe chở nước ngọt đến để bơm vào các hồ chứa nước xung quanh nhà. 

"Bình quân mỗi tháng gia đình tôi xài hết 600.000 - 700.000 đồng tiền nước. Tính ra tiền nước còn tốn hơn cả tiền mua gạo và tiền điện" - chị Tuyền nói.

50 hộ thiếu nước ngọt

Theo ông Phan Văn Hùng - trưởng ấp Thới Hòa 1, đây là ấp khó khăn nhất ở địa phương, cả về giao thông, nước sạch và điện lưới. Điện và hạ tầng giao thông mấy năm nay đã được đầu tư nên đỡ được một phần, nhưng chuyện nước sạch ở đây vẫn còn muôn vàn khó khăn. 

Vùng đất này xa xôi ở tỉnh Bến Tre, nằm giáp biển, nước mặn bao phủ quanh năm. Chỉ một vài vùng đất giồng có mạch nước ngầm ở tầng nông, nhưng nước này cũng chỉ dùng để tưới cây chứ không ăn, uống được.

Đất cồn, bị chia cắt bởi nhiều sông, rạch nên đường ống nước vẫn chưa phủ hết. "Hiện có hơn 50 hộ với trên 200 nhân khẩu đang sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Nhiều hộ kinh tế khó khăn nên việc mua sắm dụng cụ trữ nước mưa cũng hạn chế" - ông Hùng nói.

"Đáng tiếc hơn, cồn Chày Mười có bờ biển đẹp, rất thuận tiện để phát triển du lịch nhưng không ai dám đầu tư vì thiếu đường nước ngọt. Ví dụ khách du lịch đến đây tắm biển, trải nghiệm xong thì cũng phải có chỗ tắm lại bằng nước ngọt, quán xá này kia nhưng ở đây chưa làm được. Chắc khi nào có đường ống nước vào đến nơi nhà đầu tư mới mạnh dạn bỏ tiền ra làm" - ông Hùng bày tỏ.

Sẽ bàn bạc mở rộng mạng lưới nước sạch

Ông Phan Ngọc Tiến - phó chủ tịch UBND xã Thới Thuận - cho biết ấp Thới Hòa 1 thiếu nước ngọt trầm trọng, đường ống nước chưa kéo được đến nơi vì xa và dân cư thưa thớt.

"Trước mắt, người dân chủ động tích nước mưa để sử dụng cho mùa khô. Bên cạnh đó, bà con áp dụng mô hình tiết kiệm nước như phủ màng khi trồng dưa hấu. Chính quyền địa phương cố gắng sẽ bàn bạc với đơn vị cấp nước tính phương án mở rộng mạng lưới nước sạch đến với bà con cồn này" - ông Tiến cho hay.

Bao năm mong chờ nước sạch Bao năm mong chờ nước sạch

TTO - Có dịp về kênh Bao Tràm (kênh Tám Thước), xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước (Tiền Giang) mới thấu hiểu cảnh khổ bao đời nay khi người dân phải sử dụng nguồn nước kênh bị ô nhiễm nặng.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên